Điều phối viên thường trú LHQ, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Jordan Ryan khẳng định, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về tiến độ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ.
Tuy nhiên, theo ông J.Ryan, tình trạng bất bình đẳng vẫn gia tăng và các cụm nghèo trầm trọng còn tồn tại ở những vùng bị thiệt thòi và khó khăn nhất. Chính phủ cần đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) ở mọi thôn xóm và làng bản trên khắp đất nước.
Báo cáo quốc gia đầu tiên về tiến độ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) chính thức công bố sáng 16-9.
Bên cạnh ca ngợi các thành tựu đầy ấn tượng của Việt Nam nhằm nâng cao mức độ phát triển con người, báo cáo cũng nêu bật những thách thức trong việc đạt được tám mục tiêu thuộc MDGs vào năm 2015.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Phan Quang Trung đánh giá, kết quả xóa đói giảm nghèo đầy ngoạn mục của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước về công tác xóa đói giảm nghèo.
Tỷ lệ nghèo của Việt Nam theo chuẩn nghèo quốc tế đã giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống 24,1% năm 2004. Việt Nam đã hoàn thành vượt mức giảm một nửa số người nghèo và một nửa số dân bị đói theo mục tiêu cam kết nhờ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Từ năm 1994 đến năm 2004, tăng trưởng GDP đạt bình quân trên 7,5%.
Tuy nhiên, thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam chưa thực sự vững chắc; tỷ lệ nghèo đói ở vùng nông thôn, vùng núi và trung du còn cao; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Từ năm 1993 đến nay, các vùng Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên vẫn là bốn vùng nghèo nhất nước.
Việt Nam cũng đạt những thành tựu đáng khích lệ về phổ cập giáo dục tiểu học với tỷ lệ nhập học cao, xóa hoàn toàn nạn mù chữ, một nửa số tỉnh thành trên cả nước đạt phổ cập trung học cơ sở.
Việc tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ cũng đạt thành tích cao. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam-nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu các nước trong khu vực châu Á về tỷ lệ nữ đại biểu QH với 27,3% khóa 2003-2007.
Từ thập kỷ 1990 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em được đặc biệt chú trọng. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 5,8% năm 1990 xuống 3,15% năm 2004. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 44,9% năm 1995 xuống còn 26,6% năm 2004 song vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Nhờ vậy, tỷ lệ tử vong của bà mẹ khi sinh đẻ giảm nhanh, còn 85/100.000 trường hợp năm 2004.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 xác định 4 nội dung ưu tiên và 9 chương trình hành động. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS ở Việt Nam còn phức tạp.
Việt Nam đạt kết quả tốt về mục tiêu bảo đảm bền vững về môi trường với tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ tăng liên tục từ 27,2% năm 1990 lên 37% năm 2004 nhờ chính sách hỗ trợ trồng rừng và chương trình “phủ xanh đất trống đồi trọc”. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đạt nhiều tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện.
Việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển là mục tiêu nhất quán trong chinh sách đối ngoại của Việt Nam. Kết quả, Việt Nam đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cả về quy mô và tốc độ. Số đối tác thương mại đạt gần 220 nước và vùng lãnh thổ; hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam có mặt trên thị trường của 160 nước. Các khoản viện trợ phát triển ODA dành cho Việt Nam tăng khá, đạt trên 11 tỷ USD giai đoạn 2001-2004, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong giai đoạn này đạt 13,46 tỷ USD.
Từ những thành tựu đạt được trong tám mục tiêu của MDGs, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học: phát huy nội lực đi đôi với chuyển đổi cơ cấu đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng kinh tế đối ngoại; gắn kết phát triển kinh tế với tăng cường năng lực của người dân, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện điều kiện sống và mức sống cho nhân dân…
Để đạt thành tích cao hơn nữa, chính phủ sẽ tiếp tục lồng ghép đầy đủ MDGs vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, hoàn thiện môi trường xã hội thuận lợi cho công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội, phát triển mạng lưới an sinh xã hội giúp người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Báo cáo quốc gia đánh giá tiến độ thực hiện MDGs được công bố đúng vào lúc báo cáo này được trình bày tại Hội nghị cấp cao LHQ lần thứ 60 tại New York, Mỹ. Báo cáo là kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với 12 bộ, ngành hữu quan.
|