Giờ đây, mỗi ngày, Kiên sống, và vẽ, và dạy vẽ cho các em nhỏ bất hạnh. Kiên tìm lại được đam mê từ cây cọ và những gam mầu; tìm được hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho con trẻ.
Ngựa hoang
Có người hỏi Kiên, động lực nào giúp Kiên từ bỏ được ma túy. Kiên trả lời đơn giản: Khổ quá, không chịu được thì bỏ! Tưởng rằng, đó chỉ là một câu trả lời qua loa, cho xong chuyện, nhưng nghĩ cho tường tận thì đó là câu trả lời đúng mà ngắn gọn nhất.
Trong căn phòng nhỏ treo đầy tranh của bố, mẹ và Kiên vẽ, giữa bộn bề tàn thuốc lá, mầu, cọ vẽ, và cả... hoa, tôi dần hiểu thêm về Kiên. Sau mấy hớp rượu, hồi ức buồn cứ thế hiện về, Kiên nói với tôi, như một sự nhắc nhở mình về những ngày đã qua, rằng đừng vô tình trước những thân phận đang gặp cảnh như anh một thời...
Có những chuyện, buồn đến nỗi, Kiên không bao giờ muốn nhớ lại. Cảnh tượng anh sinh viên là Kiên, vừa vào lớp, ngồi xuống ghế, đồng loạt các bạn đứng dậy bỏ ra ngoài. Anh bị coi là mầm bệnh, là tai họa của cả lớp... Không chịu nổi áp lực, đang là sinh viên năm thứ hai trường Mỹ thuật Hà Nội, Kiên đành bỏ dở việc học hành.
Gia đình Kiên sống ở khu tập thể Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Chẳng hiểu từ đâu, trong lúc gia đình Kiên chưa hết bàng hoàng trước hung tin thì hầu như tất cả mọi người đều biết Kiên có HIV. Anh bị cả khu tập thể tẩy chay. Lặng lẽ, cô độc, trong bốn bức tường, Kiên dồn nỗi đau vào những mảng mầu tối tăm, u uất.
"Chị không nên xem, mầu sắc tăm tối, đường nét kinh dị, toàn máu me, đau đớn quằn quại, ruột non, ruột già thôi." Anh đã nói thế khi tôi ngỏ ý xem lại những bức tranh một thời anh vẽ.
Nhiều lúc, không chịu được sự bức bối trong lòng, buổi tối, Kiên đem đàn, đem rượu ra sân trường uống, rồi đàn hát, rồi khóc, ầm ĩ cả khoảng sân vốn tĩnh lặng. Nhưng chẳng ai nhìn ngó gì đến anh cả. Mọi người cứ kệ, bỏ ngoài tai, như không nghe, không thấy, không biết. Lũ trẻ con trong khu tập thể dĩ nhiên cũng bị bố mẹ chúng cấm tiệt, không được đến gần Kiên. Từ lúc nào chẳng biết, Kiên luôn là "gương tày liếp" mà các bậc cha mẹ đưa ra để dạy dỗ con cái.
Cũng như Kiên, nỗi đau lặn cả vào trong, bố mẹ Kiên sống trong căn hộ mấy chục mét vuông, lặng lẽ và hết sức kiệm lời. Ngôi nhà thân thuộc cũng không còn êm đềm nữa, Kiên lao xuống đường, tiếp tục ẩn thân trong làn khói mỏng manh mà đầy cạm bẫy...
Kiên nói với tôi về những ngày đen tối của anh: "Chị tưởng tượng được không, cái cống ở hồ Thiền Quang, tiếc là bây giờ không còn nữa, đã từng là chỗ ngủ của em hàng đêm, trong một thời gian dài".
