Lê Hoàng Quốc Bảo. |
Chiến đấu với bạo bệnh để thi đỗ ĐH Trong căn nhà phên tre ọp ẹp, trống tuềnh, bà Hoàng Thị Gái (Thị trấn Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), chứa chan nước mắt khi người khách lạ là tôi hỏi về đứa con trai bà. Bà khóc như để sẻ chia niềm tự hào, sẻ chia những nỗi niềm dồn nén từ lâu. Thằng Bảo, con trai bà, vừa đỗ 2 trường ĐH: trường Bách khoa Đà Nẵng (24,5 điểm) và ĐH Y Huế (23,5 điểm). Điều làm cho kết quả đó trở thành kỳ tích là thằng Bảo đã vượt qua những cơn đau triền miên của căn bệnh ung thư để sống và học tập. Bố mẹ là nông dân ở huyện nghèo Quảng Điền, nhưng từ nhỏ Bảo đã học giỏi, đa tài. Hè 2005, Bảo đỗ vào trường THPT Quốc học và ngay lập tức trở thành học sinh giỏi nhất lớp 10/10 của trường dù phải xa gia đình lên Huế ở trọ. Rồi hung tin đến vào mùa hè 2006. Bảo phát hiện chuỗi hạch bất thường ở cổ, chân tay thường xuyên mệt rã. Bảo bị ung thư. Bà Gái, ông Xuân (bố Bảo) đã khóc hết nước mắt. Nhưng rồi thay vì trách số phận, họ đã quyết định bán cả gia tài còm cõi nhằm cứu lấy thằng “Heo” (tên thân mật mà gia đình thường gọi Bảo, vì Bảo ra đời cùng lúc con heo nái của gia đình sinh). Chị gái Bảo nhận giấy báo nhập học của ĐH Đà Nẵng cũng đòi ở nhà để bố mẹ dồn sức chăm em, họ hàng động viên mãi mới chịu xách ba lô nhập học. Cả năm học lớp 11, Bảo bị những cơn đau hành hạ triền miên. Cứ ba ngày một lần, Bảo phải vào BV Trung ương Huế chạy hóa trị. Tóc rụng sạch, người gầy rộc, cuộc sống lúc đó với Bảo là những cơn đau triền miên tưởng chừng không dứt. Bà Hương, dì ruột Bảo, xót xa: “Lúc đó, tôi thương quá định mua cho đầu tóc giả nhưng nó không chịu, nó bảo đội mũ được rồi. May mà bạn bè nó thương mến, không trêu ác”. Mẹ Bảo cũng bỏ việc nhà lên Huế chăm con. Được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Bảo vẫn theo kịp chương trình và giữ danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 11. Bảo bẽn lẽn nhớ lại: “Em nhớ lúc đó, cứ ngớt cơn đau là em ngồi dậy chép lại bài, nhờ mấy người bạn cùng phòng giảng lại nên dù bệnh tật và có rất ít thời gian, em vẫn nắm được nội dung chính của bài”. Cuộc sống với Bảo lúc đó không có ngày, đêm. Chỉ có những cơn đau, những giấc ngủ mê man và những con chữ, bài toán xen cài lấy nhau. Bà Gái quẹt nước mắt, nhớ lại: “Năm thằng “Heo” học lớp 11, tui phải lên chăm hắn. Con đau một, tui đau mười nhưng chẳng kiếm đâu ra tiền để lo cho hắn những bữa ăn đầy đủ”. Bà thầm cảm ơn một chủ quán cơm gần trường, cứ thấy mẹ thằng Bảo mua cơm là cho thêm ít miếng thịt, con tôm. Lúc đó, đến quyển sách Bảo cũng phải mượn của bạn để xem, rồi photo những đoạn quan trọng để tiết kiệm tiền chữa bệnh. Hai năm trôi qua nhanh, những ngày cơ cực nhất của mẹ con Bảo cũng trôi qua. Thằng Bảo tiếp tục là học sinh giỏi năm lớp 12, rồi đỗ một lúc 2 trường ĐH. Gập ghềnh lắm, đường tới ước mơ Thằng Bảo cao ráo, cười rất có duyên