Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam: Cần 140 tỉ USD để phát triển
 | Quang cảnh hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. | Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam sắp bước vào kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Tại phiên khai mạc CG sáng 6.12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhấn mạnh những đặc diểm của kế hoạch 5 năm này để các nhà tài trợ có thêm thông tin, làm cơ sở cho việc xác định mức độ và lĩnh vực trợ giúp cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết, chưa bao giờ một kế hoạch (KH) phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam lại được đem ra thảo luận, thu thập ý kiến đóng góp rộng rãi cả trong và ngoài nước như lần này. Đây là cách tiếp cận được các nhà tài trợ rất hoan nghênh.  | Một số "nút cổ chai" của nền kinh tế như viễn thông, điện... | Tuyên bố của Liên minh Châu Âu (EU) viết: "Các nước thành viên EU và Uỷ ban Châu Âu rất vui mừng khi có cơ hội hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ khác trong quá trình soạn thảo KH. Khi KH được hoàn thiện và đáp ứng được các tiêu chuẩn để trở thành cơ sở cho quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - EU, EU sẽ góp phần thực hiện kế hoạch này".
Theo con số mà Phó Thủ tướng Vũ Khoan đưa ra, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 140 tỉ USD để phát triển nhanh và bền vững, chú trọng về chất lượng và hiệu quả. Vốn đầu tư trong nước sẽ chiếm khoảng 65%, trong đó tỉ lệ vốn đầu tư trong GDP, huy động vốn đầu tư từ dân cư và khu vực tư nhân đều tăng, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, các loại trái phiếu khác được chú trọng.
 | ... đất phát triển công nghiệp... |
35% còn lại, Chính phủ dự định huy động từ bên ngoài. Ngoài hai kênh truyền thống là viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam mở thêm hai kênh mới là đầu tư gián tiếp của nước ngoài và phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế.Riêng về nguồn vốn ODA, Việt Nam trông đợi sẽ thu hút được khoảng 11 tỉ USD trong thời gian từ 2006 - 2010, dự kiến vào ba lĩnh vực ưu tiên: Hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.  | ... cảng biển... đang là rào cản thu hút tài trợ và đầu tư vào Việt Nam. |
Hôm nay (7.12), các nhà tài trợ sẽ đưa ra mức cam kết ODA cho Việt Nam. Mức cam kết tại CG 2004 là 3,4 tỉ USD, cao kỷ lục tính đến thời điểm đó. Phát biểu sáng 6.12 trước cộng đồng 50 nhà tài trợ quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: "Tôi tin rằng CG lần này sẽ vượt kỷ lục 2004, vì những gì Việt Nam đã làm được trong năm 2005 rất xứng đáng với sự tin cậy của các nhà tài trợ, đồng thời những gì đang chờ đón Việt Nam ở phía trước cần được sự tài trợ lớn lao hơn".
Mỹ Hằng
Đại sứ Anh Robert Gordon: Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội sẽ góp phần để thực hiện ODA hiệu quả hơn.
Vấn đề hài hoà hoá thủ tục ODA rất quan trọng. Rất nhiều nhà tài trợ đang làm việc với Việt Nam, do vậy để điều chỉnh các yêu cầu, thể thức, thủ tục của các nhà tài trợ khác nhau là rất phức tạp. Chúng tôi đang cố gắng làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn bằng cách buộc các nhà tài trợ chúng tôi dựa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và sẽ sử dụng kế hoạch này trong tương lai như công cụ chính để chi ODA, điều đó cũng sẽ dễ dàng hơn cho các bạn khi nhận ODA, khi giải ngân, chi tiêu một cách hợp lý so với việc phải tuân thủ yêu cầu của hàng chục nhà tài trợ khác nhau như hiện nay.
Nói chung, tôi hài lòng về hiệu quả các dự án ODA của Anh ở VN. So sánh với các nước nhận viện trợ khác, ta sẽ thấy có nhiều khó khăn thách thức hơn trong việc sử dụng viện trợ hợp lý như ở Việt Nam. Các bạn đã dùng viện trợ để xây dựng đường sá, bệnh viện, trường học... Không phải ở nước nào viện trợ cũng được chi tiêu đúng mục đích như vậy. Còn những điều chưa hài lòng, theo tôi, không nhất thiết là do ý chí kém, lòng tin kém từ phía Chính phủ Việt Nam, mà có thể đơn giản chỉ là một số thách thức mà các bạn đang đối mặt, chẳng hạn như vấn đề nghèo đói đang tập trung ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh, vùng cao nguyên miền Trung hay ở phía bắc, do vậy rất khó thiết kế chương trình hoàn chỉnh để xoá đói giảm nghèo ở đó. Chúng tôi sẽ hợp tác với các bạn đưa ra những chương trình để đáp ứng các mục tiêu này. M.Y.U ghi |
|