Mù lòa, hai anh em Viên - Thượt vẫn mò cua bắt ốc phụ mẹ - Ảnh: V.Toàn |
Nhưng bà Út nghèo không chỉ mang nặng một nỗi đau đời như thế.
Năm 1965, khi tròn 20 tuổi bà lấy chồng. Chưa đầy hai tháng sau ngày cưới, anh chồng nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Hai năm sau, người vợ trẻ bàng hoàng ôm chặt đứa con trai đầu lòng khi nhận giấy báo tử của chồng.
12 lần sinh, 9 lần tội tình
Tang chồng đến năm thứ sáu, bà Út đi bước nữa cùng anh Hoàng Văn Như khi anh vừa rời nhiệm vụ dân công hỏa tuyến từ chiến trường Quảng Trị, một chiến trường ác liệt với bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ. Anh Như ốm yếu, quặt quẹo luôn. Năm 1971 đứa con đầu tiên của họ ra đời tên Viên.
Cũng biết lật, biết bò như bao đứa trẻ khác nhưng khi chập chững thì chưa đứng lên Viên đã ngã sấp xuống. Tập mãi không được, chị Út xoay người ra phía trước, đưa hai tay đón con nhưng không khi nào chị thấy Viên nô đùa và ùa vào vòng tay chị như những đứa trẻ khác. Lúc ấy vợ chồng chị mới biết Viên bị mù. Ước sinh thêm một đứa con sáng mắt nên chỉ năm sau chú bé Luận ra đời. Nhưng rồi Luận lại y hệt hình ảnh của Viên lúc chưa đầy một năm tuổi.
Ôn lại quãng đời, bà Út vò mãi mái đầu bạc cằn xơ rồi khóc tu tu, khóc cho thỏa nỗi niềm về số phận cay nghiệt của mình: "Sau Luận, tôi sinh thêm chín đứa con nữa. Hình như cứ mỗi năm một đứa - thằng Đức, thằng Thông, thằng Phong, con Cảnh rồi cu Mót, cu Mét, cu Chó, cu Đen. Cuối cùng là thằng Thượt sinh năm 1990. Năm 1993 ông Như cũng qua đời bởi bệnh tật hành hạ, cộng thêm nỗi đau ám ảnh về những đứa con không sáng mắt".
"Sinh 11 lần mà mù mất chín đứa rồi còn chi là đời nữa. Chín đứa mù lại thay nhau chết dần, chết mòn mất sáu, may mà còn ba. Thương nhất là thằng cu Chó chết lúc mới hai tháng, tiếp đến thằng cu Mót chết lúc sáu tháng tuổi. Hai vợ chồng chưa kịp gọi quen tên mấy đứa con mù lòa thì chúng đã chết gần hết" - bà đau đớn. "Hú họa còn đứa sáng mắt là thằng Đức (sinh 1976) và con Cảnh (1980), thay nhau nuôi một người anh và hai đứa em mù cho đến khi con Cảnh (bỏ học năm lớp 4) đi lấy chồng.
Thằng Đức cũng phải bỏ học năm lớp 6 để xoay xở nuôi ba anh em mù” - bà kể. Một tháng 30 ngày Đức ở trong rừng kéo gỗ thuê, lượm củi, làm nương thì mẹ con mới có bát cơm vơi. Ngày nào Đức ốm, cả nhà ăn cháo ngô, cháo sắn.
Bà ngước lên bàn thờ: nhà nghèo, con cái chết nhiều, bà không đủ sức lo nên làm giỗ chung. "Khi chuẩn bị cúng tui kêu tên từng đứa, bảo chúng tìm đường theo bọ (bố) nó cùng về luôn thể. Bữa giỗ chỉ có một mâm cơm nhạt. Tui không mời ai cả. Anh em nội ngoại cũng chẳng còn ai" - bà lau nước mắt.
Bị tước chế độ "da cam"
Bà Út và một người con mù - Ảnh: V.Toàn |
Viên nhanh nhảu: "Hôm nay cái đập cuối làng vỡ rồi, nếu không hai anh em cháu đi mò ốc đến tối mới về". Phong cũng trò chuyện: "Bọn cháu đang tính chuyện đập vỡ thì đi chẻ củi thuê cũng kiếm được vài chục mỗi ngày, đỡ gánh nặng cho chú Đức và mẹ ngày nào cũng phải vô rừng đi mây, đi măng, đi lá cọ từ lúc gà gáy đến lúc làng đỏ điện mới về, cực lắm".
