Cân nhắc kế hoạch trả nợ khi vay tiêu dùng
Các Website khác - 12/10/2005

Mức sống được cải thiện, thu nhập tăng lên, người dân ngày càng có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm hay đi du lịch. Trong bối cảnh ấy, cho vay tiêu dùng là mảng tín dụng có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, người vay cũng được khuyến cáo nên tính toán cẩn thận để tránh rủi ro cho chính mình và cho ngân hàng.

Các ngân hàng nhận định, vay tiêu dùng là mảng tín dụng nhiều tiềm năng.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank), nhận định, trong những năm gần đây, mức tăng GDP bình quân hàng năm của VN thường giữ trên dưới 8%. GDP bình quân đầu người cũng liên tục tăng cao, từ 500 USD năm 2003 lên 550 USD năm ngoái và năm nay có thể lên tới gần 700 USD. Điều này cho thấy mức sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều và chất lượng cuộc sống đòi hỏi phải được nâng lên.

Ông Sơn phân tích, đối với người tiêu dùng, ngoài nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc thì thu nhập của người dân tăng sẽ là điều kiện để thúc đẩy tăng nhu cầu về chất lượng ở và đi lại. Chắc chắn nhu cầu về xe máy, ôtô và mua sắm trang thiết bị gia đình cũng sẽ tăng lên. Thêm vào đó, theo xu thế của thời đại, nhu cầu xây nhà đẹp, sửa chữa nhà cho khang trang, sạch đẹp và tiện nghi cũng sẽ cao hơn trước.

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIBank) Trịnh Thanh Bình, các khoản chi lớn thông thường cần đến sự hỗ trợ tín dụng. Hiện, các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ chưa sẵn sàng cấp tín dụng cho người mua hàng, do vậy nguồn tín dụng ngân hàng thường là sự lựa chọn đầu tiên. Theo ông Bình, trên thực tế, người tiêu dùng VN đã quen với việc vay vốn ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu của mình. "Thị trường vay tiêu dùng cá nhân là thị trường rộng lớn, điều quan trọng là ngân hàng có đáp ứng được hết các nhu cầu của khách hàng hay không và có giới thiệu được đến đúng đối tượng hay không", ông Bình nhận xét.

Dù có nhiều tiềm năng, các ngân hàng thừa nhận, cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Theo ông Lê Đắc Sơn, trước hết là các ngân hàng vẫn chưa có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ thu nhập của khách hàng cũng như chưa nắm được chuyện thay đổi công ăn việc làm hay chỗ ở của người đi vay. Thêm vào đó, thị trường bất động sản "sớm nắng, chiều mưa", nhu cầu bất động sản mang tính "ảo" nhiều hơn cũng là một nguyên nhân gây nhiều rủi ro cho ngân hàng khi cho vay mua nhà, đổi nhà... Trong những trường hợp khách hàng "xù" nợ hoặc không có tiền để trả, ngân hàng cũng không thể dùng "luật rừng" để đòi nợ. Thường thì ngân hàng chỉ có cách dựa vào pháp luật.

Về phía người đi vay, theo các ngân hàng, tín dụng cá nhân mang lại khá nhiều thuận lợi. Khách hàng sẽ có một khoản tiền lớn ngay lúc cần thiết để chi tiêu và hoàn trả dần từ thu nhập trong tương lai. Trong những trường hợp cần gấp thì lãi suất vay ngân hàng hợp lý hơn nhiều so với việc khách hàng phải vay "nóng" bên ngoài. Thời hạn cho vay và phương thức trả nợ linh hoạt căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng. Phương án xấu nhất đối với khách hàng chỉ xảy ra khi họ không trả được nợ cho ngân hàng nên phải "chia tay" với tài sản của mình. Tuy nhiên, nếu khách hàng thực hiện đúng những yêu cầu của ngân hàng và mua bảo hiểm đầy đủ theo khuyến nghị của ngân hàng thì rủi ro sẽ được hạn chế tối đa.

Hiện nay, nhìn chung điều kiện và thủ tục để có được khoản vay tiêu dùng cũng không quá phức tạp cho khách hàng. Họ chỉ cần xác minh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố, nơi có chi nhánh của ngân hàng mà họ định vay tiền hoạt động. Người vay chỉ cần xác nhận mức thu nhập hàng tháng ổn định và đảm bảo được khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn vay phải hợp lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng vẫn cảnh báo, để không rơi vào tình cảnh bị xiết nợ, khách hàng nên tính toán cẩn thận và lên phương án trả nợ trước khi tới vay ngân hàng. Theo ông Sơn, đối với một công chức bình thường thu nhập trung bình từ 1,5-3 triệu đồng/tháng thì tùy theo mức sống và tiêu dùng của mình, bình quân 1 tháng có thể tích lũy được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu mua nhà, hoặc mua ô tô với giá khoảng 500-600 triệu đồng, thì theo thời gian, với mức tích lũy chung của hai vợ chồng 2-3 triệu/tháng, có thể vay trả góp ngân hàng trong khoảng 25-30 năm.

Còn với nhu cầu đi du lịch, cưới hỏi với chi phí khoảng 20-30 triệu đồng, thì bằng thu nhập của mình, sau khi trừ chi tiêu hàng ngày, người vay có thể trả góp trong 1-2 năm. Với nhu cầu học tập trong nước khoảng 1,5-2 triệu/tháng (gồm cả ăn, ở trong điều kiện trung bình) thì sinh viên phải mất khoảng 80-120 triệu cho 4-5 năm học. Với mức vay như vậy, sinh viên cũng có thể trả ngân hàng sau 8-10 năm công tác sau khi ra trường, người nào giỏi có khi chỉ cần khoảng 3-5 năm.

Qua tìm hiểu của VnExpress, trên thực tế, nhiều khách hàng vẫn còn e ngại khi đến ngân hàng vay vốn tiêu dùng, mặc dù nhu cầu vốn lớn. Đặc biệt là các tiểu thương bán buôn, do thiếu tài sản thế chấp hoặc ngại thủ tục rườm rà nên đã nhờ đến "tín dụng đen", trong khi vẫn biết mức lãi suất cao hơn gấp nhiều lần. Một tiểu thương kinh doanh hàng vải ở chợ Bình Tây (TP HCM) tâm sự: "Tôi thấy đến ngân hàng cũng không có gì là khó khăn. Có tài sản thế chấp thì chắc chắn sẽ vay được tiền. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp là ở chỗ thời gian giải quyết hồ sơ lâu hay mau còn tùy thuộc các ngân hàng. Trong khi đó, những người buôn bán như chúng tôi để có được hàng rẻ, đẹp phải biết chụp lấy cơ hội nên đành phải nhờ đến tín dụng ''đen'' cho lẹ".

Chị Mai, tiểu thương chợ Hòa Bình, quận 5 cho biết, để chuẩn bị hàng bán Tết hầu hết các tiểu thương rất cần vốn dự trữ hàng. Năm ngoái, chị Mai cần vay 200 triệu đồng để mua thêm hàng quần áo nhập về từ Trung Quốc. Cần vốn, chị tìm đến một ngân hàng cổ phần trong quận để được vay vốn. Thế nhưng, sau khi trao đổi với nhân viên ngân hàng chị Mai phải ngậm ngùi cầm giấy tờ ra về. Lý do chủ yếu là giá trị tài sản của chị Mai (theo định giá ngân hàng) không đủ để vay được số tiền lớn trên. Cuối cùng, chị đành chọn giải pháp là vay nóng "tín dụng đen" với lãi suất cao.

Hà Vy - Nguyễn Thùy