Chị Huệ lân la với các “chị em” tại công viên Văn Lang để phát bao cao su và khuyên họ lên xe Đồng Hành khám bệnh |
Khi phì phà thuốc phiện ở vũ trường, lúc cạn túi bị chủ nhà tống ra đường chui vô ống cống mà ngủ. Chị không nhớ hết bao nhiêu lần vào trung tâm phục hồi nhân phẩm.
Tuy nhiên, sau lần bị bắt vào trại giam Chí Hòa tám tháng, “lúc đó mình cảm thấy chán ngán. Ngẫm nghĩ mãi, mình làm nhiều chuyện thất đức rồi cuối cùng có được gì đâu. Mình chợt nhớ tới con mình...”.
Đem đến niềm tin
Chị là Võ Thị Bạch Huệ (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bạn bè còn gọi là “Tư khùng vui vẻ”. “Khùng” vì bất kể giờ giấc, người ta vẫn gặp chị lặn lội trong từng khu nhà ổ chuột, gầm cầu hay bất cứ nơi nào có bệnh nhân nghèo khổ đang vật lộn với con virus HIV.
Một lần theo chân “người khùng” đến những hẻm đời…“Chị ơi, em bị đuổi việc rồi. Từ một tháng nay họ hàng từ em, cả xóm tránh xa em. Em mua ly nước, đĩa cơm chủ quán cũng không dám bán. Người ta ghê tởm em thì em sống sao được!? Tối không ngủ được, em cứ đi ngoài đường. Em chỉ muốn tự tử thôi”.
Chị nhìn thẳng vào đôi mắt ầng ậc nước của M.: “Còn chị và nhiều người vẫn bên cạnh em mà. Sống một ngày là quí giá một ngày. Em đừng buông trôi. Cố lên!”. Chị kéo cô gái vào lòng còn cô thì rụt người lại: “Chị ơi, em sẽ lây bệnh cho chị!”.
“Không đâu, HIV chỉ lây qua… Em nhớ để tránh lây cho người khác”... Hôm nay chị đến báo tin mừng cho M. là đã nhờ một người bạn giới thiệu cho cô làm việc tại một trại cá giống.
Rời khu trọ của M. tại quận 8, chị Huệ phóng xe ngược về hướng Nhà Bè. Nhá nhem tối mới đến được căn chòi nằm chơ vơ giữa đồng của “T. sida”. Phải lội bì bõm trong dòng triều cường rác rưởi đen ngòm mới đến được căn chòi nát ấy.
Trong nhà chỉ có người mẹ cùng cậu con trai 21 tuổi đang ngắc ngoải sống. Bảy tháng trước họ cũng có nhà ở chợ Tân Thuận. Khi cậu con trai nghiện ngập phát hiện mình bị nhiễm HIV cũng là lúc họ phải bán nhà chạy chữa bệnh. Hai mẹ con phải đi ở trọ.
Nhưng rồi nhà hết, tiền hết. Biết T. bị HIV, chủ nhà trọ đuổi hai mẹ con đi. Không ai dám cho họ thuê nhà nữa. Ngay khi hai mẹ con lang thang ngoài đường thì có người cho cất chòi ở tạm trên mảnh đất cạnh ao tù ở rìa một xóm lao động nghèo, sống cách ly với hàng xóm.
Chở con đi bệnh viện thì bác sĩ nhìn rồi lắc đầu. Đến cha T. cũng bỏ đi. Ngay lúc ấy, biết chuyện, chị Huệ tìm đến khuyên nhủ người mẹ: “Chị ơi, tội, tội lắm. Cho cháu được sống, dù chỉ một ngày”. Chị hướng dẫn người mẹ cách chăm sóc con rồi vén mùng, đỡ bệnh nhân gầy giơ xương dậy: “Con ơi, ráng uống chút sữa đi!”.
Từ hốc mắt đen sâu hoắm của cậu thanh niên chợt trào ra dòng nước mắt: “Cô ơi, bệnh của con có chữa khỏi không cô? Sao ai cũng đuổi con hết vậy?”. “Đâu có, còn cô nè”. Rồi chị nén tiếng thở dài: “Con ráng ăn uống cho có sức, từ từ bệnh sẽ khỏi”.
Và chị rửa cho em những vết loét nhầy nhụa trên da. Chị mang đến từng viên thuốc đã xin được của các tổ chức từ thiện. Chị đút cho em từng muỗng sữa chắt chiu mua từ đồng lương của một giáo dục viên đồng đẳng…
Căn chòi le lói giữa đồng vắng của hai mẹ con lùi lại sau lưng, chiếc xe máy cà tàng của chị lại vòng về khu ổ chuột, hẻm ma túy xóm Cầu Hàn. Ở đó có một gia đình có người chồng bị nhiễm HIV, hai đứa con đứa 5 tuổi, đứa 7 tuổi nghi ngờ bị nhiễm vừa qua đời.
Xong, chị vội vã len vào dòng người đến công viên Văn Lang, nơi có cậu bé lang thang đang chờ chị lau cho những vết loang lổ trên người. Rồi còn hai cha con ăn xin ở cầu Thị Nghè, rồi Cầu Mống, Thanh Đa…
Những nơi tối tăm nhất, tồi tàn nhất ấy, đêm đêm người phụ nữ gầy gầy 50 tuổi vẫn thầm lặng kiên nhẫn hỏi thăm, chăm sóc từng người nhiễm HIV.