Bà Út buồn buồn kể một chuyện khác: "Mấy năm trước, khi được kêu đi khám sức khỏe để làm chế độ trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam, tui thuê xe thồ chở bốn anh em (Phong - Viên - Luận - Thượt) đi hơn 30km đến huyện Tuyên Hóa. Bác sĩ khám xong, mấy mạ con mừng lắm. Sau đó tháng 10-2002 bốn anh em được cấp bốn cuốn sổ lĩnh tiền trợ cấp hằng tháng, loại trợ cấp chất độc hóa học với mức 84.000 đồng/người/tháng.
Nhưng vài ngày sau đó bà Hoàng Thị Lự - cán bộ phụ trách công tác chính sách của xã - đến yêu cầu tui phải về quê chồng làm giấy chứng nhận ông Như có đi dân công hỏa tuyến ở Quảng Trị, nếu không nộp sẽ bị cắt chế độ da cam. Hoảng quá, tui thuê xe thồ về quê chồng làm ngay, nộp cho xã đúng như yêu cầu của bà Lự. Thế nhưng sau gần một tháng, bà Lự đến nhà thu lại tiền chế độ của bốn đứa con tui vì xã nghi ngờ chồng tui không đi dân công hỏa tuyến ở Quảng Trị.
Từ đó đến nay ba anh em (Luận đã mất năm 2005) không còn chế độ trợ cấp này nữa. Tui hỏi vì sao xã nghi ngờ nhưng không đi xác minh mà lại cắt chế độ của con tui thì không được ai trả lời. Hôm đó biết mạ con tiêu hết tiền hai tháng 8 và 9-2002 và cũng là hai tháng duy nhất, bà Lự đe: tiêu hết tiền da cam thì trừ vào tiền tuất liệt sĩ của ông Thân. Thế là năm đó mẹ con ăn tết chay".
Khổ như bà Út đúng là khổ cùng khổ tận. Vậy mà người ta còn làm cho bà khổ thêm!
Tại sao thu chế độ của con bà Út? Khi tôi nêu câu hỏi vì sao bà Lự lại thu tiền chế độ do di hại của chất độc da cam của con bà Út, ông Nguyễn Thanh Phương - phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuyên Hóa - điện về xã Thanh Hóa gặp bà Lự để hỏi. Bà Lự trả lời là "đã thu và nạp số tiền đó lên phòng LĐ-TB&XH huyện". Ông Phương hỏi nạp cho ai, bà Lự nói lại: "Con bà Út mới chỉ được công nhận chứ chưa có tiền". Tôi tìm gặp bà Lự hỏi có hay không việc bà trừ tiền tuất liệt sĩ vào tiền chế độ da cam của bốn người con bà Út, bà Lự nói: "Con bà Út chưa có một loại giấy tờ gì về chế độ da cam". Tôi chìa những bức ảnh chụp sổ lĩnh tiền trợ cấp xã hội hằng tháng của con bà Út, bà Lự im lặng. |
VŨ TOÀN
▪ Nỗi đau tột cùng của một kiếp người (02/08/2008)
▪ Gia cảnh những người bị HIV/AIDS ở Nam Định : Đầu bạc khóc mái đầu xanh (01/08/2008)
▪ Điều trị cai nghiện mới chú trọng về lượng (30/07/2008)
▪ Những người đẹp "2 trong 1" (25/07/2008)
▪ Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, cần xóa tan sự vô cảm! (25/07/2008)
▪ Đường đến trường của trẻ nhiễm HIV cần sự giúp đỡ (25/07/2008)
▪ Sau một năm thực hiện dự án “CLB Đồng cảm” tại Hà Tây: Cùng người có HIV/AIDS vượt qua định kiến (24/07/2008)
▪ Cổ tích của "người mẹ da cam" (24/07/2008)
▪ Chung sức vì nghĩa cả (23/07/2008)
▪ “Nghị lực sống” vẽ tranh kết nối (23/07/2008)