Tôi trố mắt ngạc nhiên, nghĩ đến cái thân hình cao lênh phênh của Kiên gói tròn ở miệng cống. "Mà chẳng phải mình em đâu, có khi cả chục đứa". Có phải, mọi cảm giác mặc cảm, tủi thân, giận hờn, xấu hổ... sẽ dịu đi khi cuộn mình trong đó không, hở Kiên?
Ngày lại ngày, Kiên sống vật vờ trên vỉa hè, công viên, gốc cây. Kiên thường xuyên bị cái đói hành hạ. Ðến giờ, Kiên nói, Kiên vẫn thầm cảm ơn cô bé hàng xóm ngây thơ nhiều lần xúc cho anh bát cơm vẫn còn ấm nóng, với khúc cá béo ngậy, khi anh mang bát sứt sang nói "anh xin cho mèo".
"Chẳng dại gì nói xin cho mình ăn, vì chắc chắn là người ta bảo hết rồi, lại còn bị khinh bỉ." - Kiên kể chuyện mình xin ăn, với giọng hài hước, cười, nhưng hình như mắt anh ngân ngấn nước...
"Cuộc sống tươi đẹp"
Bố Kiên đã nảy ra một sáng kiến: Ðưa anh đi "tản cư". Ðược rời xa thế giới bị ruồng rẫy, Kiên đồng ý ngay. Nơi đến là một làng chài ven biển. Mảnh đất này, thời trai trẻ bố anh đã từng đóng quân.
Kiên sống một mình, lặng lẽ. Hàng ngày, anh vẫn vẽ, thích thì ra biển ngồi. Làng quê nghèo ấy như cách biệt hẳn với cuộc sống hiện đại. Tối tối, người dân vẫn chỉ dùng ánh sáng từ những ngọn đèn dầu cháy leo lét. Có nhiều đêm trăng suông, những con thuyền đánh cá, những mái nhà tranh lúp xúp, những bóng người quăng chài thả lưới trong đêm... Tất cả đều được phủ một mầu trăng bàng bạc.
Sự mộc mạc chất phác của con người và cuộc sống miền biển ấy, tôi vẫn thấy phảng phất trong các tác phẩm của Kiên bằng nét vẽ khoáng đạt, khỏe khoắn, gam mầu tươi sáng, nhưng vẫn đượm nét u buồn. Âm thanh của sóng biển, làn gió trong lành của biển, mùi mặn mòi của cuộc sống vạn chài đã vỗ về, an ủi Kiên. Cuộc sống đối với Kiên trở nên đẹp như không có thật. Hằng đêm, buồn buồn, Kiên thường chơi đàn. Người dân ở đây quanh năm chài lưới, nghe tiếng đàn cũng tò mò ghé nhìn vào sân nhà Kiên. Nghe mãi thành quen.
Kiên đã sống như thế, êm đềm, thanh thản. Mọi nỗi đau, niềm uẩn ức trong lòng dịu đi theo năm tháng. Có cô bé làng chài đã đem lòng thương Kiên. Ðó là tình yêu đẹp mà trong sáng vô ngần. Cô lặng lẽ chăm sóc Kiên, lặng lẽ nghe tiếng đàn của Kiên hằng đêm, để rồi bị tiếng đàn mê hoặc... Kiên cũng cảm động trước tình cảm của cô bé. Nhưng anh không đủ can đảm để nói với cô một sự thật, rằng mình chẳng thể đem đến niềm hạnh phúc cho cô, rằng, mình có HIV. Thương đấy, yêu đấy, nhưng Kiên vẫn phải ra đi, đi về với chốn phồn hoa mà nghiệt ngã... Trong cuộc chạy trốn đó, dẫu lẫn lộn rất nhiều cảm xúc, dẫu chưa từng hứa với cô bé đó, với làng chài ven biển đó, nhưng Kiên biết rằng, Kiên không thể trở về sống một cuộc sống như trước kia nữa.
"Bạn và tôi, đã bao giờ ta hiểu nhau chưa?"
