Êkip thực hiện Chuyện tình AIDS - Ảnh: A.T. |
TT - Trong những ngày này, vở Chuyện tình AIDS được đưa lên sàn tập do nhóm kịch trẻ của Trường Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM thực hiện, với tác giả - đạo diễn Nguyễn Thu Phương, NSƯT Hoàng Yến, diễn viên Hoàng Hiệp, Quốc Bảo, Ngọc Hùng.
Nhóm đại biểu VN này sẽ đưa tác phẩm đi Manila dự một liên hoan quốc tế mang tên “Cuộc thể nghiệm nghệ thuật biểu diễn Mekong 2005”, qui tụ giới sân khấu từ các nước VN, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và nước đăng cai Philippines.
Chuyện tình AIDS nêu lên quan hệ yêu đương của hai nhân vật trẻ, vì sự ngăn cấm vô lý và giáo dục không đến nơi đến chốn của gia đình nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như tình dục sớm và không an toàn, lây nhiễm HIV. Và, trong sự ghẻ lạnh của mọi người, cô gái đã buồn chán đến mức đánh mất lý trí, đem bỏ đứa con của mình xuống giếng và cũng hủy mình theo.
Còn chàng trai thì rơi vào bi kịch của AIDS ngay trong lúc tuổi đang còn rất trẻ và tương lai vẫn còn rất dài trước mắt.Tác phẩm mang tính chất “kịch hình thể”, lấy ngôn ngữ biểu đạt hành động qua cơ thể là chính, rất ít thoại, ứng dụng một số trình thức của chèo, tuồng, cải lương. Về thiết kế, sử dụng chất liệu dân gian như tranh Đông Hồ, mành tre...
Chuyện tình AIDS được xây dựng theo mục tiêu của liên hoan lần này tại Manila là hướng đến giáo dục cộng đồng về tình dục, giới tính và HIV/AIDS. Cuộc liên hoan do Tổ chức PETA (Philippines Educational Theater Association - Hiệp hội Sân khấu giáo dục Philippines) khởi xướng.
Theo đó, nghệ thuật cần đóng vai trò như chất xúc tác làm thay đổi cách nhìn tích cực hơn trong xã hội, và sân khấu là một hình thức tác động trực quan mạnh mẽ để bày tỏ sự đối mặt với những cảnh báo đang đặt ra trước sự an toàn của nhân loại.
Trong ba tuần lễ, từ 9 đến 29-10-2005, nhóm kịch VN cũng như nhiều nhóm khác từ các nước sẽ được “cọ xát” về mặt kỹ năng để đi đường dài trong loại hình sân khấu giáo dục. Một số suất học bổng sẽ được trao sau ba tuần của cuộc liên hoan thể nghiệm.
“Nghệ thuật sân khấu tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay đang còn phải ngụp lặn trong dòng chảy thị trường, ráng phải làm sân khấu như thế nào để bán được vé. Vì vậy, khi sân khấu gánh thêm trọng trách giáo dục (cụ thể ở đây là giáo dục giới tính, tình dục cho thế hệ trẻ), theo tôi, cần phải có một nguồn tài trợ thích đáng để làm việc này. Ở VN hiện nay sân khấu giáo dục chưa tạo hiệu quả sâu rộng trong xã hội cũng là do thiếu kinh phí. Không sợ thiếu sức người, chỉ lo không có sức của” - Nguyễn Thu Phương nêu ý kiến trước ngày lên đường sang Philippines.
ANH THƯ
▪ Triển lãm tranh đề tài chống HIV/AIDS tại Kenya (14/09/2005)
▪ 1 bệnh nhân HIV kiện vì bị phân biệt đối xử (14/09/2005)
▪ Các nhà giáo dục kêu gọi chiến đấu với HIV (14/09/2005)
▪ Hỗ trợ sữa miễn phí cho con của những bà mẹ nhiễm HIV (13/09/2005)
▪ Các doanh nghiệp châu Á bắt đầu quan tâm tới việc phòng chống AIDS (12/09/2005)
▪ Đừng sợ chúng tôi (10/09/2005)
▪ Tạo điều kiện cho CNVC-LĐ nâng cao học vấn (09/09/2005)
▪ Đại dịch AIDS quay lại Thái Lan (09/09/2005)
▪ Bàn giải pháp chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS (07/09/2005)
▪ Sử dụng bao cao su không đúng cách: dễ lây nhiễm HIV/AIDS (07/09/2005)