Ngày hè của trẻ vùng biên
Các Website khác - 07/07/2008

 

Đào măng một công việc quen thuộc của nhiều đứa trẻ vùng biên.

Cửu vạn “nhí”

 

Đến cửa khẩu Lao Bảo, không khó để tìm thấy những đứa trẻ chừng 14, 15 tuổi làm nghề bốc xếp. Hầu hết chúng đến từ các bản, làng ven thị trấn. Các em đi làm để đỡ đần cha mẹ, để có tiền dành dụm cho năm học mới, để có manh áo mới ngày tựu trường…

 

Đội quân cửu vạn nhí có chừng 10 đến 15 em, đều một hoàn cảnh khó khăn như nhau. Một ngày lao động của các em thường bắt đầu từ sáng sớm cho đến xòe bàn tay trước mặt khó nhìn thấy ngón mới ra về. Tuổi thơ của các em là những giấc ngủ chập chờn bị đánh thức mỗi sớm mai…

 

Bản Hà Lệt vào mùa mưa con đường đất đỏ trở nên lầy lội hơn. 5 giờ sáng, Hồ Thị Kèn (15 tuổi, người PaCô) bị đánh thức bởi đám cửu vạn nhí trong bản. Kèn mệt mỏi đếm từng bước chân xuống nấc thang của nhà sàn. Ăn vội chén cơm nguội sót lại đêm qua, vác quang gánh chuẩn bị bước vào cuộc mưu sinh.

 

Từ bản Hà Lệt lên cửa khẩu chỉ chừng hơn cây số nhưng cũng phải dậy thật sớm để kịp bốc chuyến hàng. Kèn cho hay: “Ở cửa khẩu không nhiều việc nhưng phải biết chọn việc nào vừa sức. Việc nặng họ trả nhiều tiền mình cũng làm không nổi”. Theo chân cửu vạn nhí kiếm cơm còn có những em học sinh tiểu học từ các làng Xuân Phước, Tân Kim…tìm lên cửa khẩu lượm bao chai, phế liệu về bán.

 

Lên tới cửa khẩu, lũ trẻ nhanh chân hoà vào dòng người đen đặc mua bán. “Cháu làm cho cô!”, Kèn nhanh nhảu vớ lấy bao hàng của một tiểu thương ở cửa khẩu. Chưa kịp vứt bao hàng lên xe bò cho những cửu vạn lớn hơn, em đã phải xoay sang kiếm bao khác để bốc. Kèn cho biết, làm ở đây việc ít mà người làm thì đông, mình phải nhanh chân mới có việc. Thường thì mỗi cửu vạn nhí đều chọn cho mình một mối hàng riêng.

 

Mỗi ngày quần quật dưới cái nắng và gió Lào khô khốc, những đứa trẻ cũng kiếm được 20 đến 25 ngàn đồng. Không như Hồ Thị Kèn lên đây để phụ giúp cha mẹ em, Xôm Tơn (14 tuổi), chỉ có một thân một mình. Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ hiện đang sống với một người cô ở trong bản Katang. Tơn cho biết tranh thủ những ngày hè này làm thêm để ra năm có tiền đi học. Cứ mỗi ngày sau khi trừ chi phí ăn uống, em bỏ vào chú heo đất 15 nghìn đồng, nghỉ hè hơn hai tháng cũng được khá tiền!

 

Vừa quẳng bao hàng nặng trịch lên xe, Tơn mệt mỏi: “Việc gấp quá sáng đến giờ em vẫn chưa ăn gì! Em làm ở đây cũng được hai kỳ nghỉ hè rồi. Mùa hè phải tranh thủ làm đến khi đi học thì chỉ đầu tư cho việc học thôi”. Nhìn những tấm thân mỏng như chiếc lá, ướt đẫm mồ hôi phải gồng mình bê những kiện hàng nặng trịch mà thấy xót lòng! Những đứa trẻ tuổi đời chỉ mới 13, 14 nhưng khuôn mặt già trước tuổi, trên khuôn mặt đen đúa, chỉ có đôi mắt là trong sáng lạ thường! Đôi mắt ngây thơ ấy đã ám ảnh tôi suốt nẻo đường về…

 

Vượt sông bẻ măng!

 

Công việc quen thuộc của những em nhỏ ở thị trấn vùng biên này vào những ngày hè không chỉ là làm cửu vạn, lượm ve chai mà còn phải lên rừng đào măng, bẫy chim, đào gốc cây cảnh về bán! Sông SêPôn chảy từ đất Lào ngăn cách đôi bờ với đất Việt. Để có măng non những đứa trẻ này phải vượt sông, cuốc bộ đường rừng thêm cả chục cây số. Chứng kiến được cuộc mưu sinh đầy gian nguy này, chúng tôi đã phải chầu chực ở bến sông SêPôn từ rất sớm.