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiên treo tại triển lãm. | Tôi đến phòng triển lãm, nơi đang treo đầy những bức tranh Kiên vẽ. Kiên ngồi lọt thỏm giữa một phòng tranh rộng. Ðơn độc, nhỏ nhoi. Dáng người cao quá khổ của Kiên như càng dài hơn trong chiếc áo phông tối mầu. Tôi bất giác nhìn ra đường. Cách chỉ mấy bước chân thôi, là dòng người xe đông đúc, là phố xá ồn ã. Xa hơn nữa là Hồ Gươm xanh, mùa này đang rực rỡ sắc hoa. Vậy mà Kiên ngồi đó, đơn độc và tĩnh lặng, như đứng ngoài mọi cuộc vui buồn. Chỉ có những gam mầu thôi, hình như vẫn còn hiện hữu trong mắt anh.
"Buổi tối Kiên thường làm gì?" Tôi hỏi Kiên. "Vẽ, rỗi thì em đi chơi với bạn gái". Ánh mắt Kiên lấp lánh niềm vui, khi nhắc đến cô bạn gái. Ðược biết, Kiên quen và yêu một cô gái sau lần triển lãm trước. Rồi một cậu bạn thân cũng có được sau lần ra mắt ấy. "Vừa bán được tranh, vừa được người yêu, lại tìm được tri kỷ, được nhiều quá không?" - Tôi đùa Kiên. Anh chỉ cười hiền khô, ít khi tôi nhìn thấy nụ cười ấy trên gương mặt anh.
Triển lãm lần này, Kiên đặt tên là "Bạn và tôi, đã bao giờ ta hiểu nhau chưa?". Thật ra, mong ước được hòa nhập với cộng đồng, được sống một cuộc sống không kỳ thị, không phân biệt đối xử là mơ ước chung của những người có HIV.
Ðã từng có thời kỳ, trên các pa-nô, áp phích minh họa về HIV là cái đầu lâu gạch chéo, với một dòng chữ ngắn ngủn, lạnh lùng: AIDS là chết! Hãy tránh xa AIDS!... Có lẽ, một phần vì thiếu thông tin, một phần vì cách tuyên truyền cực đoan quá mức, mà mọi người nhìn nhận về căn bệnh HIV chưa đúng. Bây giờ, tuy đã cải thiện được ít nhiều, nhưng sự kỳ thị vẫn còn đâu đó.
Kiên mong muốn bằng những nỗ lực của anh, cũng như những người tâm huyết, sẽ dần xóa dần sự kỳ thị đó, để cộng đồng người có HIV được sống nhẹ nhõm hơn. "Phòng chống, ngăn chặn lây lan là việc cần thiết. Nhưng với những nguời có HIV, xin hãy nhìn nhận họ như những người bệnh cần được giúp đỡ, chứ không phải là một tệ nạn của xã hội." Kiên đã từng nói như thế trong một lần trò chuyện cùng tôi.
Tranh của Kiên, dù được giới hội họa đánh giá cao, nhưng chưa từng được treo ở phòng tranh nào. "Em đã từng đến nơi đặt vấn đề với các chủ phòng tranh, nhưng người ta nói không bán được, không nhận, thế thôi. Người ta sợ xui !". Kiên nói nhẹ tênh. Vì thế, tranh của anh chỉ đến được với công chúng qua những lần triển lãm. Ðến nhà Kiên, tranh Kiên vẽ chất đầy trong phòng. Vẽ xong, lại để đấy. May mắn bán được tranh, Kiên lại dồn vào mua mầu, toan để tiếp tục vẽ.
