Có những ông bố thật tuyệt vời
Các Website khác - 12/07/2006

Bố Nhân đang hát cho đàn con nghe

TT - Hầu hết họ là những nghệ sĩ, xuất thân từ những hoàn cảnh khó khăn, tuổi trẻ đã từng lang bạt khắp nơi.

Và khi gặp những trẻ em mồ côi, lang lang, những em không chỉ cô đơn phần hồn mà phần đông còn bị tổn thương về tâm lý, họ đã dang rộng cánh tay mình...

Bố hát cho con vơi cơn đau

Hoàng Vy Khanh là nghệ danh của bố Hoàng Minh Nhân, ông bố của gia đình số 5 thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (312 Phan Chu Trinh). Ông là người cao tuổi nhất (62 tuổi), với mái tóc trắng bồng bềnh nhưng trông lại trẻ trung nhất.

Ông đến với trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Con cái ông đã trưởng thành cả rồi. Trách nhiệm của ông bây giờ là chăm sóc những đứa con mới. “Mong chúng mày ngoan ngoãn, trưởng thành” - ông thường nói giản dị như thế với bọn trẻ. Nhưng những việc mà ông nói đến một cách giản dị ấy lại không dễ chút nào.

Hằng ngày, là chủ gia đình gồm gần 30 đứa con từ 6-18 tuổi, ông mệt nhoài xoay xở hết đứa lớn đến đứa bé. Có đứa còn tật đái dầm. Ông coi chúng như con mình, nâng niu từng đứa một.

“Tôi nhớ nhất kỷ niệm về một cô bé học rất giỏi, đạt danh hiệu học sinh giỏi thành phố nhưng ác thay cô bé bị ung thư” - ông Nhân buồn buồn kể. Cả năm trời ông đưa con vào ra bệnh viện không biết mấy chục lần.

Mỗi lần con vào phòng mổ tháo khớp là ông run run đứng ngoài phòng cấp cứu cầu nguyện. Nhưng rồi cô bé vẫn không qua khỏi. Trước khi mất, trong cơn đau đớn cô bé lại muốn nghe ông hát... Và ông đã ôm đàn hát. Cô bé mất đi nhưng trên miệng vẫn mỉm cười, bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay ông.

Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng được phép hoạt động từ năm 1991. Đầu tiên  là gia đình số 1 nuôi 30 em rồi phát triển tăng dần lên đủ năm gia đình vào năm 1997, các em được đón vào trong độ tuổi từ 5-15 và nuôi đến 18 tuổi.

Trung tâm tiếp tục phát triển các chương trình khác như: dạy nghề, phổ cập văn hóa, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc trẻ nhiễm HIV. Đến nay trung tâm đã nuôi dạy trên 400 em, ổn định cuộc sống cho hơn 250 em, có 57 em đã lập gia đình, nhiều em học đại học và đã thành đạt.

Mỗi lần tâm sự cùng các con, ông thường ôm đàn ngồi hát những bài mình sáng tác. Ông tin âm nhạc sẽ góp phần xua tan những đau buồn, phiền muộn của các con. Và ông cầm đàn lên hát cho chúng tôi nghe: “...để ngày mai nắng lên sẽ xua tan dần xót đau, cho em sống như một con người, giữa đời chan chứa yên vui...”.

Trẻ tuổi nhất là bố Nguyễn Kỳ. Bình thường các em vẫn gọi anh là chú Kỳ. Ba anh mất từ năm anh 2 tuổi, anh sống với bà nội từ lúc đó. Khi anh đi bộ đội về thì mắt bị thương, gần như là người mù lòa.

Cùng đó là nỗi đau bà nội mất. Hai năm liền anh như rơi xuống vực thẳm. “Nhưng cái tâm hướng thiện, chữ nhẫn, chữ dũng trong giáo lý Phật giáo đã vực tôi dậy” - anh nói. Ngôi nhà chỉ 8m2 của anh đã rộng mở với anh em nghèo, với những sinh viên nghèo học giỏi. Rồi dần dà anh được giới thiệu vào trung tâm làm việc.

