Những thầy thuốc ở Hải Dương
Các Website khác - 18/09/2004

Dẫu rằng ở đâu đó vẫn còn một số người mang danh thầy thuốc – như báo chí đã liên tiếp “nêu danh” giơ tay nhận tiền của người bệnh hoặc gián tiếp “móc túi” người bệnh qua việc kê đơn thuốc để lấy… “hoa hồng”…  thì trên thực tế, ở khắp mọi nơi, đại đa số nhân viên y tế vẫn giữ được tấm lòng từ mẫu của mình, họ vẫn hết lòng vì những người chỉ vì không may mà phải đến “cậy nhờ” họ, trong đó có không ít người bị nhiễm HIV/AIDS…

Khoa Lây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (BVĐK) thật khẩn trương, bận rộn. Một ngày mới bắt đầu bằng việc thăm khám bệnh nhân; phát thuốc; vệ sinh khoa phòng… Ngoài việc tiếp nhận, điều trị các bệnh lây truyền thông thường, khoa Lây còn là nơi tập trung bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hoặc nghi ngờ nhiễm HIV của tỉnh.

            Khoa có 18 cán bộ nhân viên, trong đó có 5 bác sĩ, còn lại là y tá, kỹ thuật viên… Năm 2003, khoa tiếp nhận và điều trị trên 1.300 lượt bệnh nhân, trong đó có 205 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Họ vào việc hầu hết trong tâm trạng suy sụp về tinh thần và thể lực. Do thiếu hiểu biết,  những người nhiễm HIV luôn có mặc cảm, họ xem như mình đã nhận “bản án tử hình” nên rất bi quan, chán nản, thường xuyên quậy phá gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị. Mặc dù vậy đội ngũ cán bộ y tế khoa luôn nêu cao tinh thần thái độ phục vụ, chấp nhận nguy cơ có thể bị lây truyền căn bệnh nguy hiểm từ bệnh nhân. Tinh thần trách nhiệm phục vụ của đội ngũ y sỹ, bác sĩ khoa Lây đã trở thành phương thuốc vô giá giúp người nhiễm HIV/AIDS vượt qua nỗi sợ hãi về bệnh tật, làm vơi đi những mặc cảm trong họ…

            Bác sĩ Nguyền Hữu Thung, trưởng khoa Lây cho biết: Năm 2003 là một năm có đông bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS điều trị, và cũng là năm có số bệnh nhân chết do AIDS tại bệnh viện cao nhất (gần 40 người) từ trước tới nay, tính trung bình mỗi ngày có trên 13 bệnh nhân HIV/AIDS nằm điều trị, nhiều ngày có tới 20 bệnh nhân, trong khi giường dành cho bệnh nhân HIV/AIDS mới có 14 giường, nên nhiều khi phải ghép bệnh nhân nằm chung giường với nhau. Vừa trao đổi công việc, bác sĩ Thung vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu điều trị dành cho bệnh nhân HIV. Dù không được báo trước là có khách đến thăm,  nhưng các phòng bệnh ở đây đều sạch sẽ. Những “chiến sĩ” áo trắng đang ân cần thăm sức khỏe của từng bệnh nhân đang nằm điều trị. Trong ánh mắt của một số bệnh nhân đang nằm bất động tôi thấy hiện lên niềm vui sướng khi được các bác sĩ đến thăm khám. Đối với họ lúc này chỉ có những người cán bộ y tế mới thực sự là những người thân thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc, động viên, an ủi họ vượt qua sự đau đớn của bệnh tật. Bỗng một bệnh nhân đưa tay kéo vạt áo bác sĩ với một giọng nói run rẩy: “Bác sĩ ơi bệnh của em có chữa được không? Em có được trở về để gapự mặt cậu con trai chưa một lần được gọi bố!”. Tôi cảm thấy xúc động trước những giọt nước mắt, những ước mơ tưởng như đơn giản đối với những người cha… song thực tế lại không đơn giản chút nào khi mà bệnh nhân này  vẫn còn phải chịu án 3 năm tù giam, trong khi bệnh tình lại có chiều hướng đi xuống. Chúng tôi chỉ biết động viên anh ta hãy dũng cảm nhìn nhận tình trạng bệnh tật của mình, an tâm điều trị thật tốt và hy vọng một ngày nào đó anh sẽ được về đoàn tụ với gia đình.

            Tạm biệt khu điều trị của phạm nhân, chúng tôi đến một số buồng bệnh khác. Những bệnh nhân này có người nhà chăm sóc… Tôi hiểu rằng nỗi đau bệnh tật và đường lây của họ chẳng khác gì những phạm nhân kia. Bệnh nhân Nguyễn Văn H. đang được vợ nâng, đỡ, bón cho từng thìa cháo, phều phào nói với chúng tôi: “Cám ơn các bác sĩ đã chăm sóc em tận tình, chu đáo, không xa lánh và đối xử với chúng em thật là tử tế. Em hiểu đến lúc này mới hối hận thì đã muộn quá rồi. Chỉ mong Đảng, Nhà nước có những biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để những kẻ buôn bán ma túy, tuyên truyền để mọi người biết cách phòng tránh, đặc biệt là những người đã trót nghiện ma túy như chúng em…”

            Một số cán bộ y tế của khoa không dấu nỗi những lo lắng về những người nhiễm HIV/AIDS khi hết thời gian điều trị trở về. Liệu họ có biết cách phòng bệnh cho người thân và cộng đồng? Bởi khoa Lây không được phép công bố khi chưa có thông báo kết quả của y tế dự phòng. Đây là một trở ngại trong việc tư vấn cho người bệnh…

Phương Anh - AIDS và cộng đồng