Lần trước, Kiên chọn 45 tác phẩm treo ở triển lãm, phản ánh diễn biến tâm lý, tình cảm của anh trong suốt 10 năm trời. Lần này, tranh của Kiên sáng tác trong khoảng thời gian 5 tháng. Bức tranh vẽ nhanh nhất trong đợt triển lãm này, Kiên chỉ cho tôi, "Sự hoang tưởng mầu hồng", chỉ vẽ trong gần hai tiếng đồng hồ, trước hôm tổ chức triển lãm. Thế mà lúc xem tranh, đây lại là một trong những bức làm tôi xúc động nhiều. Kiên vẽ một gia đình có cha mẹ và những đứa con. Bốn con người nhỏ bé đó đang nép vào nhau, âu yếm, nương tựa và đầy tin cậy. Tôi như cảm thấy nỗi day dứt, đau đớn, ám ảnh một cách lạ lùng trong mầu hồng đó...
Thấy được những bất cập trong cách truyền thông về những vấn đề xã hội, Kiên sôi nổi tham gia nhiều hoạt động, từ hội thảo khoa học về HIV/AIDS, đến phát bao cao-su, tuyên truyền tình dục an toàn, lành mạnh... Anh lặn lội theo các tổ chức phi chính phủ về các miền quê nghèo để nghiên cứu, tìm hiểu về tính cách người Việt ở các miền.
Kiên nói, điều này rất có ích cho nghề nghiệp của anh. Rồi anh đến các Trung tâm bảo trợ xã hội, tìm đến với trẻ thiệt thòi để dạy vẽ cho các em, dạy các em đàn hát... Là người có HIV, anh thấu hiểu được những thiệt thòi của trẻ em khuyết tật. "Nghèo đói thì khổ, nhưng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Các em đang sống chung với những căn bệnh vô phương cứu chữa mới đáng thương và đáng được bù đắp nhiều".
Với tâm sự đó, sắp tới, anh sẽ tự tổ chức một cuộc triển lãm chung với các em. Ðó là trẻ em khiếm thị, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, và trẻ có HIV. Hiện tại, lịch dạy Kiên đã lên kín.
Phương pháp dạy của anh cũng rất đặc biệt: "Anh là họa sĩ, anh dạy các em về cách vẽ. Nhưng anh thích gì anh vẽ, các em cũng vậy. Hãy vẽ theo ý thích của mình, vẽ những gì thân yêu nhất, thân thuộc nhất với các em". Kiên luôn nói như thế với các em trước giờ dạy.
Có thể, vì trái tim các em còn ngây thơ lắm, nên tranh các em vẽ mầu sắc tươi tắn, hồn nhiên hơn tranh của thầy giáo Kiên nhiều. Các em vẽ về những ước mơ đơn sơ, khiến người xem tranh cảm động: hai chị em dắt tay đi học, mẹ dẫn đi chơi công viên, hai chú gà con chạy tung tăng trong sân... với những đường nét ngộ nghĩnh, ngây thơ.
Kiên nói, công việc này của anh, nhằm tạo cho các em có cơ hội tiếp cận với các hoạt động văn hóa, thứ mà từ trước đến nay, xã hội còn ít quan tâm. "Bạn và tôi, đã bao giờ ta hiểu nhau chưa?", một thông điệp, cũng là một lời nhắn nhủ của những người có HIV đến mọi người, rằng hãy cảm thông và chia sẻ...
Có chút hơi men, máu nghệ sĩ nổi lên, Kiên với tay lấy cây đàn ghi-ta dựng bên góc tường, cao hứng: "Chị thích nghe nhạc gì, để em tặng chị một bài nhé?".
Rồi như không để tôi chọn lựa, anh nói luôn: "Em sẽ hát bài Những ánh sao đêm. Bài hát em thích nhất đấy. Bài này mẹ em dạy em từ hồi bé tí". Miệng nói, tay Kiên bắt đầu dạo đàn. Những nốt nhạc vang lên huyền diệu trong căn phòng nhỏ. Nhạc, quyện với khói thuốc, quyện với tranh, đó là thế giới riêng của Kiên. Thế giới của đơn độc, đớn đau, và cũng là chốn hồi sinh niềm lạc quan, vui sống...
|