Chị Huệ đang chăm sóc một bệnh nhân sắp lìa đời |
Đầu năm 1993, tình cờ chị gặp lại Hồng Tâm - “người bạn tù” những năm xa xưa. Chị Tâm lúc này đã đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi và trở thành thành viên của đội tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS thuộc Quĩ Cứu trợ nhi đồng Anh.
Hồng Tâm khuyên chị tham gia nhóm. “Thoạt đầu mình chưa tin lắm, cứ nghĩ mình là thứ đá cá lăn dưa, trình độ mới lớp 7 đã bị đuổi khỏi trường thì làm gì có chuyện đi làm, nhưng vì tò mò mình theo bạn đi tập huấn thử.
Có kiến thức mình mới thấy căn bệnh này đáng sợ quá. Mại dâm, ma túy và những đứa trẻ bụi đời… Thế mà có mấy ai am hiểu và lặn lội vào cái thế giới ấy!? Không ai hết, mình phải làm!”.
Nghĩ vậy, một buổi bán nước mía, một buổi chị mượn chiếc xe máy cọc cạch của người bạn đi phát bướm, phát bao cao su cho chị em làm gái. Lắng lòng với nhiều cảnh đời, chị càng yêu công việc và thôi thúc mình đi nhiều hơn dù lúc ấy chị làm không công.
Ấn tượng nhất trong cuộc đời chị là ngày lãnh tháng lương đầu tiên sau năm tháng lặn lội. Cầm 200.000 đồng trong tay, chị rớt nước mắt ngỡ ngàng: “Nó chẳng đáng là bao so với những đồng tiền chị từng vứt vào vũ trường, thuốc phiện, nhưng đó là đồng tiền chứng nhận sự quay về của một cuộc đời lầm lạc. Xã hội thì ra cũng rất bao dung...”.
Từ đó, chị dành trọn thời gian len lỏi vào các “động” bia ôm ở đường Trường Sơn, công viên Lê Thị Riêng, khu Tân Cảng, Cầu Hàn, đứng đường chung với chị em ở Tao Đàn, Huyền Trân Công Chúa, Ngô Thời Nhiệm… Chị Huệ giả “đồng nghiệp” xin các chị một chỗ đứng.
Cứ thế, chị rỉ rả cho chị em căn bệnh AIDS đáng sợ thế nào rồi khuyên và tặng các chị bao cao su. Dần dần chị Huệ mới nói thật cho chị em biết mình là nhân viên tuyên truyền và phát bướm cho chị em đọc. Cũng vì dấn thân như vậy mà có lần chị bị nghi ngờ là công an, nhà báo nên bị bọn côn đồ đánh gãy tay.
Hiện nay, ngoài giờ làm cho xe Đồng Hành (xe khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV: mại dâm, ma túy, trẻ đường phố thuộc Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS thành phố), chị còn tự nguyện chăm sóc những bệnh nhân AIDS thời kỳ cuối.
Chị luôn đau đáu nỗi niềm: “Tôi nợ đời thêm một lần sống nên phải làm việc có ích để trả nợ đời. Nếu là tỉ phú, tôi sẽ giúp vốn, giúp nghề cho các chị hoàn lương”. Và hơn mười năm, chị không nhớ đã chui vào bao nhiêu ổ chuột, nâng dậy bao nhiêu cuộc đời.
Chị Huệ không ngần ngại vào bệnh viện nuôi một chị bị xe đụng ngất giữa đường và cho chị ấy cả tháng lương mua xe thuốc lá bán để bỏ nghề bán thân.
Trong quyển nhật ký viết bằng vở học trò của chị Huệ, tôi bắt gặp những dòng chữ nguệch ngoạc: “...Ngày 9-3-2004, liên hệ đơn gửi bé trai 6 tuổi tên Đức Sang, con anh Minh;... Ngày 12-3-2004, xin cho anh Minh khám và điều trị tại Bệnh viện miễn phí Thiên Phước;… Ngày 19-3-2004, gặp một chị mù bị hành hung bắt đi ăn xin;... Ngày 21-3-2004, liên hệ mua vé xe cho chị mù về quê, xe chạy lúc 9g15, xe số 36-9899, từ bến xe miền Đông đi Thanh Hóa, chủ xe tên… Hoàn thành về báo lại Công an P.21, Q.BT...”.
Mới đây gặp lại, chị báo tin đã liên hệ xin cho T. được lên Trung tâm chăm sóc người nhiễm HIV thời kỳ cuối Mai Hòa. Chị cũng đã xin được thuốc đặc trị cho K... Và với chị, vẫn “một ngày như mọi ngày”, vẫn lặng lẽ ươm từng chút niềm tin về tình người cho những bệnh nhân AIDS...
Bài, ảnh: YẾN TRINH
▪ Ðem lại niềm tin cho những con người bất hạnh (24/11/2004)
▪ Ngày hội của hơn 100 người nhiễm HIV/AIDS (23/11/2004)
▪ Một chữ "tình" (19/11/2004)
▪ Đám cưới tập thể người sau cai: Nước mắt hạnh phúc! (19/11/2004)
▪ Thêm thủ tục “hành” người cai nghiện hồi gia (18/11/2004)
▪ Quyền lao động của người có HIV: tự do xâm phạm (18/11/2004)
▪ Đề án sau cai ở TP.HCM: Đã được thực tế khẳng định tính khả thi (18/11/2004)
▪ Người về từ vực thẳm (16/11/2004)
▪ Những người tình nguyện Lên rừng chăm sóc người nhiễm HIV (16/11/2004)
▪ TP HỒ CHÍ MINH:Hạn chế tạm giam quá hạn; Phạm nhân nhiễm HIV được về nhà điều trị? (16/11/2004)