Trung Quốc chống kỳ thị với người nhiễm HIV
Các Website khác - 06/03/2006

Nước mắt ngấn vòng quanh khoé mắt khi Li Bencai nhớ lại quá khứ xảy ra với mình 10 năm trước khi dân làng anh biết tin anh đã nhiễm HIV, một quá khứ đau lòng khi nạn kỳ thị đối xử với người bệnh nhiễm HIV/AIDS còn khá nặng nề.

“Căn bệnh làm điên đảo nhóm bạn bè của tôi. Và khi ấy sự cô đơn còn đáng sợ hơn cái chết”, Li tâm sự.

Trong nhiều năm qua, AIDS đã từng tồn tại như một nỗi ám ảnh, một bóng ma đáng sợ tại Trung Quốc. Căn bệnh đó được xem là một thứ bệnh bắt nguồn từ “đạo đức tinh thần” vì con người hạn chế về vốn kiến thức liên quan tới căn bệnh.

Li Bencai nhiễm bệnh trong lần bán máu tại một trung tâm thu mua máu hoạt động trái phép bên ngoài thị trấn nơi anh sống hồi năm 1995. Năm sau đó anh trở về nhà, làm xét nghiệm và biết mình đã nhiễm HIV.

Vùng quê xinh đẹp của Li Bencai có tên gọi Gongmin ở miền tây nam tỉnh Sichuan vốn lâu nay không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh xinh đẹp mà còn vì có một số người nhiễm HIV/AIDS đông đảo, tính từ năm 1995 đã có 24 người chết vì căn bệnh này.

Bà Yang Xinhua, một phụ nữ trung niên, chủ phòng trà tại trung tâm thị trấn Gongmin nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng đó: “Khi ấy, chúng tôi nghĩ AIDS là một căn bệnh rất khủng khiếp và dễ dàng lây nhiễm”.

Li Bencai cho biết, một thập kỷ trước đó, đứa con gái nhỏ của anh thậm chí còn không có bạn bè khi tới nhà trẻ.

Sau 10 năm nhiễm bệnh, hiện giờ Li đang điều trị thuốc kháng virus để tăng cường khả năng miễn dịch. Trả lời tạp chí Xinhua anh tỏ rõ lòng ham sống cao hơn rất nhiều so với thời gian trước đây.

Năm 2002, chính phủ Trung Quốc đã chọn Gongmin làm khu vực thí điểm cho công tác hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân AIDS, đây là một phần của dự án phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, dự án hợp tác giữa Trung Quốc và vương quốc Anh.

Động thái trên hướng tới việc tạo ra môi trường không kỳ thị đối xử với những người nhiễm HIV cũng như với các bệnh nhân AIDS, giúp họ có điều kiện quay lại với cuộc sống bình thường và hơn hết, hiểu được sự đồng cảm, quan tâm săn sóc lẫn nhau giữa những người khoẻ mạnh và người nhiễm HIV.

Theo Zheng Shifan, người đang chịu trách niệm về một dự án của sở y tế cộng đồng tỉnh, dự án trên không chỉ sử dụng các phương tiện như đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác mà còn mời các quan chức chính quyền địa phương cùng nhiều bác sĩ y khoa tới tham dự để tuyên truyền về cách phòng chống đại dịch HIV/AIDS với công chúng.

Tại nhiều làng, quan chức và các bác sĩ đã cùng ăn những chiếc bánh bao chia đôi với những người nhiễm HIV, làm như thế họ mong muốn giúp người dân hiểu rằng, các tiếp xúc thông thường với người nhiễm bệnh không gây ra nguy hiểm chết người nào cả.

Li Bencai năm nay 37 tuổi, anh cũng là chủ một phòng trà và cả một nhà máy gỗ. Anh nói: “Nếu HIV/AIDS vẫn tiếp tục bị coi là mục tiêu của thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử thì sẽ chẳng có ai muốn tới phòng trà của tôi nữa”.

Vào chiều ngày thứ ba tuần rồi, rất nhiều khách hàng đã ngồi tại hai bàn trong quán trà của Li. Peng Gang, năm nay 27 tuổi cùng ba người bạn khác đã ngồi chơi bài mạt chược ở đó.

Peng cho biết: “Chúng tôi sẽ không nhiễm bệnh bởi chúng tôi luôn hành động đúng đắn. Vì theo như chương trình phát trên truyền hình thì AIDS chỉ có thể lây nhiễm qua 3 con đường mà thôi”.

Một trong số những người bạn của Peng cho biết: “Người ta cũng đã phát những cuốn tài liệu tuyên truyền về AIDS trong khắp thành phố. Mọi cái được hiểu thật dễ dàng”.

Không chỉ ngừng tại những hoạt động đó, bắt đầu từ thứ tư tuần qua thì một điều luật mới, luật về phòng chống và kiểm soát đại dịch AIDS đã đi vào thực tiễn. Điều luật này sẽ góp phần xoá bỏ thói kỳ thị đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc, người bạn của Peng tỏ ra rất tin tưởng về tiền đồ này.

Theo đó, điều luật mới khẳng định, không có đơn vị lao động nào, cá nhân nào được phép phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS cũng như những thành viên khác trong gia đình họ. Đây là những đối tượng được bảo vệ bởi luật pháp liên quan tới vấn đề hôn nhân, lao động, chăm sóc y tế và giáo dục. Giáo sư Li Yingsheng, nhà tâm lý học thuộc đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, sở dĩ trong xã hội tồn tại thái độ phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS chính là vì những khái niệm đạo đức truyền thống, những mù mờ trong nhận thức về tình dục và thiếu hiểu biết trong vấn đề chăm sóc, vệ sinh trên cả nước.

Li Yingsheng nhận định: “Mặc dù luật đã được thực thi song việc cưỡng chế luật sẽ vẫn phải là một quá trình lâu dài. Thay đổi suy nghĩ của người dân là một điều rất khó khăn”.

Nhưng rõ ràng có thể thấy đã có những thay đổi nhất định.

Trên tấm danh thiếp doanh nghiệp của Li Bencai người ta thấy có ghi rõ là hai chức danh, chủ của doanh nghiệp sản xuất gỗ và nhà tuyên truyền về HIV/AIDS. Thậm chí Li Bencai còn cho phép tờ Xinhua dùng tên thật của anh ấy trong câu chuyện này và ở nhiều câu chuyện khác, đây là điều khó xảy ra thời gian trước đây.

Theo Bộ y tế Trung Quốc, hiện có khoảng 650,000 người nhiễm HIV ở Trung Quốc, trong đó đã có 75,000 người chuyển sang giai đoạn AIDS.

Dương Kim Thoa theo http://www.redorbit.com