Một gia đình tang thương vì HIV/AIDS
Các Website khác - 15/08/2002
Một gia đình tang thương vì HIV/AIDS

Căn nhà nhỏ liêu xiêu như một cái chòi nằm sâu trong rẫy thuộc khu Cây Me, ấp 9/4 (khu vực lô 100) của xã Xuân Thạnh, huyện Long Khánh (Đồng Nai) bây giờ lạnh ngắt chỉ còn một bà cụ già sống lây lất để trông đứa cháu nhỏ mới được bốn tuổi nhưng đã bị cái chết treo lơ lửng trên đầu: nhiễm HIV/AIDS từ bố mẹ! Một lời cảnh báo đau lòng...


Đó là một xóm nghèo chưa có điện, nằm gần như biệt lập, cách trung tâm xã Xuân Thạnh 5km. Người chồng, anh H.V.H, sinh năm 1968, vốn quê gốc ở Quảng Trị cùng gia đình vào vùng đất heo hút này lập nghiệp. Nhà nghèo, anh làm thợ hồ cũng đi theo công trình rày đây mai đó. Người vợ, chị T.T.B.H, sinh năm 1977, lấy chồng từ lúc còn rất trẻ và sớm có ba đứa con trai, hàng ngày quanh quẩn với ruộng rẫy, chăm sóc con cái...

Anh Hoàng Trọng Trình, trưởng trạm Y tế xã Xuân Thạnh kể lại: Mới sinh cháu bé xong là chị ấy bị phổi nặng, phải điều trị liên tục. Mỗi lần chị ấy ra trạm xá xã khám, tôi đều khuyên nên đi điều trị ở bệnh viện lao nhưng chị ấy nói không đi được. Tôi biết gia đình ấy rất khó khăn, ba con đều còn quá nhỏ, thằng bé cũng èo uột bệnh lên bệnh xuống. Mãi một thời gian sau, không chịu đựng nổi chị ấy mới xuống Trung tâm lao phổi ở TP.HCM khám. Ở đó mới biết được tin trời trồng, chị bị nhiễm HIV/AIDS và sau đó phải về địa phương. Vốn biết những thông tin như vậy ở đây dễ gây "sốc" nên trạm hoàn toàn giữ bí mật chỉ sau này mới báo cho UBND và Đảng ủy xã biết và tổ chức cho TT Y tế huyện về khám cho cả gia đình. Đến khi đó mới biết được người chồng và cháu bé út cũng bị nhiễm.

Tai họa ập đến gia đình nhỏ. Bà mẹ đang ở với người con út phải về hẳn đó để chăm sóc cho cả gia đình. Bà khóc: "Không ai nghĩ đến chuyện tìm hiểu nguyên do, gạn hỏi nó mới biết nó hay ăn nhậu và từng đi làm ăn đây đó, trên trạm y tế cũng không dám nói thẳng, chỉ nói "bệnh này chưa có thuốc chữa" và hướng dẫn tránh lây nhiễm nhưng nó hay nghĩ quẫn lắm. Tôi cũng an ủi con, bảo nó cứ bình tĩnh chữa chạy, vợ thì nằm liệt giường như thế rồi biết mần răng, đừng đi mà bỏ con bỏ cái, hai mẹ con cứ khóc mãi nhưng nó không nghe". Khi bà đi hỏi vay ít tiền định đưa chị đi viện thì ở nhà anh uống thuốc rầy tự tử. Được cấp cứu ở bệnh viện cao su và may mắn thoát chết nhưng sức khỏe anh qua đợt đó bắt đầu suy kiệt nặng và chuyển vào thời kỳ cuối. Hai sào rẫy của nhà bán hết cũng không đủ cho thuốc thang đủ thứ bệnh của hai vợ chồng. Anh chết sau đó không lâu, ngày 20-2-2001. Lúc đó, được một số đoàn thể quan tâm, làng SOS TP.HCM đã xuống đưa ba đứa trẻ về chăm sóc. Đến khi xét nghiệm lại, biết cháu bé bị nhiễm nên cũng phải trả về. Bà cụ nhớ lại, "ngày tôi bế cháu về đến nhà cũng là ngày mẹ cháu mất", ngày 7-3-2001. Ba đứa trẻ thành trẻ mồ côi. Khi đó, các bác trong làng SOS cũng nói cháu Đạt rất yếu, nếu chịu được thuốc mới hy vọng không đi sớm đợt này. May mắn, nhờ thuốc thường xuyên của làng gửi về, sau vài đợt ốm nặng cháu qua khỏi và vẫn bình thường cho tới giờ.

Cả làng, cả xã chấn động sau cái chết của hai vợ chồng trẻ. Nhiều người cũng thương tình giúp ít khoai ít gạo nhưng cũng không ít người sợ hãi, xa lánh. Bà cụ và thằng cháu nhỏ ở lại trong căn chòi nhỏ của hai vợ chồng. Gia đình tan nát, hai anh lớn ở xa, Đạt khóc suốt. Nó chưa biết nói nhiều, chỉ suốt ngày vòi bà bế đi chỗ "anh Dinh, anh Dương". Từ tháng 4-2001, UBND xã phải trích cả ngân sách để trợ cấp cho cháu bé mỗi tháng được 100 nghìn đồng, nhưng trợ cấp mãi cũng không được nên ngưng. Cuối năm 2001 xã phải chuyển sang xin trợ cấp từ phòng TBXH huyện nhưng chưa được.

63 tuổi nhưng trông bà nội của cháu Đạt giống như một bà cụ ngoài 70 tuổi. Gương mặt khắc khổ, tấm lưng gầy còng xuống. Bà lại khóc, bảo cháu nội: đâu muốn để cháu phải đi ở trại mồ côi nhưng bà không có cách nào khác, dù sao ở đó chúng cũng còn được chăm sóc tốt, được học hành. Thằng bé Đạt mới nghe nhắc đến các anh lại tròn xoe mắt, gọi "anh Dinh anh Dương đâu"? Cha mẹ nó chắc chắn đã gửi gắm vào đứa con thật nhiều, như các anh, nó có một cái tên rất đẹp: Hoàng Văn Thành Đạt. Nhưng không như những đứa trẻ khác, nó sẽ không bao giờ được đến trường. Sợ không còn chờ được đến một ngày như vậy... Phạm Nguyên