Phạm Hoàng Nam: 'Giờ đây tôi không còn bon chen'
Các Website khác - 12/08/2005

"Hai tháng xông pha những vùng sâu xa, đúng hơn là đi tới tận cùng góc tối, nơi sâu thẳm của con người, tôi mới thấy cuộc sống này còn nhiều điều đáng quan tâm hơn là chỉ biết ngồi ôm nỗi ưu tư của mình. Tôi như trở thành một con người khác", đạo diễn tâm sự trước khi hoàn thành dự án "Ngày mai cho bạn cho tôi".

- Bộ phim có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Đó là những gì đời nhất, thật nhất mà nếu không được tận mắt chứng kiến, tôi sẽ không tin rằng nó có thật. Mỗi mảnh đời với số phận nghiệt ngã khiến những người làm phim chúng tôi không thể kìm lòng. Đó là những cô gái mại dâm nhưng ẩn chứa đầy lòng trắc ẩn, là những em bé ngày ngày sống chung với rác nhưng không để mất lòng tự trọng.

Ở bên cạnh họ, nghe những tâm sự thật lòng và nhìn thấy cuộc sống của họ mới thấy có những điều mình không sao tưởng tượng ra nổi. Đó là cuộc sống phóng túng đến kinh hoàng của một cô gái điếm mắc bệnh AIDS, nhưng vẫn bận đi khách tới mức không có nổi 1 tiếng đồng hồ ngồi không. Đó là những con nghiện oặt oẹo mang trong mình căn bệnh thế kỷ, vẫn vô tư tiêm chích cho nhau; là những đống kim tiêm chổng ngược như chông trong các con hẻm phố.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam trong chuyến thực tế cho phim Ngày mai cho bạn cho tôi.

- Không dễ dàng để những con người ấy trải lòng tâm sự. Làm thế nào để anh tiếp cận được với họ?

- Tôi không ngại bá vai, bắt tay với những bệnh nhân AIDS, chuyện trò, ăn uống cùng họ như bạn bè. Nếu không như vậy, đừng hy vọng lấy được ở họ chút thông tin cần thiết nào. Điều này tôi học được ở chính ngôi sao điện ảnh thế giới Thành Long (Jackie Chan) khi chúng tôi quay tập phim về HIV/AIDS. Ông ấy đúng là một người chuyên nghiệp và có nhân cách, và điều đó cũng lý giải vì sao Thành Long được chọn làm đại sứ thiện sứ cho Liên Hợp Quốc nhiều năm qua.

- Điều gì anh tâm đắc nhất khi thực hiện bộ phim này?

- Tôi đã đi đến tận cùng những số phận, khi nhìn lại bỗng thấy những bon chen, hằn học trong cuộc sống thật không đáng để tâm, và nỗi buồn của mình sao nhỏ bé. Tôi thấy lòng thanh thản, bình an, sống chân thành hơn với chính mình. Chỉ có hai tháng mà tôi thay đổi nhiều, nhất là về tư duy. Có thể nhiều người cho rằng tôi nói quá, nhưng thực sự nếu họ giống như tôi, sống giữa những số phận không may mắn, họ sẽ cảm nhận được hết hạnh phúc đang nắm giữ, và sẵn sàng bằng lòng những gì có trong hiện tại.

- Anh làm thế nào để đưa những thông điệp thế giới đi sâu vào nhận thức người Việt Nam?

- Tất nhiên, nhiệm vụ mà Liên Hợp Quốc giao cho chúng tôi là thực hiện một tác phẩm có ý nghĩa toàn cầu, còn cách thức thể hiện ra sao cho phù hợp còn phụ thuộc nhiều vào cả êkíp dàn dựng. Bộ phim là 100% sự thật, thông qua phỏng vấn trực tiếp người trong cuộc. Đó là toàn bộ những sinh hoạt chân thực, sống động và thuyết phục. Để có được cảnh quay đó, cả êkíp đã lao động thực sự mệt nhọc, và phải dùng đến cả chiêu "giương đông kích tây". Cả đoàn tập trung vào một nơi, kéo sự chú ý của hầu hết mọi người, trong khi đó, chỉ có tôi và một người quay phim lẻn ra đằng sau, vào tận nhà, phỏng vấn tận mặt người dân, hay cách quay giấu máy...

- Với những gì làm trong hai tháng ấy, theo anh cách nào sẽ góp phần giảm thiểu đại dịch AIDS?

- Đừng bao giờ kỳ thị dù người đó là ai. Chính sự kỳ thị ấy đã vô tình đẩy người bệnh vào ngõ cụt. Xa lánh người nhiễm HIV, coi thường giới đồng tính..., những thái độ đó khiến cho khoảng cách giữa con người ngày càng xa nhau. HIV cũng chỉ là một căn bệnh, chỉ khác là nó chưa tìm ra thuốc chữa và luôn gắn với cảm giác “bệnh xã hội”. Cơ chế lây của bệnh viêm gan B cũng giống HIV, tại sao không ai kỳ thị, ngược lại còn đầy cảm thông? Thái độ coi thường người bệnh HIV chính là một nguyên nhân khiến người bệnh không dám nói ra, cứ ấp ủ và trở thành mối hiểm họa cho hàng nghìn, hàng triệu người khác. Nếu ai cũng coi đó là căn bệnh bình thường, người bị HIV sẽ đủ tự tin để nói "Tôi bị bệnh". Như thế, xã hội mới mong đẩy lùi được đại dịch. HIV tấn công bất cứ ai trong chúng ta.

- Nhưng một tác phẩm "Ngày mai cho bạn cho tôi" liệu đã đủ để đánh thức những suy nghĩ lệch lạc của con người?

- Tôi tin nếu tác phẩm này được chiếu tại VN với nguyên bản những gì tôi đã thực hiện, không cắt cúp, chỉnh sửa thì chắc chắn hiệu quả của nó là rất lớn. Nhưng tôi chưa nghĩ nhiều lắm về chuyện phim sẽ được trình chiếu tại VN, nếu có chắc cũng bị sửa đi ít nhiều.

- Anh nói bộ phim này mang lại cho anh nhiều ý nghĩa sống, nhưng có vị đạo diễn kỳ cựu đã tuyên bố thẳng thừng: Phạm Hoàng Nam đang tự mình đánh mất đi thương hiệu của một tay máy sáng giá khi bước chân vào lãnh địa đạo diễn. Cảm giác của anh ra sao?

- Có thể họ nói phiến diện về một bộ phim nào đó chứ chẳng phải về khuynh hướng sáng tác của tôi. Tôi luôn tôn trọng ý kiến và biết ơn những người đi trước, bởi chính họ chứ không ai khác đã tạo ra bộ mặt của nền điện ảnh VN những năm chiến tranh. Nhưng ngày đó đã qua rồi. VN cần những gương mặt mới, những ý tưởng mới nếu muốn hội nhập. Hơn nữa chỉ tôi mới tự hiểu được bản thân mình và biết những dự định tương lai của mình hơn ai hết.

Tôi giờ đây ít quan tâm tới ai nói gì, ai nghĩ gì về mình hơn trước. Tôi sống thanh thản, không lo lắng phải bon chen với đời. Ngay cả việc người ta cứ nói tới “thương hiệu Phạm Hoàng Nam”, thực ra với tôi điều đó không mang nhiều ý nghĩa lắm. Cái quan trọng là tôi được làm nghề, được sống với nghề và tạo cho mình cuộc sống thoải mái từ chính công việc.

Lê Bảo thực hiện