Tôi giơ máy ảnh chụp. “Ấy, đừng làm các cháu ngại” - bà nói. Hằng ngày bà giám đốc trung tâm vẫn một mình hòa giữa hơn 1.000 đối tượng, trong đó 80% có tiền án tiền sự, gần 300 đã nhiễm HIV Có thể, miễn là biết chăm
Trong buổi giao lưu với các đại biểu được truyền hình trực tiếp sáng 5-10, bà Nguyễn Thị Phương (ảnh trên, bên trái) kể: “Không khóc sao được, khi chính tay tôi đã phải chôn cất nhiều cháu mới vài tháng tuổi đã chết vì nhiễm HIVdo cha mẹ chúng để lại”. Đài THVN phát lại hình ảnh một cháu bé vài tháng tuổi bị bỏ rơi tím tái ngay tại cổng trung tâm, làm nhiều người xúc động. Bà kể: “Đó là cháu bé bị bỏ rơi cách đây gần 20 ngày. Khi mọi người tìm thấy, cháu đã tím tái vì rét và rất yếu. Khi đem cháu về, chúng tôi đã cố sức chăm sóc cháu. Không phải chỉ mình cháu, mà hiện tại trung tâm chúng tôi còn nuôi dưỡng hàng chục cháu mồ côi bị nhiễm HIVhoặc là con của các trại viên một thời lầm lỡ để lại...”. |
Khi mới về làm giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số 2 của Hà Nội, dù mỗi hành lang đều có cửa sắt, bà Phương vẫn như ngồi trên lửa vì liên tục có học viên ho khạc ra máu.
Điều tra mãi mới biết họ nuốt kem đánh răng trộn với thuốc lào để khỏi phải đi làm! Rồi đánh nhau, thẩm lậu ma túy để “cải thiện”.
Là phụ nữ, trước những bóng hồng từng qua tay bao người, nhiều câu hỏi cứ ám ảnh bà Phương: tại sao đa số gái mại dâm ra khỏi trại là đi bán dâm lại, tại sao có “đứa trẻ” 17-18 tuổi vội vã bán sự trinh nguyên cho một tài xế chỉ để 5-10 phút sau có mấy chục ngàn chạy vào quán Internet?
Quá khó để tìm được câu trả lời trọn vẹn. Nhưng bà tin mỗi người đều có phần thiện và phần thiện đó chỉ có thể được đánh thức bởi tính thiện trong cộng đồng. Bà đeo đuổi nghiệp “phục hồi nhân phẩm” theo niềm tin ấy, dù có lúc thấy hụt hơi, dù nhiều lần đã run lên vì công dã tràng xe cát...
Gần nửa cuộc đời công tác cạnh trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, hiểu những nỗi khổ cùng cực của con người, khi về làm giám đốc Trung tâm GDLĐXH số 2, bà Phương có triết lý riêng trong việc giáo dục học viên.
Giả ốm, đánh nhau, chửi cán bộ, ăn vạ... bà vẫn kỷ luật nhưng sau đó người ta lại thấy bà đến ngồi tỉ tê với những chị em chân đỏ tóc vàng. Và bao giờ bà cũng có giải pháp. “Nhiều người trốn việc vì không quen lao động, phải có cơ chế động viên”.
Thế là bà Phương tìm xin tài trợ trồng một vườn cây ăn quả. Học viên trồng, có quả được hái về ăn thoải mái. Làm cho mình, họ chăm hẳn. “Mấy nghề chân tay không hợp”, bà Phương mạnh dạn đưa tin học vào dạy.
Mấy “nàng Kiều” kỳ cạch nhưng rất hăng: “cùng lắm đi đánh văn bản cũng có tiền”. Rồi “cơm không có thức ăn, cháu không nuốt được”, bà hết tìm đầu ra cho hàng may mặc lại tìm mối xuất khẩu hàng mỹ nghệ.
Tiếp theo là mở trang trại nuôi gà. 6.000 con nuôi để bán, hơn 1.000 con thành món ăn của học viên. Thu nhập được đập vào bữa ăn. Từ tiêu chuẩn chỉ 2.800đ/ngày Nhà nước cấp, đến nay bữa ăn ở Trung tâm GDLĐXH số 2 đã có rau, thịt và món xào.
“Sống được người ta mới nghĩ đến cải tạo tốt”... Uy tín của bà Phương dần được tạo dựng bằng những hành động cụ thể như thế.
