Cõng chữ, cõng con vào “hiệp 2”
Các Website khác - 16/08/2008
 

Học sinh Tây Trà đến trường ôn tập - Ảnh: Hoàng Thuyên

Năm học 2007-2008, trường THPT Tây Trà (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) chỉ có 2 học sinh đỗ tốt nghiệp. Còn vài ngày nữa là đến đợt thi lần 2, nhưng khả năng lấy được bằng tốt nghiệp của số học sinh tại đây xem ra quá xa vời.

Vừa nuôi con, vừa học thi

Chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị Nga (ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà) - một trong những học sinh trượt tốt nghiệp vừa rồi. Trong căn nhà lá lụp xụp vách che bằng cây lồ ô, Nga cùng hai đứa trẻ chừng 2 tuổi quây quần bên mâm cơm. Cô cho biết, hai đứa trẻ này một là con, một là em trai. Nhìn khuôn mặt già nua của Nga, ít ai có thể ngờ rằng cô còn là học sinh, năm nay chưa tròn 18 tuổi. Nga tâm sự: "Em lấy chồng năm học lớp 10, cưới xong em nghỉ ở nhà 2 tháng để sinh con, rồi sau đó đi học tiếp...". Người chồng đã bỏ mẹ con cô đi lấy vợ khác. Thi trượt đợt 1, Nga tiếp tục đăng ký dự thi. Khả năng lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT trong “hiệp 2” đối với Hồ Thị Nga là rất mong manh, bởi lẽ hằng ngày cô phải bươn chải kiếm tiền nuôi con. Theo ông Đỗ Ngọc Đức, Hiệu trưởng trường THPT Tây Trà, Hồ Thị Nga không phải là trường hợp cá biệt, mà còn rất nhiều học sinh khác rơi vào tình cảnh như thế. Chuyện lấy vợ, lấy chồng khi còn đi học ở huyện miền núi Tây Trà diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm nay, do đồng bào dân tộc vẫn còn mang nặng tập tục tảo hôn.

Thầy Bùi Đức Quang, giáo viên Toán của trường THPT Tây Trà, cho biết thêm: "Học sinh ở huyện miền núi này đang học nhưng cưới vợ, lấy chồng là chuyện thường ngày. Trong số học sinh thi trượt tốt nghiệp vừa rồi, 15 em đã có vợ, có chồng".


Cả huyện chỉ có 2 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đợt 1

2 bằng tốt nghiệp = 65 triệu đồng

Đó là phép tính nhẩm của Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Đức về khoản kinh phí của huyện bỏ ra lo cho 120 học sinh đi lại, chi tiêu, ăn ở trong đợt thi lần 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhưng chỉ có 2 học sinh trong số đó đỗ tốt nghiệp. Ông Đức tâm sự: "Tôi nói như vậy để thấy sự quan tâm của nhà trường và chính quyền địa phương về sự học của con em đồng bào dân tộc Cor ở huyện miền núi Tây Trà, nơi được xem là nghèo nhất nước". Ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, khẳng định: "Kết quả của kỳ thi đánh giá đúng chất lượng giáo dục của huyện, đây cũng là hậu quả của một quá trình giảng dạy từ cấp dưới. Không thể để một huyện chỉ có 2 học sinh lấy được bằng tốt nghiệp trung học".

Ngay từ đầu tháng 7, huyện Tây Trà đã huy động giáo viên đến từng nhà vận động 118 học sinh trượt tốt nghiệp đến trường để ôn tập thi lại. Huyện cũng tiếp tục xuất kinh phí chu cấp cho mỗi học sinh 20 kg gạo, tiền ăn ở, tàu xe đi lại trong suốt các ngày ôn tập và các ngày thi, đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ thêm cho mỗi em 300.000 đồng. Sự quan tâm của huyện và tỉnh là như vậy, nhưng rất ít học sinh đến trường để ôn tập (mỗi tiết học chỉ có gần 20 học sinh tham dự). Khi đề cập đến khả năng đỗ tốt nghiệp của học sinh trong lần thi thứ 2 này, thầy Bùi Đức Quang lắc đầu ngao ngán: "Nhiều em cộng trừ phân số chưa được thì làm sao có hy vọng đỗ tốt nghiệp. Nếu không có biện pháp giảng dạy và sàng lọc ngay từ cấp dưới thì 10 năm nữa số học sinh huyện Tây Trà có được tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay". Ông Lê Trường Sơn cũng than thở: "Năm nay huyện được tiêu chuẩn cử tuyển 5 học sinh vào đại học để đào tạo cán bộ nguồn, nhưng học sinh đỗ tốt nghiệp THPT lại quá ít nên đành chịu".

Chưa kể trong số học sinh trượt tốt nghiệp vừa rồi, có nhiều em phải đi làm ăn xa hoặc đi làm rẫy trên núi cao để phụ giúp gia đình nên xem ra việc đỗ tốt nghiệp trong lần thi sắp tới là nhiệm vụ bất khả thi!

H.T