Những người “cõng” con chữ lên thuyền
Các Website khác - 11/07/2008

Anh Việt, anh Việt!!… Vừa thoáng thấy bóng Việt, lũ trẻ mừng rỡ reo hò rồi xắn quần lội nước bì bõm tới đón thầy giáo trẻ. Chàng sinh viên tháo giày, lội nước lên thuyền.

Bọn trẻ ríu rít theo chân Việt, đứa nắm tay, đứa kéo áo… dường như đứa nào cũng lo đứa kia sẽ tranh mất phần anh Việt của mình.

Trẻ em làng chài sống trong điều kiện rất khó khăn

Thương lắm tuổi thơ em!

Đi men theo đường Phúc Xá, qua dãy nhà tôn lụp xụp, ẩm thấp, rồi qua mấy cái mương ri rỉ nước, bờ đê sông Hồng hiện ra với những bãi rác bốc mùi hôi thối. Xóm chài (bãi Phúc Xá - chân cầu Long Biên, Hà Nội), nhìn từ xa có vẻ hiu hắt. Xóm chài này có gần hai mươi “nhà thuyền” được cất từ những thùng phuy sắt, tre nứa, ghép thêm vài tấm ván, xốp.

Mỗi “căn nhà” chỉ rộng chừng dăm mét vuông, nằm bồng bềnh trên mặt nước. Từ bao năm nay, các cư dân xóm chài bám trụ đoạn sông này, kế sinh nhai cũng không có gì hơn ngoài việc nhặt rác, bán rong, cửu vạn.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền vì thế sớm đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những đứa trẻ nơi đây.

Trẻ con xóm bãi đa số gầy guộc, đen đúa. Cuộc sống vất vả khiến chúng như già trước tuổi.

Mai, 15 tuổi, là con cả trong một gia đình gồm 5 người. Cha em bị tật ở chân, gần như không đi lại được. Từ hồi còn nhỏ xíu, Mai đã phải phụ mẹ kiếm tiền. Khi thì nhặt rác ngoài chợ Đồng Xuân, Long Biên, khi lê la xin ăn ở Bờ Hồ. Dưới Mai còn hai em nhỏ : Mạnh (11 tuổi), Hương (6 tuổi). Cả ba chị em đều chưa có giấy khai sinh.

13 tuổi mà trông Tùng loắt choắt như cậu nhóc lớp ba. Là lao động chính trong nhà, hàng ngày Tùng phải gánh hoa quả thuê chợ ngoài chợ và mót rác kiếm sống.

Cứ khoảng 6 giờ chiều, những đứa trẻ xóm chài lục tục cùng đồ nghề cho công việc bới rác. Chúng len lỏi qua ngóc ngách của những căn nhà lụp xụp trên bãi sông, vội vã băng qua đường, hòa vào dòng người xe tấp nập để tiếp tục cuộc mưu sinh thường nhật…

Thắp lên những ước mơ

Các tình nguyện viên nhóm Vì người nghèo tới thuyền thăm các em nhỏ

Đã hơn hai năm nay, tuần nào Bằng Việt, Liên Châu, Thùy Dương cùng các thành viên trong nhóm Vì người nghèo thuộc Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ cũng dành hai ngày cuối tuần đến thăm lũ trẻ làng chài. Họ đã trở nên thân thuộc với cư dân xóm nghèo. Những mảnh đời khốn khó của lũ trẻ nơi đây nhen nhóm trong lòng các tình nguyện viên quyết tâm “cõng chữ lên thuyền”. Và chẳng bao lâu, một lớp học trên sông đã được thành lập.

“Những ngày đầu tổ chức lớp học, nhiều gia đình không hợp tác, không cho con em tới lớp vì sợ chúng bỏ việc, nghỉ làm. Tụi mình phải kiên trì suốt 3 tháng mới thuyết phục và gây dựng được lòng tin nơi họ”- Nguyễn Thùy Dương, cựu sinh viên Cao đẳng Du lịch- nhóm trưởng Vì người nghèo nhớ lại.

Bọn trẻ ở nhiều độ tuổi. Đứa lớn nhất học lớp 5, có đứa lên lớp 2, lớp 3 nhưng cũng có những em bé tí xíu. Các “thầy cô giáo” bởi thế không soạn bài giảng, không lập giáo án mà dạy cho bọn trẻ bắt đầu từ những gì chúng thích: từ ca hát, vẽ tranh đến viết chữ, làm tính…

Lớp nằm trọn trong một cái thuyền. Bàn học chỉ là tấm gỗ mỏng. Có những buổi trời mưa, mái dột, phòng hở - không thể thắp nến, lũ trẻ phải nằm bò ra thuyền, cô giáo thì đứng ngoài thuyền đọc chính tả…

Dần dần, cư dân xóm chài cũng quen với sự tồn tại của lớp học tình thương, thấy cảm mến tấm lòng tình nguyện. “Cái chữ là món quà quý giá nhất các cháu tình nguyện tặng cho lũ trẻ” - Bác Vũ Văn Học, bố em Mai, xúc động nói.

Mới đây, lớp Tình thương được dời lên bờ. Các thành viên nhóm Vì người nghèo cùng quyên góp tiền thuê một gian phòng trong xóm trọ Phúc Xá làm trụ sở lớp.

Căn phòng hẹp chưa đầy 8m2, bốn vách là gỗ tạp, cót ép… được tân trang lại khá xinh xắn với hai bộ bàn ghế và một giá sách nhỏ. Hàng tuần, vào tối thứ Hai, Tư, Sáu, bọn trẻ xóm chài hò nhau tới lớp học bài. Tiếng thầy giảng, tiếng trò chậm rãi đánh vần hòa lẫn cùng tiếng cười nói râm ran…

“Không chỉ dạy các em biết chữ, tụi mình còn cố gắng giúp tìm lại sự trong sáng ngây thơ mà các em sớm bị mai một trong những cuộc mưu sinh vất vả” - Nguyễn Bằng Việt (sinh viên Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Hà Tây), tâm sự.

Tôi tới thăm lớp học khi Việt đang tỉ mỉ dạy cả lớp vẽ tranh. Chăm chú nghe hướng dẫn, gần hai chục cái đầu chụm lại, hì hụi đưa từng nét bút. Cậu bé nhỏ tuổi nhất có cái tên gọi ngộ nghĩnh “Cò” lấy chì phác hình một con tàu, gãi đầu bảo:

“Em thích sau này lái tàu lắm, được đi khắp nơi trên nước Việt Nam”. Còn Mai, em rụt rè chỉ vào bức tranh vẽ mái trường bẽn lẽn: “Em ước sẽ trở thành giáo viên, được giống như các chị các anh tình nguyện”…

Phạm Huệ