(ANTĐ) - Theo thống kê, trong 22 xã của huyện Mai Châu thì có tới 16 xã có người nhiễm HIV, tập trung nhiều nhất ở xã Chiềng Châu, thị trấn Mai Châu và xã Mai Hạ. Từ năm 2005 đến nay, đợt bùng phát cao điểm có tới hơn 30 bệnh nhân. Đó chỉ là số lượng bệnh nhân mà Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu phát hiện và điều trị. Còn con số thực có lẽ còn gấp nhiều lần.
>>> Kỳ I: Cạn nước mắt vì AIDS
Tóc bạc khóc đầu xanh
Hôm chúng tôi đến xóm Mỏ, xã Chiềng Châu cũng là lúc người làng vừa tiễn một thanh niên xấu số bị chết vì AIDS về bên kia thế giới. Những vòng hoa trắng cài đầy xe tang.
Tội nhất là các cụ già cao tuổi cứ bám xe tang mà khóc về đứa con, đứa cháu tội nghiệp của mình. Cảnh đầu bạc phải khóc đầu xanh này lại thường xuyên xảy ra ở xã Chiềng Châu - ông Hà Công Tấc, Trưởng xóm Mỏ nói.
Xóm Mỏ có 195 hộ với 770 khẩu nhưng hiện tại có tới 14 người nghiện ma túy trong hồ sơ của huyện. Đây là đối tượng dễ lây nhiễm HIV nhất vì thường xuyên dùng chung bơm kim tiêm. Cả xóm đã có 7 người chết và 3 gia đình xóa sổ khỏi danh sách dân cư. Điều đáng tiếc là hầu hết những người chết đều đang trong độ tuổi lao động.
Mà chết đâu đã hết tội. Trước lúc ra đi, họ đã kịp gieo lại mầm mống của căn bệnh thế kỷ này cho chính những người thân của mình. Mặc dù trong những năm gần đây, cách nhìn của xã hội về những người nhiễm HIV đỡ kỳ thị hơn nhưng sự mặc cảm vẫn tồn tại không gì xóa bỏ được nhất là với những bậc làm cha làm mẹ.
Mẹ anh Hà Công Hùng ở xã Chiềng Châu gạt nước mắt nói với chúng tôi: Đau lòng lắm, có người mẹ nào không xót xa khi con mình mắc vào căn bệnh quái ác này. Ra đường nhìn con người ta phương trưởng, rồi nghĩ đến mình lại thấy tủi phận.
Thằng con tôi nghiện ngập rồi mắc AIDS, tự nó mang họa vào thân đã đành, đằng này lại lây sang cho vợ. Tội nghiệp con bé còn trẻ quá... Các cụ vẫn bảo: “trẻ cậy cha, già cậy con” thế mà giờ đây chúng tôi tuổi già vẫn còn phải nuôi cháu. Nói dại, mai này vợ chồng nó “đi”, chúng tôi không biết làm cách nào để nuôi lũ nhỏ.
Cơn sóng ngầm
Ở Mai Châu còn rất nhiều những cảnh góa bụa như chị An, chị Hồng, chị Hằng... Điều đáng lo ngại hơn là số người vợ bị lây nhiễm HIV từ chồng ngày một nhiều. Đây là địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và một số tỉnh Tây Bắc.
Có thể nói tình hình buôn bán ma túy ở đây rất khó ngăn chặn. Do vậy, người nghiện khó quản lý và nguy cơ lây nhiễm HIV là rất cao. Chị Hà Thị Yên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Châu lo lắng: Bản thân chúng tôi đến các gia đình vận động đưa đối tượng đi cai nghiện cũng rất khó khăn.
Nhiều ông bố, bà mẹ khi được chính quyền địa phương thông báo con mình nghiện ma túy rồi vận động đưa đi cai nghiện còn bất hợp tác. Họ không hình dung được nếu tiếp tục dung túng thì đó chính là những mầm họa tự tay gieo cho gia đình mình.
Căn nhà của một gia đình đã bị xóa sổ vì AIDS |
Chị Nguyễn Thị Thanh - cán bộ Khoa Kiểm soát dịch bệnh phụ trách công tác phòng chống HIV của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu cho biết: Đại đa số các trường hợp lây nhiễm ở đây là do dùng chung kim tiêm và lây nhiễm từ chồng sang vợ.
Có những trường hợp người vợ ốm đi xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV nhưng vận động thế nào người chồng cũng không đến xét nghiệm. Chính vì vậy số lượng người lây nhiễm càng gia tăng.
Ông Hà Công Tấc - Trưởng xóm Mỏ nói ra những nỗi ưu tư nghe xót lòng: Cái đói, cái nghèo Chiềng Châu vừa đuổi được, đời sống chưa kịp khấm khá thì nay lại đến căn bệnh HIV tràn về.
Tôi nhớ ngày xưa thanh niên Chiềng Châu chúng tôi đi bộ đội đánh nhau ác liệt như thế, hy sinh nhiều như thế nhưng cũng không thể nào so sánh được với cuộc chiến ma túy này.
Nó cứ âm thầm lặng lẽ hủy hoại bao gia đình, lấy đi biết bao trai tráng. Cứ với đà này nếu không có biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ thì trong một vài năm nữa có lẽ thanh niên trong xóm sẽ vãn hẳn vì nghiện ma túy và AIDS.
Theo chị Hà Thị Yên, công việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ở đây đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Do dân trí thấp, sự hiểu biết có hạn nên hầu hết giới trẻ đang thờ ơ trước nguy cơ nhiễm HIV. Rất nhiều cô gái biết bạn trai hoặc chồng sắp cưới mắc nghiện, thậm chí mắc AIDS nhưng vẫn quyết tâm kết hôn.
Bản thân họ cũng không quyết liệt trong việc phòng tránh AIDS nên đến khi phát hiện bị lây nhiễm lại phó mặc con cái cho bố mẹ. Những đứa trẻ ấy không được giáo dục chu đáo, lớn lên lại tiếp tục đến với ma túy, bước tiếp vào cái vòng luẩn quẩn ấy. Chính vì thế số lượng chị em bị lây nhiễm HIV từ chồng ở Mai Châu không giảm.
Rời Chiềng Châu khi ánh hoàng hôn vừa tắt. Hình ảnh thất thểu của hai đứa nhỏ con chị An vừa ra bờ suối bắt cá về cứ in đậm trong suy nghĩ của tôi. Không được đi học, không biết các em sẽ lấy hành trang gì để vào đời. Và ở Mai Châu còn rất nhiều trẻ em rơi vào cảnh tương tự. Cơn sóng ngầm HIV vẫn tiếp tục gặm nhấm mảnh đất này.
Hoàng Sơn
▪ Sự hồi sinh của những cô gái “điếm”… (04/06/2008)
▪ Nước mắt Chiềng Châu - Kỳ I: Cạn nước mắt vì AIDS (04/06/2008)
▪ Trẻ nhiễm HIV/AIDS được cấp thẻ bảo hiểm y tế (04/06/2008)
▪ Ngày của em đâu rồi! (02/06/2008)
▪ Xa lắm, Tết thiếu nhi! (31/05/2008)
▪ Chương trình "Sáng mãi niềm tin" cùng với trẻ nhiễm HIV (31/05/2008)
▪ Nơi “con ếch” từng ngày tàn phá (30/05/2008)
▪ 450 phần quà tặng bệnh nhi ung thư (30/05/2008)
▪ Nỗi niềm bệnh nhân AIDS (28/05/2008)
▪ Chuyện người đàn ông... AIDS (26/05/2008)