Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ Thân Thiện. |
(THO) - Một thời gian dài, sự kỳ thị thái quá đã khiến không ít người nhiễm HIV/AIDS rơi vào mặc cảm, tự ti. Nhưng rồi sức mạnh nội tại, cộng với sự hỗ trợ của cộng đồng đã giúp họ đứng dậy. Không chỉ tự lo cho bản thân, họ còn là những đồng đẳng viên tích cực trong cuộc chiến chống căn bệnh HIV/AIDS.
Được tham gia một buổi sinh hoạt cùng các thành viên Câu lạc bộ Thân Thiện, tôi không nghĩ họ là những người bị nhiễm HIV, những người đã từng có một thời gian dài chìm đắm trong đau khổ. Những gương mặt tươi rói, sôi nổi, họ cùng hát những bài ca yêu đời, cùng trao đổi với nhau những kiến thức phòng chống HIV/AIDS... Hơn 10 thành viên câu lạc bộ, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ cùng có một điểm chung – tìm thấy “nguồn sống” cuộc đời khi tham gia câu lạc bộ.
Người ấn tượng nhất với tôi trong buổi sinh hoạt đó là Len. Em có đôi mắt đen nhánh, tròn, nhanh nhẹn, tràn đầy niềm tin. Em phấn khởi khoe với tôi rằng, trong 2 tháng qua, em đã vận động được 20 người tới điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện, 10 người được xác định là có HIV. Bằng “kinh nghiệm” rút ra từ cuộc sống của mình, với mong muốn làm những công việc nhỏ bé để giảm bớt đi những cuộc đời bất hạnh như mình, hằng ngày em đã tìm đến những người cùng cảnh, những gia đình có người nhiễm HIV tư vấn, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, phương pháp chăm sóc người ốm, kiến thức về sử dụng thuốc, động viên người bị nhiễm sống tự tin, tích cực hơn... Vì là người cùng cảnh nên em rất dễ tiếp xúc với người bệnh và tạo được niềm tin ở họ, giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội và biết cách phòng lây nhiễm cho người thân, gia đình và cộng đồng. Có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, nhưng giờ họ vẫn khỏe mạnh, lao động và sinh hoạt bình thường do được tư vấn và hỗ trợ điều trị bằng ARV... “Vui lắm chị ạ, vì em đã góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS của địa phương!” – Len nói.
Khi tôi hỏi Len mong muốn điều gì nhất, em nở nụ cười tươi rói, chân thành:
- Em muốn mình sống có ý nghĩa hơn cho xã hội, gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Qua câu chuyện với Len, tôi biết rằng cuộc sống của em tuy còn vất vả, phụ cấp của giáo dục viên đồng đẳng chỉ có 560.000 đồng/tháng, nhưng em vẫn muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như em. Và, một điều nữa, mong sao cộng đồng và xã hội hãy giang tay chia sẻ, giúp đỡ chúng em, hãy coi chúng em như những con người bình thường, tạo điều kiện cho chúng em vượt qua sự mặc cảm của bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống”.
Ước mơ thiết thực và giản dị của Len khiến chúng ta phải trăn trở, bởi hiện nay không ít người do số phận, hoàn cảnh đưa đẩy đã không may nhiễm HIV/AIDS, họ thường bi quan, chán nản. Mong rằng ý chí, nghị lực, sự hiểu biết về HIV/AIDS, cũng như ý chí vượt lên trên số phận của Len nhanh đến được với mọi người, huy động sức mạnh tổng lực của cả cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS.
. Bài và ảnh: Tô Hà - http://www.baothanhhoa.com.vn/
▪ Người đàn bà và tận cùng nỗi đau (07/08/2008)
▪ Nỗi đau tột cùng của một kiếp người (02/08/2008)
▪ Gia cảnh những người bị HIV/AIDS ở Nam Định : Đầu bạc khóc mái đầu xanh (01/08/2008)
▪ Điều trị cai nghiện mới chú trọng về lượng (30/07/2008)
▪ Những người đẹp "2 trong 1" (25/07/2008)
▪ Đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, cần xóa tan sự vô cảm! (25/07/2008)
▪ Đường đến trường của trẻ nhiễm HIV cần sự giúp đỡ (25/07/2008)
▪ Sau một năm thực hiện dự án “CLB Đồng cảm” tại Hà Tây: Cùng người có HIV/AIDS vượt qua định kiến (24/07/2008)
▪ Cổ tích của "người mẹ da cam" (24/07/2008)
▪ Chung sức vì nghĩa cả (23/07/2008)