Nay khi bà xuống khu dạy nghề hay đến đâu cũng đều nghe râm ran “cháu chào cô”, mặc dù một gái mại dâm thú thật: “Em chưa bao giờ chào ai đàng hoàng thế, ngay cả bố mẹ”! Quan niệm của bà Phương đã đúng: có thể trồng hoa trên cát, miễn là biết chăm!
Cái tình cho được thì vui
|
Nhưng khi cô gái quay lại, bà giật thót mình: “Trời ơi”, ẩn sau lọn tóc xanh tơ là gương mặt tím bầm, hốc hác, chi chít mụn vì nhiễm trùng cơ hội. “H.G. à?”. Đáp lại lời chào, cô gái chỉ thều thào: “Cô ơi, con chỉ có một nguyện vọng duy nhất: cho con về quê để chết”.
Thế là bà theo địa chỉ cô gái đưa, tìm về quê cô. Bà cố thuyết phục cha mẹ cô gái: “Cháu nó yếu lắm rồi nhưng lúc nào cũng gọi tên hai bác”. Đáp lại chỉ là câu nói lạnh lùng. Quay về, nghe cô gái ngây ngô hỏi: “Bao giờ cha mẹ con lên?”, bà Phương không cầm được nước mắt.
“Cô kính mến... Chỉ còn mấy ngày ngắn ngủi nữa là đến 20-11 - Ngày nhà giáo VN, em hi vọng lá thư sẽ đến kịp tay cô, thay đóa hoa em mừng thầy cô nhân ngày lễ lớn. Cô kính yêu! 4-12-2004 em sẽ đi xa, đến một đất nước đầy xa lạ. Em sẽ mang theo tất cả kỷ niệm về trung tâm như nguồn nghị lực giúp em đứng vững. Hi vọng không lâu nữa em sẽ trở lại thăm trại với tư cách khác. Sẽ không còn cảnh xe thùng đưa em đến gặp cô như ngày nào nữa phải không cô”... |
Chỉ sáu tháng đầu 2005 đã có chín trường hợp ở Trung tâm GDLĐXH số 2 ra đi vì AIDS. Bốn người không ai đón. Trong đám tang AIDS nào ở trung tâm người ta cũng thấy bà Phương trong đoàn đưa tiễn.
Nhà nước chỉ cho mỗi người 960.000đ. Quan tài loại rẻ hiện nay cũng trên 1 triệu. Nhưng bao giờ bà Phương cũng lo được một đám tang đàng hoàng. Một bộ quần áo mới, vàng mã, hương đèn và luôn luôn có một vòng hoa trắng.
“Nếu có kiếp sau thì hi vọng họ sẽ thánh thiện hơn. Không thì cũng là bù đắp cho những cái chết trong cô quạnh” - bà Phương quan niệm vậy.
“Người ta thường ví con gái như loài hoa. Một bông hoa trót nở sớm nếu biết chăm thì nó vẫn là một bông hoa đẹp” - bà Phương khẳng định vậy và người phụ nữ này vẫn đang dốc sức tỉa những bông hoa trót bị vùi dập chỉ để được hi vọng: những bông hoa đã qua bao dông tố đó sẽ quyết tâm đứng được, kiêu sa giữa cuộc đời.
CẦM VĂN KÌNH
▪ Diễn viên Tea Leoni: 'Tôi ấn tượng với trẻ em VN' (05/10/2005)
▪ Chiến đấu với AIDS (05/10/2005)
▪ Bang Baltic có thể có tỷ lệ nhiễm HIV cao ngoài khu vực Châu Phi theo các quan chức (04/10/2005)
▪ Đôi bạn dũng cảm dắt tay lên đỉnh Kilimanjaro (03/10/2005)
▪ UCLA nhận hỗ trợ 3,75 triệu đô cho dự án nghiên cứu phát triển tế bào thân (30/09/2005)
▪ Đoàn Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH thăm Mỹ (29/09/2005)
▪ Ấn Độ: Tổ chức Maha Sabha triển khai công tác chống AIDS (29/09/2005)
▪ Người đàn ông nhiễm HIV và đỉnh Kilimanjaro (26/09/2005)
▪ Chiến dịch tuyên truyền AIDS trong cư xá sinh viên (26/09/2005)
▪ Malaysia: Trợ cấp đặc biệt cho cai ngục quản lý tù nhân nhiễm HIV/AIDS (26/09/2005)