Quyền lao động của người có HIV: tự do xâm phạm
Các Website khác - 18/11/2004
(HNMĐT) - Cho thôi việc, chuyển việc không cần giải thích lý do, bắt buộc người lao động phải có kết quả xét nghiệm HIV trước khi được tuyển dụng, người trúng tuyển bị từ chối nếu kết quả xét nghiệm dương tính với HIV… đó là những hình thức chủ yếu của sự phân biệt kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS tại các nơi làm việc hiện nay. Người có HIV/AIDS nếu không muốn mất việc thì chỉ còn cách dấu giếm tình trạng bệnh của mình lâu chừng nào hay chừng đó.

Cho thôi việc không cần … lý do

Phải ra tận Hà Nội, trong một cuộc gặp gỡ mới đây do Báo Lao động và Dự án Policy tổ chức, chị T.X (Tp. HCM) mới có thể kể ra câu chuyện của mình. Cách đây 2 năm, chị được nhận vào làm ở khâu kiểm hàng của một công ty thuỷ sản. Công việc đang ổn định, chị đã được ký hợp đồng lao động thì bất ngờ, kết quả của một lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho kết quả dương tính với HIV. Và bất ngờ hơn, ngay sau đó chị bị chuyển xuống dọn dẹp vệ sinh không một lời giải thích. Thật ra, có một thời gian trước đó chị có nghiện hút nhưng đã hoàn toàn đoạt tuyệt với ma tuý khi sinh con nên sức khỏe hoàn toàn bảo đảm cho công việc. Quá bất bình trước quyết định của công ty, cũng như sự ghẻ lạnh của mọi người trong cơ quan, chị đã xin thôi việc.

Phần lớn những người nhiễm HIV khi đã bị phát hiện ra bệnh thường thì không cách này thì cách khác, họ sẽ bị mất việc làm. Ngay cả những người thân của họ cũng có thể bị liên quan. chị L.H (Hà Nội) đã sẵn sàng xuất hiện trước các cơ quan truyền thông đại chúng, công khai tình trạng có HIV của mình, nhưng kiên quyết dấu tên hay không cho chụp hình. Lý do duy nhất là chồng chị còn đang đi làm (anh cũng có HIV). Nếu để lộ ra, anh bị mất việc thì lấy đâu ra thu nhập nuôi cậu con trai 13 tháng tuổi đã may mắn không bị nhiễm HIV như bố mẹ. Một trường hợp khác nghe còn vô lý hơn. Đó là một sinh viên trường ĐH Mỹ Thuật đã bị đuổi học ngay từ năm thứ nhất khi nhà trường phát hiện ra anh có HIV. Nhưng đến tận bây giờ, anh vẫn phải sống trong âm thầm và giấu diễm bởi sợ bố của mình là giảng viên một trường CĐ… mất việc.

Nghiên cứu mới đây của TS Lê Bạch Dương, Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội tại Hà Nội và Tp HCM cho thấy sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại các nơi làm việc đang diễn ra khá phổ biến. Thường thì cho thôi việc, đuổi việc là hình thức kỷ luật nặng nhất. Lý do cho thôi việc thường được nguỵ trang, viện nhiều cớ khác nhau. Có đến 30% người được hỏi tán thành giải pháp này vì "sự an toàn của những người khác". Ngoài ra, một số cơ sở lao động bắt buộc người lao động phải có kết quả xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng và đương nhiên sẽ bị từ chối (kể cả đã trúng tuyển) nếu kết quả này là dương tính. 70% người được hỏi (kể cả cán bộ y tế) đồng ý không nên tuyển dụng người có HIV và 82,5% muốn có xét nghiệm bắt buộc với tất cả người lao động.

Để người HIV có việc làm...

Ông Đặng Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Hành chính, Bộ Tư pháp khẳng định, luật pháp hiện hành quy định rất rõ: Không được cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được chuyển những người nhiễm HIV/AIDS sang làm công việc khác nếu họ không có yêu cầu. Ngoài ra, phải giữ bí mật kết quả xét nghiệm dương tính với HIV của người lao động. Tuy nhiên, thực tế như nêu trên hoàn toán khác. Không phải những người nắm Luật trong tay như ông Sơn không biết tình trạng này. Nên theo ông, cần phải quy định rõ mức phạt đối với cá nhân, cơ quan phân biệt và kỳ thị đối với người nhiễm HIV.

Ông Ngô Hoà Ái, Ban Phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm hiện chưa có một quy định nào bắt buộc các nơi làm việc phải nhận người có HIV vào làm việc nên các đơn vị này sẵn sàng đưa ra các lý do về tính chất công việc và an toàn lao động để từ chối những đối tượng này. Theo ông ái, nên biểu dương việc tiếp nhận người có HIV vào làm việc của các đơn vị tuyển dụng và coi đó là thành tích thì thì mới có thể dần xoá đi được sự phân biệt kỳ thị với người có HIV trong lao động.

N.Hạ