TIẾNG NÓI NGƯỜI TRONG CUỘC: "Gia đình đã giúp em vượt lên bệnh tật"
Các Website khác - 18/09/2004

“Trước khi công khai tình trạng nhiễm HIV/AIDS, em đã chịu sự kỳ thị và sự xa lánh của cộng đồng…Lúc đó, em không muốn sống nữa và đã nghĩ đến chuyện quyên sinh… Nhưng sự yêu thương, chăm sóc của gia đình đặc biệt là Bố, mẹ chồng đã giúp em vượt lên bệnh tật và chăn sóc chồng con…”. Đó là lời tâm sự của chị Phạm Thị Huệ ở phương Hạ lý, Hải Phòng.

            Chị cho biết: Cách đây 3 năm về trước, mặc dù đã có nhà ở Thành phố Hải Phòng nhưng vì điều kiện công tác nên hai vợ chồng đã ở nhờ nhà ông cậu bên Kiến an. Ngày ấy, chị đang làm ở một công ty Da giầy và mang thai đứa con đầu lòng. Còn anh H, chồng chị (với tấm bằng đỏ quốc gia về nấu ăn) là đầu bếp chính của nhà hàng nổi tiếng ở Kiến An. Cuộc sống êm đềm dần trôi qua và chị cũng đến ngày sinh nở. sau những ngày tháng mong chờ và cả những phút giây hồi hộp, lo lắng (chị phải mổ vì thai quay ngược), một cháu bé trai kháu khỉnh đã ra đời. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chợt qua nhanh, khi Huệ đã biết mình đã nhiễm HIV/AIDS…Cái tin này không chỉ làm Huệ sốc mà cả gia đình cũng không tin được cho dù đó lại là sự thật, bởi anh H, chồng chị có sử dụng ma túy…Chuyện hai vợ chồng Huệ nhiễm HIV như vết dầu loang, nó đã lan tỏa khắp khu vực ngã 5 Kiến An nơi mà vợ chồng chị đang sinh sống và làm việc. Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình chị. Mọi người thân quen ngày trước bỗng trở nên xa lạ. Cuộc sống đã khó khăn tinh thần thì giờ đây, anh, chị lại phải chịu khó khăn về kinh tế khi chồng Huệ xin nghỉ việc tại nhà hàng vì không chịu nổi sức của về dư luận. “Lúc đó, đi đến đâu chúng em cũng gặp phải cái nhìn soi mói của mọi người xung quanh. Hai vợ chồng em không dám trở về nhà ông bà nội bởi ông bà cũng phải đóng cửa vì có con nhiễm HIV/AIDS. Vợ, chồng phải đùm dúm nhau đi thuê nhà để ở. Qua 5 lần chuyển nhà, vợ chồng em vẫn không được yên thân. Cứ thuê được một thời gian là chủ nhà lại biết bọn em nhiễm HIV và họ lại … đuổi khéo. Mọi việc cũng tạm ổn khi vợ chồng quyết định chuyển về nhà ông bà nội để sinh sống… Cả gia đình lúc ấy (gồm ông, bà nội và hai vợ chồng em cùng cháu nhỏ) chỉ trông chờ vào đồng lương hưu khiêm tốn của ông nội. Tuy cũng có một số nơi mời đến nấu nướng, nhưng mặc cảm về bệnh tật nên chồng em không đi làm. Còn em cũng vì không chịu được sự xa lánh của đồng nghiệp nên bỏ hẳn công việc ở nhà máy…”. Huệ nói với chúng tôi như vậy.

            Từ ngày vợ, chồng Huệ chuyển về nhà ông bà nội, thì quán hàng ăn sáng vốn rất đông khách, nay cứ thưa dần, rồi vắng hẳn. không còn cách nào khác, mẹ chồng Huệ phải chuyển sang nghề may quần áo bà ba tại nhà. Những tưởng chuyển nghề thì gia đình sẽ qua được cơn sóng gió… Nhưng có người đến cắt quần áo, còn thì thầm bên tai mẹ chồng Huệ: “Bà đừng để nó may nhé, tôi sợ…”. Không những chỉ có khách hàng mà cả những người thân quen trước đây cũng không dám vào chơi, khi ngang qua nhà, họ chỉ chào xã giao rồi đi thẳng. Ngay cả cháu H con anh chị ra đường chơi cùng bạn bè cũng không được đón nhận, nó chỉ tha thẩn tự chơi một mình và tỏ ra rất cục cằn. Còn chú em chồng Huệ, vì sự kỳ thị của làng xóm đã phải đi nước ngoài để… “lánh nạn”!

            Hằng ngày Huệ ở nhà chăm sóc chồng con và phụ giúp mẹ chồng các công việc nội trợ và may vá. Được sự động viên của mẹ chồng và các chị em phụ nữ, Huệ tham gia vào Câu lạc bộ “Mẹ, vợ” của những người nhiễm HIV/AIDS do hội phụ nữ phường thành lập. Cứ ngày mồng 3 hàng tháng, chị cùng 25 thành viên trong CLB ngồi lại với nhau để chia sẻ tâm tư, tình cảm, trao đổi các thông tin cần thiết về chăm sóc bệnh nhân AIDS…Ngoài ra họ còn dành thời gian cùng nhau đến thăm hỏi người nhiễm HIV/AIDS. Cùng là người nhiễm HIV/AIDS, Huệ rất thương và thông cảm với những người đồng cảnh ngộ. Chị không ngại khó khăn khi tham gia làm sạch nơi ăn, ở và chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS không còn nơi nương tựa. Huệ không giấu được xúc động: “Chúng em là người may mắn vì gia đình luôn ở bên chăm sóc. Từ ngày tham gia vào CLB, em không khỏi chạnh lòng khi người mẹ lại là người lỳ thị con mình nhiều nhất như trường hợp anh D ở An Dương. Lại có trường hợp nhiêm HIV/AIDS bị gia đình đưa vào viện rồi bỏ luôn tại đó… Trước những hoàn cảnh như thế, các thành viên trong CLB quyết định giành thời gian đi đến gia đình người nhiễm. Nếu những bệnh nhân không có người chăm sóc, thì mọi người cùng nhau làm sạch nơi ăn, chốn ở của họ….Thời gian tới, CLB còn tổ chức các buổi vui chơi cho các cháu là con em người nhiễm HIV/AIDS vào các dịp 1/6 hay Trung Thu…”

            Cho đến nay, chuyện vợ chồng Huệ nhiễm HIV/AIDS đã không còn xa lạ với người dân trong phường Hạ Lý, Hải Phòng. Tuy vẫn còn không ít sự kỳ thị nhưng Huệ đã vươn lên trong cuộc sống để tham gia vào các hoạt động phòng, chống ÁIDS của các CLB và đi tuyên truyền tại các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn.

            Trước khi chia tay, Huệ bảo với tôi: “Em chỉ mong rằng cộng đồng nên giúp đở, che chở, không nên kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, bởi không ai chắc chăn là mình không bị. Điều thứ hai mà những người nhiễm HIV/AIDS cũng đang quan tâm đó là thuốc điều trị AIDS có thể hạ giá xuống thấp hơn nữa để những người nghèo có thể được sử dụng… ” Chẳng biết nói gì hơn, tôi chỉ mong rằng những mong muốn của Huệ rồi đây sẽ trở thành hiện thực.

Thanh Tâm