 

Khi biết tôi có ý định qua sông, lũ trẻ đều lắc đầu ngoầy ngoậy: “Không đi nổi đâu! Chiều tối chúng em mới trở về, đi không quen thì chỉ có ngủ lại ở rừng thôi…”. Một tay cầm mác, vai mang gùi đựng măng và bị cơm, em Nguyễn Văn Thao (14 tuổi, khóm Tân Kim) cùng em trai và một số “đồng nghiệp” trong làng bắt đầu vượt sông.

 

Vượt sông SêPôn vào mùa này là một việc ít ai làm. Thao cho hay, nếu đầu hôm có mưa thì tốt nhất là nghỉ việc bởi nước nguồn về sẽ rất nguy hiểm! Đi rừng phải có sức mới chịu được muỗi đốt và những cơn đói hành hạ! Chỉ mới 14 tuổi nhưng kinh nghiệm hơn 2 năm trời theo cha đi rừng em “đúc kết” được điều đó.

 

Muốn có măng non thì phải băng rừng mà đi, măng ở hai bên đường mòn người ta đã bẻ hết. Mỗi búp măng to về chợ Thương mại được các tiểu thương trả từ 2 đến 3 nghìn đồng. Thao tâm sự: “Mỗi chuyến đi em cũng kiếm được từ 8 đến 10 búp măng. Mà phải đi trong ngày về thôi, ở lại rừng sợ lắm! Có hôm mệt quá phải gắng “trườn” về bên bờ sông ngủ lại”.

 

Nói chưa dứt câu, Thao đã lao vào bụi cây hì hục đào, những thân măng phải đào lấy từ gốc mới tươi được. Măng có khá nhiều loại. Theo Thao, măng ngon phải thân bậm, mọc ở giữa những thân tre già, đặc biệt là phải non. Những loại măng này về chợ Thương mại bán rất được giá! Mấy năm đi rừng đã “tôi luyện” cho con người Thao trở nên cứng cáp hơn; làn da lốm đốm những nốt đen sạm là dấu tích của những sốt rừng…

 

Không phải ai cũng chịu đựng được như Thao, nhiều em nhỏ không lên rừng đào măng được thì làm cửu vạn ở sông SêPôn hoặc lên chợ Thương mại chờ sai những việc lặt vặt, miễn sao ngày kiếm được vài chục ngàn mưu sinh. Mối hiểm nguy của những chuyến đi rừng luôn rình rập các em. Thao cho biết nỗi sợ hãi nhất của dân đào măng là phải vượt sông vào mùa nước lớn hay gặp rắn rít trong rừng sâu. Nhiều em nhỏ đã phải bỏ mạng vì cuộc mưu sinh. “Nếu không làm thì không kiếm đâu ra tiền”, Thao giải bày.

 

Ước mơ đời thường

 

Mặc dù phải mưu sinh cực nhọc khi đang còn ở tuổi ăn tuổi ngủ nhưng hầu hết những đứa trẻ ở thị trấn này khi được hỏi đến chúng đều có chung một ước mơ: đến trường, được đi học, được vui chơi… Như Thao, đã bao lần em có ý định nghỉ học giữa chừng để bớt gánh nặng cho cha mẹ, nhưng khi nhắc đến chuyện đó, nước mắt mẹ Thao cứ chực trào ra.

 

Thao tâm sự: “Thương mẹ lắm nên em cố gắng làm và không bao giờ có ý định bỏ học nữa. Nhiều hôm đi rừng về mệt quá ngủ thiếp quên cả giờ đi học. Hôm sau em phải đạp xe mượn vở bạn về xem để theo dõi cho kịp bài”. Chỉ vào đôi dép mòn thấu gót chân, Thao cho biết chỉ mong ra năm học mới có tiền mua một đôi dép cho gọn gàng “không thì đi học lũ bạn nó trêu, xấu lắm!”.

 

Ước mơ và quyết tâm của Thao cũng là ước mơ chung của nhiều bạn nhỏ khác. Không như Thao còn có cha mẹ đỡ đần, Xôm Tơn phải tự lập ngay từ nhỏ. Khi sinh ra Tơn đã không biết cha mẹ mình là ai, may mắn có người cô nhận nuôi ở trong bản Katang. Người cô của Tơn vốn cũng nghèo khó nên tranh thủ mùa hè em phải kiếm việc làm thêm để khi tựu trường có tập vở mới.

 

Em cho biết: “Hơn hai tháng mùa hè này em quyết không được nhác. Cứ mỗi ngày phải làm được 15 nghìn bỏ vào heo đất. Ra năm em sẽ mua xe đạp để tự đi đến trường và đèo cô xuống chợ Thương mại bán hàng”.

 

Những ước mơ nhỏ bé giữa đời thường nhưng so với những đứa trẻ ở vùng đất biên giới này sao xa vời quá! Những ước mơ đeo nặng vai mỗi sớm mai nặng nhọc, những buổi vượt sông đầy trắc trở…

 

Duy Phiên