Sinh trưởng trong một gia đình cách mạng cả cha mẹ làm nghề giáo ở miền quê biển Hải Hậu (Nam Ðịnh), từ nhỏ chị Minh Châu luôn tâm niệm một điều mà người mẹ đã khuất luôn nhắc nhở: Dù trong hoàn cảnh nào con người ta cũng phải sống cho phải đạo. Ðiều này tưởng chừng như một câu nói chung chung, nhưng nó thật sự nâng đỡ tinh thần cho những ngày tháng chị làm bác sĩ trong Viện Quân y 105, càng có giá trị hơn khi chị với cương vị Chánh Văn phòng AIDS Hà Nội (1992). Thời gian này, chị bắt đầu nghiên cứu về HIV/AIDS và bắt tay vào làm nhiều việc cụ thể nhằm tạo thành mạng lưới toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, lôi kéo được những thanh niên có "tiền sử" vào cuộc. Chính nơi đây, chị từng chứng kiến những thói hư tật xấu, lắng nghe thấu hiểu niềm vui và nỗi buồn của những mảnh đời tội lỗi, khát khao có những tia hy vọng để làm người tốt. Nhưng trời chẳng chiều lòng ai. Những ước muốn bình dị ấy chưa tìm được cơ hội để bấu víu thì tai họa HIV/AIDS lại gieo thêm một lỗ thủng vào những cuộc đời vốn rất lỗ chỗ này.
Chị kể: Hồi ấy, ngoài công tác chăm sóc chữa trị cho người bệnh AIDS tại cộng đồng, chị thường xuyên xây dựng các câu lạc bộ bạn giúp bạn, giáo dục đồng đẳng, hằng tháng tổ chức cuộc thi nhằm khơi dậy phong trào, tập hợp lôi kéo những thanh niên hư hỏng vào cuộc. Tất cả cuộc thi đều chung quanh các kiến thức phòng và chăm sóc HIV/AIDS. Có những cuộc thi thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Có lẽ chị không bao giờ quên những nụ cười hạnh phúc của các cháu khi chúng đoạt giải, mặc dù trị giá của giải chỉ là một vài bánh xà phòng hay chiếc khăn mặt. Chính những niềm vui ấy là động lực giúp chị vuợt lên khó khăn về tinh thần và vật chất để duy trì hoạt động. Chị không quản ngại khó khăn, xoay xở, xin tài trợ khắp nơi. Xin được cái gì cũng quý, ít nhiều đều được. Từ chút tiền cho đến những hiện vật nho nhỏ chị đều vui lòng nhận để làm quà trao giải thưởng cho những cháu có kiến thức tốt. Nhờ các hoạt động này mà nhận thức của nhân dân về mối nguy hại của căn bệnh HIV/AIDS được nâng cao.
Năm 1998, chị được điều về làm Phó Văn phòng AIDS quốc gia phụ trách các vấn đề về chuyên môn. Lúc này, chị vẫn nuôi trong mình một ý tưởng về dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS. Ðã từng lăn mình trong thực tế tuyến cơ sở, chị thấy được nhu cầu của quần chúng và hiểu được đất nước đang phải đối mặt nhiều khó khăn, Ðảng, Nhà nước quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng vẫn không xuể. Nếu cứ trông chờ vào nguồn ngân sách quốc gia sẽ rất khó mà đại dịch HIV/AIDS ngày càng lan rộng. Một con đường, một lối đi nhanh và đúng hướng là kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế. Chị được cử sang Mỹ theo chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Qua hai năm thực hiện dự án, 30 nghìn người được tư vấn và xét nghiệm, 26 nghìn người chấp nhận kết quả và trong đó phát hiện thêm năm nghìn người nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tất cả số người nhiễm mới do dự án phát hiện được điều trị và chăm sóc miễn phí tại địa phương. Ngoài ra dự án còn thực hiện nhiều chương trình như: Chăm sóc lây truyền từ mẹ sang con tận xã, phường, cùng các hoạt động trong nhóm tiếp cận cộng đồng, lấy xã phường làm chủ chốt ... Sau ba năm hoạt động, Bộ Y tế và cơ quan tài trợ đánh giá đây là dự án hiệu quả, thiết thực, không những với những người nhiễm, cộng đồng mà các y sĩ, bác sĩ yên tâm công tác. Ðây cũng là mô hình mà một số nước đang nghiên cứu và phát triển.
|