Nếu nhìn Trần Văn Sáu, có lẽ khó ai ngờ cậu thanh niên 18 tuổi có vóc dáng khỏe mạnh, mái tóc đen dày này từng là trẻ lang thang bụi đời, kiếm sống bằng nghề đánh giầy, bán vé số. Có khi không có tiền phải đi xin ăn. Trong cuộc sống vô định đó, duyên may khiến em gặp được một thiện nguyện viên của cơ sở bảo trợ xã hội Thiên Ân, người đó đưa em từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ, tham gia Chương trình Hội nhập xã hội và Nghề nghiệp của cơ sở. Sáu chọ nghề sửa xe Honda. Qua hơn 1 năm học tập em đã có tay nghề khá tốt. Cơ sở nơi em học đã sẵn sàng tuyển dụng sau khi em học xong.
Chương trình Hội nhập xã hội và Nghề nghiệp nhằm giúp thanh thiếu niên từ 16 đến 19 tuổi, trình độ văn hóa thấp, cuộc sống có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội, được học một nghề. Theo đó, Thiên Ân sẽ tư vấn cho các em chọn nghề tìm cơ sở dạy nghề uy tín để dạy và tìm việc làm sau khi các em học xong. Các em được Thiên Ân hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề và tiền ăn suốt thời gian học. Hiện có 18 em đang học nghề: điện cơ, điện lạnh, hàn sắt, sửa xe Honda. Trong đó 10 em đang sống ở cớ sở Thiên Ân. Số còn lại ở với gia đình.
…Thành lập từ năm 2004, cơ sở bảo trợ xã hội Thiên Ân hình thành do một nhóm người có tâm huyết với công việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện nay chị Trần Bạch Yến là Giám đốc. Phó giám đốc là chị Đào Thị Hưởng. Số nhân viên trong cơ sở là 10 người. Cơ sở tọa lạc ở phường Long Hòa, quận Bình Thạnh, thành phố Cần Thơ. Với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các nàh hảo tâm cơ sở đã thực hiện nhiều nhất hoạt động nhân ái như: cấp học bổng cho trẻ em nghèo họct ốt, mỗi suất 290.000đ/tháng; Tổ chức lớp học sinh hoạt dành cho trẻ lang thang, lao động sớm, không có điều kiện học các trường hệ chính quy; tiếp cận, tư vấn và chăm sóc trẻ sống lang thang trên đường phố, giúp các em hồi gia, chăm sóc người nhiễm HIV đã chuyển qua giai đoạn AIDS, bị gia đình bỏ rơi. Ngoài ra cơ sở đang nuôi dạy 35 cháu, tuổi từ 3 đến 16 tuổi. Các cháu đến từ mọi miền của Tổ quốc và đều có hoàn cảnh đặc biệt: hoặc mồ côi cha, mẹ, hoặc không còn người thân, hoặc bị lạm dụng, ngược đãi. Những trẻ từ 6 tuổi trở lên đều được đến trường, được chăm sóc chu đáo. Ngoài học văn hóa, các em còn được học Anh ngữ. Những em có năng khiếu thì học đàn Organ, hoặc Pianno. Do cơ sở có diện tích 4.500 m2 nên ngoài phần xây dựng cơ sở vật chất, sân chơi, phần còn lại dùng để sản xuất theo mô hình khép kín VAC. Họat động trồng trọt, chăn nuôi này ngòai mục đích cải thiện các bữa ăn, tạo thêm thu nhập, còn là một phương cách giúp trị liệu cho trẻ bị trấn thương về tâm lý. Sống trong môi trường thiên nhiên, dãi dầu các em sẽ lấy lại quân bình trong cuộc sống.
… Nếu có dịp đến Thiên Ân, có lẽ các bạn sẽ cảm động trước cuộc sống khá đày đủ từ vật chất đến tinh thần của các cháu. Các cháu rất lễ phép gặp khách vào là khoanh tay cúi chào. Buổi trưa, sau bữa cơm, các cháu đọc sách trong thư viện, hoặc chơi giỡn, hoặc đánh đàn Organ. Tiếng đàn Organ vang ra làm ấm cả vùng quê thanh bình. Nhìn các cháu hồn nhiên chơi đùa, khó mà tưởng tượng rằng các cháu đã trải qua nhiều cay đắng. Phạm Thị Hồng, đang học lớp 5 trường tiểu học Long Hòa, gia đình em ở DakLak: Cha bị tai nạn khiến mất sức lao động. Mẹ tần tảo làm mướn nuôi chồng và 4 người con. Gia cảnh nghèo khó, 4 chị em phải nghỉ học theo mẹ đi làm mướn. Qua màng lưới thiện nguyện viên, Hồng được về mái ấm Thiên Ân. Em là học sinh tiên tiến của trường tiểu học Long Hòa. Hồng nói về ước mơ của em: “Con sẽ cố gắng học thật giỏi, sẽ học “nghề” kỹ sư để nuôi cha mẹ và các em trong cơ sở.
“Cơ sở” mà Hồng nói đây chính là mái nhà Thiên Ân của em. Qua trao đổi, nhiều em cũng có suy nghĩ như Hồng. Trần Thiện Minh, mồ côi cha, mẹ bỏ đi. Em đang học lớp 7, liên tục đạt học sinh suất sắc, mơ ước sẽ thành bác sĩ để giúp “dì Ba” (tên các em gọi chị Hưởng) chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong cơ sở.
