Theo Bộ Thương mại, tình hình buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam sang Campuchia vẫn diễn biến phức tạp, dù nhiều biện pháp đã được đưa ra. Hai dự thảo quy chế về xăng dầu khu vực biên giới do Bộ đưa ra không được các địa phương hưởng ứng.
Buôn lậu xăng dầu bùng phát trở lại. |
Tại cuộc họp bàn giải pháp chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam vừa được Bộ Thương mại tổ chức, Cục trưởng Quản lý thị trường Bộ Thương Mại Nguyễn Đức Thịnh cho biết, các hoạt động buôn lậu xăng dầu đang diễn ra công khai, có tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số đường dây với sự tham gia của một số người Campuchia vận chuyển xăng dầu xuất lậu qua biên giới.
Ông Thịnh cũng cảnh báo tình hình buôn lậu xăng dầu sắp tới vẫn tiếp tục diễn ra và có khả năng diễn biến khá phức tạp vì nhiều lý do khác nhau như: Giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong khi VN chưa thể thực hiện ngay việc điều chỉnh đưa giá xăng dầu trong nước ngang bằng giá xăng dầu thế giới. VN và các nước liền kề còn chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng dầu và việc cung ứng xăng dầu tại Campuchia chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
“Nhiều khả năng từ cuối năm nay, buôn lậu xăng dầu trên tuyến đường sông, biển biên giới sẽ phức tạp và gia tăng mạnh hơn khi chúng ta triển khai thực hiện nhiều biện pháp mạnh trên tuyến đường bộ”, ông Thịnh nói.
Lãnh đạo 5 tỉnh trong “vùng nóng” khu vực biên giới Tây Nam (Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp và Long An) đã thống nhất kiến nghị các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp như: Bộ Thương mại sớm ban hành cơ chế giám sát hệ thống phân phối (tổng đại lý và đại lý bán lẻ), trong đó xác lập chế độ trách nhiệm, quy trình quản lý và giám sát từ doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đến tổng đại lý và đại lý bán lẻ đối với xăng dầu xuất lậu.
Đối với đại lý bán lẻ (các cây xăng) khu vực biên giới, chính quyền địa phương có trách nhiệm xác lập xong nhu cầu tiêu dùng thực tế trên địa bàn và mức tiêu thụ đối với từng cây xăng ngay trong quý 3 để làm cơ sở cung ứng và giám sát việc xuất lậu.
Các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan cần tổ chức chuyên án triệt phá những đường dây buôn lậu xăng dầu qua biên giới đối với những cây xăng khu vực giáp biên có biểu hiện tiếp tay cho xuất lậu xăng dầu. Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm soát viên trực giám sát chặt việc mua bán hằng ngày.
Lãnh đạo các tỉnh cũng nhất trí cần thành lập thêm 5 đội đặc nhiệm kiểm tra xăng dầu tại 5 tỉnh để giúp địa phương kiểm soát ngăn chặn tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đưa ra Dự thảo quy chế bán xăng dầu tại khu vực biên giới đất liền và biên giới biển, và Dự thảo quy chế giám sát hoạt động của hệ thống phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trong dự thảo có nhiều điểm bất hợp lý, chẳng hạn như quy định việc cấp sổ bán xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu xã biên giới. "Nếu làm theo dự thảo này thì chúng ta lại quay trở lại thời kỳ bao cấp mất rồi, khó khăn cho dân lắm. Việc cấm người dân mua xăng dầu bằng can cũng chưa thật hợp lý, hay quy định về địa bàn biên giới cũng chưa ổn", ông nói.
Trước những ý kiến trái ngược nhau, thậm chí gay gắt của đại diện các tỉnh xung quanh những bất hợp lý trong việc ban hành bản dự thảo này, lãnh đạo Bộ Thương mại đã phải đồng ý dừng ban hành hai bản dự thảo để tiếp tục điều chỉnh.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Vụ côngtơ điện tử: Triệu tập nhiều quan chức (09/09/2005)
▪ Quá hiếm công nghệ đột phá (09/09/2005)
▪ Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B: Phải đập bỏ nhiều hạng mục (09/09/2005)
▪ Đừng "vác mai đi đào" (09/09/2005)
▪ VN tăng trưởng 7,6% năm 2005 và 2006 (09/09/2005)
▪ Vietnam Airlines ngưng bán vé đi Mátxcơva để hỗ trợ Aeroflot (09/09/2005)
▪ Tăng vai trò kinh tế tư nhân (09/09/2005)
▪ Xuất khẩu đồ gỗ cả năm có thể vượt 1,5 tỷ USD (09/09/2005)
▪ Giá điều đã tăng trở lại 50-100USD/tấn (09/09/2005)
▪ "Quy chế thép" bị phản đối - vì sao? (09/09/2005)