"Thầy ơi, tiếng Việt con học là tiếng Việt gì?"
Các Website khác - 23/08/2008

 

Hình ảnh tại hội thảo - Ảnh: Bích Giang

Câu hỏi ấy đã được tiến sĩ Thái Duy Bảo (Đại học Quốc gia Úc) nhắc đến trong hội thảo quốc tế "Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ - những vấn đề lý luận và thực tiễn" tổ chức tại Phan Rang những ngày đầu tháng 8-2008 vừa qua.

"Đó là câu hỏi thường gặp ở những lớp học tiếng Việt, đặc biệt ở những đối tượng là sinh viên có nguồn gốc Việt thuộc thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Úc" - theo TS Bảo.

TS Thái Duy Bảo đã tiến hành nghiên cứu khẩu ngữ tiếng Việt, một phần trong đề tài chung về "Cộng đồng người Việt" bắt đầu từ 2004 tại Đại học Quốc gia Úc.

Đối tượng nghiên cứu của ông là cuộc sống cộng đồng người Việt di dân tại Úc từ khoảng bốn năm nay, gồm khoảng 200.000 người, sống tập trung ở các bang New South Wales, Victoria, Queensland, Nam Úc và Perth. Đó là một con số không nhỏ trong tổng số hơn 3 triệu người gốc Việt sinh sống trên 90 quốc gia và lãnh thổ hiện nay - những người luôn mang nặng tình hoài hương, và theo TS Bảo, họ có "hành trang không thể ly gián là văn hóa và ngôn ngữ cội nguồn".

Tiếng Việt xa quê

Loại tiếng Việt họ sử dụng đã có nhiều thay đổi, điển hình là ngôn ngữ trong một số video clip được TS Bảo trình bày tại hội thảo. Đây là cuộc trò chuyện giữa hai cô bé tuổi 10-12:

- Cái này me tặng cho you nè. Me giữ một cái, you giữ một cái. Chừng nào you nhìn thấy nó, you nghĩ tới me.

- À, you lucky (may mắn) hơn me nhiều lắm, vì you có ba nè, you có má nè. Mỗi lần me đi học về, me buồn lắm. Me khóc hoài à... Er.. Má me nói me là... hổng có me, là má me kills herself (tự tử)...

Không chỉ trong tiếng nói, cách viết của người Việt di dân cũng thay đổi rất nhiều. TS Bảo gọi đây là việc "chuyển di từ vựng" - mượn tiếng của người bản địa để chêm vào ngôn ngữ của mình. Có thể thấy rõ điều này trên các tờ báo địa phương, đó là các mẩu quảng cáo: "Sang shop sửa máy cắt"; "Hoàn thành komplit kitchen, "Làm neo"...

Những người Việt định cư chưa lâu, có gốc gác từ các miền quê VN thì sử dụng ngôn ngữ càng "phong phú” hơn nhiều, chẳng hạn chỉ riêng về sinh hoạt giải trí họ có thể nói như sau: đi lấp (go to clubs), kéo máy (đánh bài trên máy ở sòng bài), kasinô (casino), pati (party), đi/lấy holiđêy (take holidays), thuê lét (rent a flat), đìpôsít (deposit), tiền ren (rent), intơrịt fri (interest-free), êdừn (real estate agent), lóckờ (locker), goarốp (wardrobe), đúpbồ gara (double garage), đi bớt (going by bus), pê chéc (pay-check), bizinịt (business), goarănti (warranty), insuarăn (insurance), côngtrắc (contract)...

Càng thiếu vắng mối liên hệ với quê cha đất tổ, tiếng nói của cộng đồng di dân càng thay đổi nhiều so với tiếng Việt ở quê xưa, điều đó đặt ra cho TS Bảo nhiều mối trăn trở: giảng dạy tiếng Việt cộng đồng như một biến thể xã hội của ngôn ngữ quê nhà? Tại sao không?

Mệnh lệnh truyền bá tiếng Việt

Cuộc hội thảo do khoa VN học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức trong hai ngày đã là diễn đàn hứng thú của nhiều nhà khoa học: TS Nguyễn Văn Huệ - trưởng khoa VN học của ĐHQG TP.HCM, PGS TS Bùi Khánh Thế - hiệu trưởng Trường ĐH Tin học và ngoại ngữ Huflit, TS Lâm Lý Trí - ĐH Fullerton (Mỹ), TS Danh Thành Do - ĐH Hurinville (Pháp), TS Vũ Hill Kim Loan và TS Bùi Chúc Quyên Di (Mỹ)...

Từ 2003 đến nay, khoa VN học và tiếng Việt cho người nước ngoài của Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đã phối hợp với khoa tiếng Việt và văn hóa VN - Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội tổ chức được bốn cuộc hội thảo. Hội thảo lần này được tổ chức tại Ninh Chữ, Phan Rang (Ninh Thuận), một vùng biển đẹp. Những người rất tâm huyết, từ khắp bốn phương trên thế giới bay về VN bàn chuyện giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ly hương và người nước ngoài, hẹn nhau sang năm sẽ lại gặp gỡ và bàn tiếp câu chuyện dài của mình ở Vĩnh Long, vùng đất trù phú của đồng bằng sông Cửu Long.

THÁI THANH