Bệnh viện của lòng nhân ái
Các Website khác - 10/03/2008
Bác sĩ Nguyễn Phi Khanh đang khám bệnh cho bệnh nhân - Ảnh: T.T

Trên một ngọn đồi biệt lập với thế giới bên ngoài, có một bệnh viện chỉ để kéo dài thêm cuộc sống cho những người đã bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh HIV/AIDS.

Đến Bệnh viện Nhân Ái của TP.HCM tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, chúng tôi không kìm được xúc động khi chứng kiến những thầy thuốc trẻ đang ân cần chăm sóc những bệnh nhân đang cận kề cái chết. Bệnh nhân được tiếp nhận vào điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái gồm những người sau cai nghiện, sống lang thang, không nơi nương tựa..., được hưởng chế độ miễn phí về thuốc điều trị, được theo dõi tình hình bệnh bằng nhiều hình thức trị liệu hỗ trợ: y học cổ truyền, tâm lý trị liệu, nghệ thuật trị liệu, âm nhạc trị liệu, lao động trị liệu, thể dục thể thao do bệnh viện tổ chức. Đặc biệt, không có sự phân biệt đối xử. Điều dưỡng viên Thái tâm sự: "Chúng tôi coi những người bệnh như người thân của mình nên không còn cảm giác sợ sệt nữa".

Bác sĩ, Trưởng khoa Săn sóc đặc biệt Nguyễn Phi Khanh cho chúng tôi biết: bệnh nhân khi đến đây đều trong tình trạng rất yếu, họ đã chuyển qua giai đoạn 3, giai đoạn 4 của bệnh AISD. Ai cũng bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, các cơ quan phủ tạng đều bị viêm nhiễm... vì thế, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc cật lực. Trường hợp nữ bệnh nhân Trần Thị Ngọc Tuyết ở Trung tâm Cai nghiện Bình Đức chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp cấp độ 4, chân tay đã tím tái, nếu trễ khoảng 5 phút nữa thì sẽ tử vong. Các bác sĩ đã hồi sức tích cực, cho bệnh nhân thở  oxy và kiên trì điều trị, đến nay sức khỏe của bệnh nhân Tuyết đã hồi phục và cô đang chờ làm thủ tục xuất viện. Trường hợp một bệnh nhân khác, ở Trung tâm Cai nghiện Phú Đức, nhập viện trong tình trạng bị suy thận, viêm gan cấp, tràn dịch ổ bụng, viêm phổi rất nặng. Sau thời gian theo dõi, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân bệnh nhân bị lao đa phủ tạng và được điều trị hơn 20 ngày... 

Chúng tôi gặp y sĩ Hoàng Thị Kim lúc cô đang làm hồ sơ bệnh án. Hằng ngày, cùng với bác sĩ Khanh, cô khám, kê đơn thuốc cho tất cả bệnh nhân đang nằm điều trị. Cũng như bao người khác, lúc mới đến nhận nhiệm sở, cô cũng có những băn khoăn về nơi làm việc xa thành phố, bệnh nhân mà cô và đồng nghiệp phải tiếp xúc hằng ngày đa số đều gần đất xa trời. Nhưng khi thấy họ đau đớn, quằn quại chống chọi với bệnh tật, cô dần quên đi những sợ hãi, chăm chút cho từng bệnh nhân một cách chu đáo. Cô nói: "Chúng tôi phải thay người thân để giúp họ giảm bớt nỗi tủi thân…".

Biết được bệnh tật của mình, nhiều bệnh nhân ở đây sống theo kiểu bất cần đời. Nhiều người la mắng, chửi bới thầy thuốc. Thế nhưng, có nhiều bệnh nhân biết ơn những người đã chăm sóc họ. Như tâm sự của bệnh nhân Hồng Nguyên Tòng: "Tôi được như bây giờ là nhờ các y, bác sĩ, nếu không chắc chết rồi…". Tòng nhập viện trong tình trạng suy kiệt nặng, không ăn uống được. Các điều dưỡng chăm sóc tận tụy nên Tòng mới khỏe mạnh trở lại như bây giờ.

Tấn Tú