Được dạy dỗ, chăm sóc các em, anh như sống lại lần thứ hai. Đến nay anh vẫn đi về một bóng. Anh cười hiền từ: “Mình vẫn mong có một mái ấm lắm chứ, nhưng chắc là không có duyên phận. Vả lại mình có mái ấm chung này rồi. Suốt ngày ở đây, xoay với 30 đứa con cũng đủ mệt rồi... chả có thì giờ tìm hiểu ai nữa”.

Bố Nguyễn Văn Thành là một người nổi tiếng nghiêm khắc nhưng lũ trẻ đều biết ông rất thương yêu chúng. Ông có hai người con gái ở nhà và gần 30 đứa con ở ngôi nhà số 2 này.

Từng là một bác sĩ, một nghệ sĩ (làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc...), ông tự nhận mình là người gia trưởng, nóng nảy, nghiêm khắc. Nhưng sau bốn tháng sống cùng các con ở đây, chính vợ ông nhận ra sự thay đổi trong “con người thép” ấy. Ông trở nên đằm tính hơn, nhẫn nại hơn.

“Chính bọn trẻ với hàng chục tính cách, số phận và sự lạc quan, yêu đời đã giúp tôi mềm dẻo hơn, độ lượng hơn. Chính trẻ con đã dạy cho người lớn rất nhiều bài học về tình thương, về trách nhiệm” - ông tâm sự.

Từng là một bác sĩ, bố Thành còn là chuyên gia tâm sinh lý của bọn trẻ. Con gái thì viết thư bỏ vào túi áo bố, con trai thì kể cho cô bảo mẫu nghe rồi nhờ hỏi lại bố Thành. Tất cả những vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn bố đều giải đáp một cách đầy đủ.

Bố Thành đã 57 tuổi mà còn trẻ lắm. Ông là chuyên gia tâm lý của các em tuổi mới lớn ở ngôi nhà của trẻ đường phố này
Bố của gia đình... đặc biệt

Gia đình số 3 là đặc biệt nhất. Đây là gia đình của gần 30 em nam từ 14-18 tuổi. Vấn đề giáo dục giới tính được trung tâm đặc biệt chú ý. Đến khi các em nam ở bốn gia đình còn lại đủ 14 tuổi sẽ được chuyển về gia đình số 3 này với bố Phan Hạnh.

Bố Hạnh cùng với bố Nhân, bố Thành đều là hội viên của Hội Văn nghệ Đà Nẵng. Bố Hạnh hát rất hay và cũng khá nghiêm khắc. “Con trai mà, lại có quá khứ không bình thường nên giáo dục cũng cần sự nghiêm khắc và khéo léo hơn” - bố Hạnh nói.

Quá khứ của bố Hạnh cũng gần giống các con mình. Mồ côi từ năm 9 tuổi, ông từng lang bạt khắp nơi kiếm sống... Ông làm việc rất có khoa học, vừa kỷ cương nghiêm khắc vừa đầy lòng bao dung.

Những câu hỏi vu vơ hằng ngày ông nhận được từ các con trai tưởng như rất đơn giản nhưng lý giải sao cho chúng hiểu, nghe và làm theo thì rất khó.

Nào là, bố ơi sao ngày xưa con hay chơi với nó thấy bình thường, bây giờ gặp lại thấy làm sao ấy; nào là, tình yêu là gì hả bố, rồi lớn lên con cũng phải lấy vợ hả bố?... Trăm thứ “hầm bà lằng” khác, bố Hạnh phải lý giải từng trường hợp một.

Ông nói mỗi bữa cơm cũng là một buổi học về hạnh phúc gia đình, bởi vậy ông chưa bỏ bữa cơm nào trong ngày

cùng các con. Bố Hạnh không bao giờ ngăn cản việc các con tìm gặp lại bố mẹ ruột, mặc dù thực tế chẳng có trường hợp đoàn tụ nào tốt đẹp cả. Cu Hải sau năm năm ở trung tâm, phát hiện tung tích của người mẹ đã bỏ rơi mình.

Trước khi đồng ý cho Hải về tìm mẹ, ông dặn con nếu buồn chán thì hãy quay về với bố, đừng bỏ đi đâu. Một thời gian sau Hải đã tìm về lại với ông, khi thấy mẹ cũng bất hạnh ở cùng người chồng mới...

THANH THANH - LƯU TRANG