Ông nội Trung luôn tin tưởng và dành hết tình cảm cho Trung. |
Trần Tiễn Trung, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế) vừa đỗ thủ khoa trường Đại học Sư Phạm Huế với 29 điểm, nhưng ít ai biết được chàng trai này có hoàn cảnh vô cùng éo le. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, anh em Trung phải nương nhờ vào ông bà nội già yếu... Hàng xóm kéo đến chúc mừng Trung, rồi thở dài khi biết hoàn cảnh của cậu thủ khoa "mồ côi" không nhà, hoàn cảnh quá éo le, con đường vào giảng đường đại học phía trước còn quá gian nan, không biết có theo học nổi hay bỏ dở giữa chừng?. Lớn lên trong gia đình lao động nghèo, năm Trung lên 9 tuổi, người cha qua đời vì bạo bệnh, ít năm sau mẹ Trung đi bước nữa. Anh em Trung phải ở với ông bà nội tuổi ngoài 70, thiếu tình yêu thương và dạy dỗ của cha mẹ. Thế nhưng, Trung vẫn tự tin trong học tập và suốt 12 năm liền học phổ thông, Trung đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện, thi đại học khối A vào khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Huế đạt 29 điểm. Trung đã làm mọi người ngỡ ngàng và thán phục khi vượt qua những khó khăn trước hoàn cảnh ngặt nghèo. Thế nhưng hoàn cảnh ngày càng éo le, ngặt nghèo hơn khi tuổi của ông bà nội Trung ngày một lớn, sức khoẻ càng yếu đi. Mấy năm nay ông bà chẳng còn làm được gì, sống bằng sự cưu mang của những người họ hàng thân thích, cố gắng xoay xở, tích cóp tiền nuôi hai anh em Trung trong sự thiếu thốn túng bấn mọi đường. Không có tiền mua sách mới để học, Trung phải mượn sách cũ của bạn bè hoặc thường xuyên trao đổi bài vở, "ké" nhờ sách vở các bạn để học. Quần áo mặc hàng ngày, Trung nhờ quần áo cũ do bà con gom góp lại cho. Ngoài giờ học ở trường, về nhà Trung tranh thủ giúp đỡ ông bà việc nhà, thời gian còn lại Trung dành để học bài và chỉ bảo em trai học tập. Bí quyết đưa lại thành công theo Trung là phải đọc đi đọc lại nhiều lần những bài học thầy giảng trên lớp và làm hết bài tập trong sách giáo khoa. Những bài toán khó phải kiên trì giải cho bằng được hoặc nhờ thầy giúp đỡ giải thích ngay. Góc học tập của em không gì nhiều hơn vài ba cuốn sách cũ nát, hành trang đến trường là chiếc xe đạp cũ kỹ. Khi nhắc đến người cha quá cố của mình trên khuôn mặt ngây thơ hai hàng nước mắt của Trung lại lăn dài trên gò má, giọng nghẹn đắng: "Tiếc rằng ba em không còn sống được đến ngày hôm nay để chia vui cùng với em, giờ em sẽ phải cố gắng học để không phụ lòng ông bà và làm gương cho em trai phấn đấu học tập". Năm nay cậu em trai của Trung đã lên lớp 11, vì thế gánh nặng cơm áo, gạo tiền lại càng đè nặng lên đôi vai cậu thủ khoa mồ côi này. Nỗi lo chồng chất nỗi lo vì ngôi nhà của ông bà nội vừa mới phải phá bỏ đi để trả lại đất cho nhà hàng xóm. Khi được hỏi em đã chuẩn bị được gì để bước vào giảng đường đại học, Trung im lặng, nước mắt ngấn ngấn ở khóe mắt: "Em sẽ đi làm thêm để phụ giúp ông mệ nuôi em trai ăn học. Dù khó khăn đến mấy em cũng phải cố gắng theo học để có cái nghề, sau này còn đỡ đần ông bà và nuôi em ăn học". Trong thời gian chờ nhập học Trung đi dạy kèm cho mấy em học cấp dưới để kiếm thêm tiền phụ giúp ông bà. Trung cho biết, ước mơ lớn nhất của em là trở thành kỹ sư ngành dầu khí hoặc làm bác sĩ để chăm sóc sức khoẻ cho bà con nghèo. Thế nhưng ước mơ của em nay đã phải tạm "gác" lại vì hoàn cảnh gia đình không cho phép em thực hiện được hoài bão của mình. Bà nội của Trung cho biết, dù biết Trung ước mơ nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đành gác lại ước mơ. "Đáng ra cháu học giỏi rứa là phải cho cháu đi xa bay nhảy thực hiện ước mơ nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải khuyên cháu thi vào trường sư phạm ở gần nhà, vừa không phải đóng học phí lại đỡ chi phí cho việc ăn ở, đi lại. Gần nhà, bữa rau bữa cháo gì cũng có thể gắng vượt qua...", bà nội Trung cho hay. Gác lại ước mơ nuôi nấng từ bao lâu nay, giờ đây khi đã là tân sinh viên sư phạm em lại nung nấu một ước mơ mới. Mục tiêu của Trung là cố gắng học thật giỏi để được giữ lại trường làm giảng viên. “Em cố gắng học thật tốt để được giữ lại trường sau này có điều kiện giúp ông bà và em trai” - Trung bộc bạch. Ước mơ sau này là vậy, còn ước mơ lớn nhất khi này của chàng thủ khoa “mồ côi” và cũng là mong muốn của ông bà nội Trung là có một mái nhà để ở, trú nắng mưa. Ông Phước - ông nội em kể, trước đây gia đình ông cũng một mái nhà, nhưng vì quá nghèo nên không có đất ở, phải dựng nhà trên đất nhà bà con. Nay họ đòi lại đất, nên ông cháu phải dời nhà đi, không còn nơi trú ẩn. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên dòng họ đã cho ông cháu Trung vào ở nhờ nhà thờ từ đường tạm thời. Chúng tôi rời khỏi nhà ông bà Trung lòng thấy xót thương em, mong sao có được phép màu giúp Trung, để chàng thủ khoa “mồ côi” này vượt qua được những khó khăn và thực hiện ước mơ của mình. Phạm Vinh Hiền
▪ 15 năm ấy biết bao nhiêu tình (20/08/2008)
▪ “Gà công nghiệp” đã là Thủ khoa (19/08/2008)
▪ 4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên vay để ăn học (18/08/2008)
▪ Cõng chữ, cõng con vào “hiệp 2” (16/08/2008)
▪ Cô bạn 8x vì môi trường (16/08/2008)
▪ 2 nữ sinh trở thành Đại sứ môi trường 2008 (16/08/2008)
▪ Bất ngờ tình thầy trò xuyên thế kỷ (15/08/2008)
▪ “Siêu” ngoại ngữ đỗ thủ khoa (15/08/2008)
▪ Tập huấn cho “thủ lĩnh thanh niên” các trường học (14/08/2008)
▪ Làng cử nhân ven sông Cầu (14/08/2008)