và có ánh mắt bẽn lẽn như một đứa trẻ bị bắt quả tang lấy trộm kẹo. Mái tóc của nó đã xanh trở lại dù không còn mượt mà như trong những tấm hình diễn văn nghệ, thổi sáo, thi học sinh thanh lịch thời lớp 9, lớp 10 mà bà Gái còn giữ lại. Sau 2 năm chữa trị, bệnh tình của Bảo hiện đã tạm ổn định, nhưng vẫn phải chờ ngày tái khám. Gia đình Bảo vui lắm, nhưng chưa được thở phào. Hai năm thằng Bảo chiến đấu với bệnh tật cũng là 2 năm tiền bạc, lợn gà đội nón ra đi theo những lần chạy hóa trị. Bố mẹ Bảo là nông dân, có 6 sào ruộng thì chỉ làm được một vụ, còn một vụ chạy lụt. Quá khó khăn, ông Xuân xin đi làm bảo vệ, bà Gái bán bún hến đầu đường, có ai thuê guét dọn, giặt giũ bà đều chẳng nề. Tối về, hai vợ chồng tranh thủ chăm thêm mấy mẹ heo nái để chắt cóp tiền nuôi con. Nhưng ngần ấy chẳng đủ. Hóa ra, Bảo ước trở thành kỹ sư và chọn ngành Cơ - Điện tử trường ĐH Đà Nẵng một phần vì muốn học ngắn hơn, hạn chế chi phí. Bà Gái trăn trở: “Nó yếu, muốn cho học gần nhà nhưng học Y thì lâu quá. Cho vào Đà Nẵng, hai chị em ở thuê một nhà, ăn chung cho đỡ tiền”. Mới đây, nạn dịch “heo tai xanh” tràn qua Quảng Điền, mấy con heo nái của gia đình cũng phải đem tiêu hủy. Gia đình Bảo lại thêm một lần quay quắt, chất chồng nhiều mối lo. Bà Gái kể: Có nhiều đêm, hai vợ chồng chong đèn tính toán phải làm cái gì đó để chạy chữa và cho con học hành, nhưng gà gáy rồi mà chẳng biết phải làm gì hơn nữa. Trong câu chuyện, bà Gái cứ hết say sưa kể về thằng Bảo rồi lại trầm ngâm nhìn quanh căn nhà lụp xụp, thở dài. Thỉnh thoảng, vợ chồng lại nhìn nhau, rồi nhìn thằng Bảo, đăm chiêu. Bà chưa biết lấy đâu tiền để cho thằng Bảo nhập học và trang trải ban đầu. Còn bà Hương thì thì thào vào tai tôi: “Có viết, nhớ viết là nó hết bệnh rồi!”. “Khó mấy em cũng phải học. Em nghe mấy anh chị khóa trước nói vào đó học rồi sẽ tìm việc làm thêm để kiếm tiền. Em sẽ vượt qua tất cả để sau này bố mẹ đỡ khổ như đã khổ nhiều vì em”, Bảo mím môi. Tôi tin Bảo, vì ánh mắt tinh anh trên gương mặt vẫn còn xanh xao của nó. Tôi cũng tin ông Xuân, bà Gái và họ hàng sẽ dìu dắt thằng Bảo tới ước mơ. Nhưng, con đường ước mơ của Bảo sẽ bớt gập ghềnh hơn nếu có sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái… Hồng Kỹ
Em Bảo cùng bố, mẹ và dì Hương trước căn nhà phên tre lụp xụp của mình.
Thằng cu "Heo" bẽn lẽn ngồi bên bố mẹ.
▪ Những thủ khoa "kép" (23/08/2008)
▪ "Thầy ơi, tiếng Việt con học là tiếng Việt gì?" (23/08/2008)
▪ Đam mê “khó bỏ” của nữ thủ khoa HV Cảnh sát (23/08/2008)
▪ “Nấm mỡ lùn” - “đạo diễn” tuổi 17 (23/08/2008)
▪ Cưỡi trâu học bài, đậu hai trường đại học (22/08/2008)
▪ Thu hút những người giỏi đến với Đoàn (22/08/2008)
▪ Trung “mồ côi” đỗ thủ khoa (20/08/2008)
▪ 15 năm ấy biết bao nhiêu tình (20/08/2008)
▪ “Gà công nghiệp” đã là Thủ khoa (19/08/2008)
▪ 4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên vay để ăn học (18/08/2008)