Vẫn còn có ngày mai!
Các Website khác - 11/10/2007

(ĐCSVN)- Hay tin mình bị nhiễm HIV/AIDS, Nguyễn Văn Lâm vô cùng đau đớn và tuyệt vọng. Và, anh sẽ buông xuôi nếu như không có sự nâng đỡ của các y, bác sỹ phòng khám ngoại trú (Trung tâm Y tế Cẩm Phả) và các cán bộ dự án chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người có HIV tại thị xã...

Trước kia, Lâm khoẻ lắm. Anh có thể vác trên vai hàng tạ than mà không hề hấn gì. Số phận tưởng sẽ mỉm cười với Lâm khi anh được nhận vào làm ở đội xe của Mỏ than Cao Sơn (Cẩm Phả) với mức lương khá cao. Nhưng rồi, cuộc đời tươi đẹp đó dần khép lại kể từ khi Lâm đua đòi bạn bè “chơi” hêrôin rồi mắc nghiện và bị nhiễm HIV. Khi “sức cùng, lực cạn”, Lâm buộc phải nghỉ việc. Biết chồng bị nhiễm HIV và mất việc làm, vợ anh lạnh lùng ra mặt. Chị cũng không dám gần gũi anh vì sợ lây bệnh. Vốn là người rộng lượng, cộng với sự mặc cảm, dù rất đau khổ nhưng Lâm đã tự nguyện “giải phóng” cho vợ.

“Mình gây ra hậu quả thì mình phải gánh chịu, chỉ thương cậu con trai nhỏ còm cõi vì thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ và người mẹ già suốt đời lam lũ và rầu rĩ vì mình” - Lâm tâm sự. Từ sự ân hận và niềm thương cảm sâu sắc ấy, anh đã đi đến quyết định sẽ giã từ quá khứ lầm lỗi của mình. Được sự tư vấn của bạn bè, người quen, Lâm mò mẫm vào các câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS địa phương hỏi xin những tài liệu hướng dẫn cách cai nghiện. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, Lâm quyết định “cai bo”. Và rồi, ý chí, nghị lực sắt đá đã giúp anh chiến thắng.

Chưa kịp vui vì việc cai nghiện thành công thì nỗi đau lại ập đến với Lâm khi virus HIV bắt đầu hoành hành trong cơ thể anh. Đúng lúc ấy, mẹ anh đã có một việc làm vô cùng có ý nghĩa đối với cuộc đời anh. Theo lời Lâm kể, mẹ anh bán hàng nước ven đường, nghe những người dân đến uống nước tại quán kháo nhau, ở Trung tâm y tế thị xã mới khai trương phòng khám ngoại trú chăm sóc, tư vấn điều trị miễn phí cho những bệnh nhân (BN) AIDS. Vâng lời mẹ, Lâm đến điều trị tại trung tâm, Lâm không chỉ tuân thủ tốt việc điều trị mà còn rất hăng hái tham gia vào hoạt động của phòng khám. Rồi, nhờ sự nhiệt tình trong công việc, anh đã được các y, bác sỹ, cán bộ dự án tin tưởng tuyển vào làm tình nguyện viên (TNV) của phòng khám.

Nhiệm vụ chính của anh là hỗ trợ khoa Lây - Lao đón, tư vấn và đưa BN đi xét nghiệm máu, điều trị bệnh... Mặc dù, cường độ làm việc hơi căng (mỗi ngày phòng khám đón tiếp từ 20 - 50 BN, trong khi chỉ có 3 TNV), nhưng Lâm vẫn không nề hà bởi anh nghĩ: “Họ cũng có hoàn cảnh giống mình, nếu giúp được mình sẵn sàng giúp”. Lâm kể, anh đã tư vấn cho không ít gia đình BN bị nhiễm HIV giai đoạn cuối chăm sóc người thân của mình để phòng tránh lây nhiễm. Thậm chí, anh còn tự nguyện chăm sóc họ cả tháng trời, không quản vất vả, ngày đêm... Từ cảnh ngộ của mình, anh ngộ ra một điều: Khi bị bệnh nan y, ai cũng sẽ rất tuyệt vọng, nhưng nếu bị phân biệt đối xử, sự tuyệt vọng đó sẽ nhân lên gấp bội. Chính vì thế, để họ bớt đớn đau, chán nản, không chỉ giúp gia đình họ chăm sóc, anh còn thường xuyên an ủi, động viên họ: “Người già yếu vẫn chăm sóc cây cảnh, làm vườn, mình còn khoẻ, mình phải làm một việc gì đó có ích cho xã hội...”.

Nhờ điều trị đến nơi, đến chốn, cộng với sự lạc quan, yêu đời, từ một người bị suy sụp hoàn toàn về cả thể xác lẫn tinh thần, sức khoẻ của Lâm đã dần hồi phục. Tinh thần của anh cũng phấn chấn hơn nhiều.Từ CD4 chỉ còn 200, hiện CD4 của anh đã lên tới gần 700 (CD4 là tế bào lympho có chức năng điều khiển việc ngăn chặn bệnh tật xâm nhập vào cơ thể). “Bây giờ, mình lại có thể vác được 7 - 8 chục cân rồi, thậm chí ban đêm đến nhà BN chăm sóc họ, sáng ra mình vẫn đến phòng khám làm như bình thường” - anh hồ hởi khoe. Càng mừng hơn khi Lâm được nhận vào làm chính thức tại phòng khám với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. Và, điều mà anh cảm thấy hạnh phúc nhất là có được một người mẹ biết thông cảm và yêu thương con vô bờ bến. Thấy con khoẻ mạnh, vui vẻ, gặp bà con dân phố có hoàn cảnh tương tự, mẹ anh lại tư vấn và chỉ đường cho họ liên hệ và đưa người thân đến với dự án.

... Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm quan một lượt phòng khám, Lâm đưa chúng tôi tới hàng nước của gia đình. Sau khi nghe con trai giới thiệu, mẹ anh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về việc làm mà bà cho là rất nhỏ bé ấy. “Không chỉ tôi - một người mẹ có con bị nhiễm HIV/AIDS, mà tất cả các công dân Việt Nam đều mong muốn những BN AIDS được điều trị, được đối xử bình đẳng để họ bớt mặc cảm, sống tốt hơn, đẹp hơn, làm nhiều việc có ích cho xã hội...” - bà xúc động tâm sự.

Dự án chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người có HIV tại thị xã Cẩm Phả được triển khai từ tháng 8/2005 với sự tài trợ của tổ chức FHI . Chưa đầy 16 tháng thực hiện dự án, đã có gần 500 BN AIDS được hỗ trợ, điều trị và tư vấn, từ đó sức khoẻ họ được cải thiện, hoà nhập tốt với cộng đồng. Dự án cũng đã hỗ trợ cho nhóm người có HIV mang tên “Hoa bất tử”, góp phần làm giảm dần sự kỳ thị và kiềm chế sự gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của chính những người có HIV, và việc làm đầy ý nghĩa của Lâm và mẹ anh là một thực tế đầy sinh động./.

Trà Long