Sống với hiện tại
Các Website khác - 17/02/2009
 
Bác T là một trong những phật tử tham gia rất tích cực công tác xã hội ở chùa Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Cuộc nói chuyện với bác đã khiến tôi cảm nhận được, người phật tử giàu tâm huyết này vẫn còn rất nhiều những trăn trở về công việc chăm sóc, điều trị cho những người nhiễm HIV…

Một buổi giao lưu giữa những người có HIV đang sinh hoạt tại CLB Hương Sen (Chùa Pháp Vân) với Tâm sự bạn trẻ vào dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua

Quê bác T ở Phú Thọ, do có nhân duyên với nhà chùa nên sau khi về hưu, bác đã đến chùa Pháp Vân để mong có thể giúp ích cho đời. Theo bác chữ “tâm” là yếu tố thứ nhất trong công việc chăm sóc, điều trị những người nhiễm HIV. Khi tôi hỏi bác về tâm trạng của những người nhiễm HIV lúc mới tới chùa, bác cho biết:

“Đa phần những người ở đây lúc mới đến đều trong trạng thái phó mặc cho cuộc sống, họ không còn hy vọng gì, không quan tâm đến sống hay chết. Nhưng trước khi nhắm mắt họ cũng muốn có một sự thanh thản. Cửa chùa luôn từ bi nhân ái đón nhận tất cả mọi người. Sau khi vào chùa họ được tư vấn, thăm khám và phát thuốc. Đồng thời những hoạt động giao lưu gặp gỡ với các câu lạc bộ khác hay các sinh viên và các cơ quan, tổ chức ở cộng đồng. Tuy nhiên, do mặc cảm với căn bệnh và hoàn cảnh của mình, nhiều người vẫn còn ngại ngần, chưa tích cực tham gia. Với những người khoẻ mạnh, ngoài thời gian tham gia lao động, sản xuất, nhà chùa cũng tạo điều kiện để họ được tự do hoàn toàn, không quá khắt khe, gò bó về kỷ luật. Không chỉ thế, mỗi người bệnh khi đến chùa còn được hướng dẫn ngồi thiền để biết cách sống tĩnh tâm, bình thản."

Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác chăm sóc, điều trị người có HIV chính là vấn đề giúp họ có thể tái hoà nhập xã hội, điều này cũng không là ngoại lệ với những người làm công tác xã hội ở chùa Pháp Vân. Điều mà bác T trăn trở nhất trong vấn đề này là làm sao người có HIV có một công việc cụ thể, được xã hội tạo mọi điều kiện về công ăn việc làm như những đối tượng khác. Mọi sự tài trợ hay giúp đỡ không quan trọng bằng chính sức của họ. Có một điều bác T cũng cảm thấy rất tiếc và còn nhiều day dứt là ở nước ta hiện nay vẫn chưa xây dựng được nhiều mô hình làm việc tập thể dành cho những người có HIV. Khi có nhiều mô hình làm việc tập thể theo quy mô thì ngoài việc được chăm sóc, tư vấn đơn thuần như ở chùa Pháp Vân, họ sẽ có cơ hội mưu sinh và khẳng định bản thân, có như vậy họ mới có thể được tái hoà nhập xã hội.

Có thật nhiều những lý do khác nhau khiến mỗi người có thể nhiễm HIV. Thực tế, nhiều người có HIV đến với chùa Pháp Vân cũng có quá khứ lỗi lầm nhưng bác T luôn quan niệm: "tôi đang sống với con người họ ở hiện tại”.  Bởi thế, ngay cả với những người đã trót lầm lỡ thì việc tin tưởng vào con ngừơi của họ ở hiện tại sẽ có thể là đòn bẩy, động lực giúp những người có HIV vượt lên chiến thắng bản thân mình. Có thể nói, những quan niệm trong cách nhìn nhận về công việc chăm sóc và giúp đỡ người có HIV của bác T đã tạo được rất nhiều niềm tin và sự động viên tinh thần với họ. Đồng thời, họ cũng đã tự tin hơn, sống vui vẻ và ít mặc cảm hơn!

Theo Tamsubantre