Nhà nước nên chu cấp kinh phí cho trường tư
Các Website khác - 27/09/2008

 

Biếm họa trong tuần

TTCT - Với chủ đề năm học mới là “Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục”, đề án đổi mới cơ chế tài chính, trong đó có điều chỉnh chế độ học phí (đang trình Bộ Chính trị) dự kiến được phê duyệt vào cuối tháng này và triển khai vào học kỳ 2 năm học 2008-2009.

Vấn đề đang được nhiều người học quan tâm hiện nay là định hướng “học phí dần dần đảm bảo chi phí đào tạo” ở bậc giáo dục nghề nghiệp (đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp). Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hội Liên hiệp các trường đại học ngoài công lập VN - cho biết:

- Hiện nay, học phí chưa đảm bảo được chi phí đào tạo trong các trường ĐH, CĐ, THCN. Trong khi đó mức chi phí/sinh viên vẫn đang ở mức quá thấp so với các nước và so với mong muốn về chất lượng đào tạo của chúng ta. Để có được chất lượng giáo dục tốt hơn, tiến tới có những trường tương đương với các nước trong khu vực và thế giới thì phải tăng chi phí đào tạo. Nhưng ngân sách nhà nước có giới hạn. Để giải quyết khó khăn về tài chính, mỗi năm các trường lại phải tăng thêm một tí về mức học phí, tạo nên cái nhìn phản cảm của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp; dù thực chất các trường đang đối diện với khó khăn khi phải giải bài toán chất lượng trong điều kiện kinh phí như hiện tại. Với thực trạng này, việc xác định lộ trình tăng học phí là cần thiết.

* Tiếp tục tăng học phí sẽ gây khó khăn cho sinh viên nghèo. Sẽ có nhiều người phải nghỉ học, trong đó có những người giỏi. Trong khi chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên chỉ hỗ trợ được một phần kinh phí mà người học phải trang trải cho việc học và sinh hoạt mà thôi.

- Không phải vì điều này mà ngừng tăng học phí ở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời với việc xác định lộ trình nâng học phí, vừa phải đi tìm các giải pháp hiệu quả hơn nữa để giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo. Việc cho người học có hoàn cảnh khó khăn được vay quỹ tín dụng rất tốt, nhưng theo tôi, mức vay không nên theo một trần cố định mà nên cho người học vay theo yêu cầu của học phí. Và tùy điều kiện, yêu cầu đào tạo của từng ngành, từng lĩnh vực người học có thể được vay ở các mức khác nhau. Nhà nước có thể tạo điều kiện để mọi ngân hàng có thể cho sinh viên vay vốn chứ không chỉ riêng Ngân hàng Chính sách xã hội.

* Ở nhiều trường đại học danh tiếng nước ngoài, mặc dù học phí rất cao nhưng học phí vẫn chỉ bù đắp một phần chi phí đào tạo, bên cạnh đó sinh viên giỏi còn được miễn phí, cấp học bổng. GS có cho rằng việc tận dụng các nguồn thu khác để bù đắp vào chi phí đào tạo của các trường đại học VN còn rất kém?

- Với giáo dục nghề nghiệp, nhất là đại học, học phí không thể là nguồn thu duy nhất mà phải có cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội và cho phép các trường chủ động, linh hoạt khi sử dụng tài chính từ những nguồn thu ngoài ngân sách. Tôi đề nghị một việc cần làm trong vấn đề đổi mới cơ chế tài chính giáo dục là cho phép các trường công lập được xây dựng một loại tài sản, tạm gọi là tài sản cộng đồng (nằm ngoài tài sản của trường do Nhà nước cấp), bao gồm các nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, kể cả cựu sinh viên thành đạt...

Ở các trường đại học danh tiếng của nước ngoài, tài sản từ các nguồn thu này rất lớn. Nó không những góp phần bù đắp chi phí đào tạo mà còn dành để cấp học bổng cho sinh viên giỏi. Không loại trừ trường hợp tài sản này lớn hơn kinh phí nhà nước cấp cho việc chi thường xuyên của các trường. Cùng với việc cho phép tồn tại tài sản trên, cần cho các trường chủ động xây dựng cơ chế tự chủ sử dụng tài sản đó thông qua các hội đồng trường. Hiện tại do chưa có cơ chế nên nhiều trường đại học nhận được sự hỗ trợ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong xã hội đã phải nhập vào tài sản nhà nước, phải chịu những ràng buộc cứng nhắc trong cơ chế sử dụng tài chính hiện hành.

Chính vì sự cứng nhắc này nên nhiều trường đã bị tuột mất các nguồn tài sản được hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Tôi được biết rất rõ một số trường ĐH có đến 75-80% tổng chi thường xuyên là vốn trường tự có, chỉ có 20-25% là tiền ngân sách. Nhưng do sự bó buộc của cơ chế nên họ vẫn không phát huy được nguồn vốn tự có này. Có một số cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn tài trợ cho trường đại học VN, nhưng cũng vì cơ chế cứng nhắc như vậy nên họ đã ngần ngại.

* Các trường ngoài công lập hiện nay có cơ chế thông thoáng hơn trường công lập, nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn từ học phí. Vì thế, năm học này nhiều trường đã công bố mức học phí rất cao, khiến nhiều người học không chịu nổi. Nếu tiến tới “học phí bù đắp chi phí đào tạo”, trong khi chi phí đào tạo phải tăng để kéo chất lượng đào tạo nâng lên, người học sẽ càng bị dồn vào ngõ cụt. GS nghĩ sao về việc này?

- Trường ngoài công lập của VN lâu nay vẫn phải tự xoay xở, trong khi sản phẩm đào tạo của trường ngoài công lập đã và đang được bổ sung vào nguồn nhân lực của xã hội. Cũng vì thế để có thương hiệu, để tạo được một chút uy tín, các trường phải chật vật, phải mất nhiều thời gian, trong khi họ không thể đột ngột nâng học phí quá cao.

Tôi vẫn cho rằng Nhà nước cần thay đổi quan điểm, nên cấp ngân sách cả cho các trường ngoài công lập. Chuyện này nghe có vẻ phi lý. Nhưng nhiều nước họ đã làm vậy. Trường công được cấp 70-80% thì trường tư cũng có thể được cấp 20-30% kinh phí từ ngân sách. Nếu việc này được thực hiện, cán cân trường công - tư sẽ thay đổi, nhiều trường tư được thành lập, phát triển, cơ hội cho người học nhiều hơn.

Trong khi thay vào việc cấp 70-80% kinh phí lập một trường công mới thì Nhà nước chỉ cần cấp 20-30% kinh phí cho một trường tư mới. Cùng với đó, học phí trường ngoài công lập sẽ không cần phải quy định trần. Bộ GD-ĐT chỉ cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tài chính của các trường, yêu cầu các trường đảm bảo sự công khai, minh bạch. Các trường sẽ phải công khai mức học phí, điều kiện đào tạo, chương trình đào tạo, cam kết chất lượng... trước khi tuyển sinh để người học lựa chọn. Các trường không thực hiện quy định này sẽ bị Nhà nước xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi phải cạnh tranh để thu hút người học, các trường sẽ biết xác định mức học phí tương ứng với chất lượng và sự chịu đựng của người học.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện