Tình trạng học sinh dân tộc bỏ học diễn ra phổ biến
Các Website khác - 19/04/2008


TPO - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị giáo dục dân tộc toàn quốc được tổ chức sáng nay, 18/4, tại ba điểm Hà Nội - Đà Nẵng - Cần Thơ, tình trạng học sinh dân tộc lưu ban, bỏ học diễn ra rất phổ biến.

Học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: VnMedia.
Báo cáo cho biết, tỉ lệ lưu ban, bỏ học của các vùng có đông học sinh dân tộc thường cao hơn tỉ lệ chung của cả nước.

Năm học 2004 - 2005, toàn quốc có tỉ lệ học sinh bỏ học lưu ban là 0,89%; bỏ học: 2,25%. Tại Tây Bắc, tỉ lệ tương ứng là 1,32% và 5,26%. Ở Tây Nguyên, 3,18% học sinh lưu ban và 4,55% học sinh bỏ học. Tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, tỉ lệ học sinh lưu ban là 0,84% và bỏ học là 5,86%.

Năm học 2005 - 2006, tỉ lệ học sinh bỏ học ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long là 13,94%. Các vùng Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng có tỉ lệ học sinh bỏ học cao, trên 11%.

Học kỳ I năm học 2007 - 2008, các tỉnh Trà Vinh, Tuyên Quang, Cà Mau, Yên Bái, Hà Giang… có tỉ lệ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bỏ học cao nhất nước.

Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, tình trạng học sinh dân tộc bỏ học nhiều là do trường, lớp ở xa nhà, đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, hoàn cảnh gia đình nghèo túng, trẻ em phải giúp đỡ gia đình kiếm sống từ khá sớm.

Không những thế, nhiều luật tục như tảo hôn, lễ hội, du canh, du cư… tác động tới quá trình theo học liên tục của các em.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương vẫn còn chưa có trường lớp. Theo thống kê, hiện vẫn còn 1.640 xã vùng dân tộc và miền núi chưa có trường mầm non. Đến tháng 1/2007, còn 420 xã thuộc các vùng khó khăn, địa bàn xa xôi, hẻo lánh chưa có trường trung học cơ sở.

Đề cập đến vấn đề này, báo cáo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An nêu rằng: Kết quả thực hiện “hai không” thiếu định hướng ở một số huyện đã tạo nên hiệu ứng ngược. Học sinh bị “sốc” trước kết quả đánh giá của nhà trường dẫn đến chán nản. Tỉ lệ học sinh bỏ học tăng đột biến ở một số huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương.  

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu, công tác giáo dục hiện vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của đồng bào dân tộc.

Phó Thủ tướng cho biết, “để góp phần phát triển giáo dục dân tộc, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được phép thành lập Vụ Giáo dục dân tộc” để có bộ phận chuyên trách, giúp sâu sát hơn trong công tác giáo dục dân tộc.