Sống trong môi trường đầy tình thương yêu và nề nếp, do vậy hầu hết các em đạt học lực giỏi. Trong số 35 cháu, có 4 cháu mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS. Các cháu đều dưới 5 tuổi, chưa đi học, suốt ngày quấn quít bên bá Yến hoặc dì Ba. Ngược lại chị Hưởng và chị Yến, khi đi xa về, bao giờ cũng mua quà riêng cho 4 cháu. Chị Yến và chị Hưởng đều tốt nghiệp Đại học ngành Xã hội học. Chị Hưởng còn có bằng Y sĩ Đa khoa nên đảm nhiệm việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe từng cháu.
Đối với những cháu từ 15 tuổi trở lên, và 18 cháu thuộc Chương trình Hội nhập xã hội và Nghề nghiệp, chị Hưởng thường tập huấn cho các cháu về phòng, chống HIV/AIDS, trang bị cho các cháu kỹ năng sống để “phòng thân” trước đại dịch.
“Đem lại những gì tốt đẹp nhất cho các cháu”! Mục tiêu trên của Thiên Ân bước đầu đạt kết quả: Hầu hết cháu được nuôi dạy ở đây, khi mới đến thường đang ở tình trạng suy dinh dưỡng, hoặc suy sụp về tinh thần, hoặc thất học. Đến nay các em đã lấy lại sự cân bằng tâm lý, phát triển khỏe mạnh, không vướng vào tệ nạn xã hội. Các em tham gia nhiều phong trào, hoạt động thiếu nhi, do địa phương hoặc thành phố Cần Thơ tổ chức và thường đạt giải cao. Đội văn nghệ của cở sở được nhiều nơi mời trình diễn vì các em múa rất suất sắc, từng đạt giải II Hội thi Hoa Phượng Đỏ của thành phố.
Tôi tò mò hỏi Phó Giám đốc Đào THị Hưởng: “Chị giáo dục thế nào mà các cháu ngoa và học giỏi như vậy?”.
Trả lời: “Trước hết, và quan trọng nhất, phải yêu thương các cháu. Chăm lo cho các cháu với tấm lòng của người Mẹ, và phải hiểu tâm sinh lý của các cháu, bởi, xuất phát từ những hoàn cảnh đặc biệt, nhiều cháu có tâm lý không ổn định. mình phải từ từ và nhẹ nhàng khuyên bảo. Ngoài ra phải luôn làm gương cho các cháu trong mọi mặt cuộc sống”.
Tôi nhìn bàn tay nổi đầy gân của chị Hưởng mà xiết bao cảm phục: Đôi bàn tay này đã chăm sóc nhiều bệnh nhân AIDS tại các bệnh viện, an táng khi họ qua đời. Cũng đôi tay đó: dạy đàn Pianno cho các em, dạy chữ cho hàng trăm trẻ em đường phố, và sau giờ làm việc, lại cùng nhân viên làm vườn, chăm nuôi đàn dê, đà thỏ, ao cá.
Hiện cơ sở đang chuẩn bị để nhận nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, và lên kế hoạch tổ chức cho các cháu tham quan, du lịch các thắng cảnh trong nước, vào mùa hè này… Chị Yến và chị Hưởng đang say sưa kể với tôi những kế hoạch sắp triển khai thì chuôgn điện thoại reo. Chị Yến cầm máy nghe. Buông máy xuống, chị bùi ngùi: “ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em quận Ô Môn xin gởi 2 cháu. Hai cháu này không cha. Mẹ mới qua đời vì AIDS. Mình hẹn họ ngày mai tới đây làm việc để hoàn thành thủ tục gởi trẻ”.
Chị Hưởng băn khoăn: “Hỏi kỹ xem hai cháu khai sanh chưa? Nếu không bị rắc rối đấy”.
- Tại sao vậy? – Tôi hỏi – Cơ sở mình xin làm cho các cháu không được sao?
- Chị Yến thở dài: “Khó khăn là ở chỗ: đa số các cháu không có hộ khẩu. Cha mẹ sống với nhau không có hôn thú. Không có giấy tờ này thì chẳng cơ quan nào chịu làm khai sanh cho các cháu. Tụi mình còn 5 cháu đang bị vướng, đến nay chưa có khai sanh, đây rồi đến tuổi đi học, trường nào mà nhận các cháu?”.
… Xin chuyển băn khoăn này đến những cơ quan hữu trách của Cần Thơ, cũng như các cấp Trung ương./.
Đan Phượng
▪ Vẫn còn có ngày mai! (11/10/2007)
▪ Có những ông bố thật tuyệt vời (12/07/2006)
▪ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… (10/07/2006)
▪ Ấn Độ: Bị lăng nhục vì cha mẹ nhiễm HIV, một bé trai tự thiêu (05/07/2006)
▪ Giúp cậu bé vào đời (26/06/2006)
▪ Những điều chưa viết (24/06/2006)
▪ Cuộc chiến với HIV của bé trai 10 tuổi (23/06/2006)
▪ “Bà Si - đa” ở cửa biển Sông Đốc (17/06/2006)
▪ Jamaica: Đề xuất luật chống phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (14/06/2006)
▪ Sống đẹp giữa cộng đồng (09/06/2006)