Tại buổi tham vấn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 ngày 11/10, các đại biểu cho rằng, nếu không thay đổi tư duy lập kế hoạch, VN khó thoát khỏi nhóm nước nghèo nhất thế giới.
Theo ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN, 5 năm tới VN sẽ chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình, hoàn thiện công cuộc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường, trở thành thành viên chính thức của WTO. VN sẽ đứng trên nền móng kết quả xoá đói giảm nghèo rất ấn tượng và đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi lạc hậu nếu không giải quyết được bất bình đẳng, khoảng cách kinh tế giữa các vùng miền, không thống nhất được kế hoạch đầu tư đồng bộ hoặc đầu tư không dựa trên chất lượng.
Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 năm tới, VN vẫn phải phát triển theo chiều rộng, vì là nước đang phát triển. Tuy nhiên, chính ông Hà cũng cho rằng, ngân sách mới đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư. Kinh tế VN vẫn còn đối mặt với những vẫn đề chưa rõ ràng. Các khoản nợ quốc tế dù trong giới hạn cho phép, nhưng không rõ doanh nghiệp nợ bao nhiêu và doanh nghiệp Nhà nước nợ thì người dân chịu hậu quả đến đâu khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ với hàng loạt các chương trình đầu tư luôn kém hiệu quả.
![]() |
VN nên chọn lựa lĩnh vực đầu tư. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo các chuyên gia, một trong những điểm yếu của việc lập kế hoạch này là vẫn chưa thay đổi được tư duy nặng về bao cấp. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng VN, chỉ tiêu GDP đã được đưa ra từ những năm đầu của thập kỷ 90 vẫn được đưa ra để làm thước đo chính. Trong khi thế giới đã kết hợp nhiều chỉ số khác để đo chất lượng tăng trưởng. Theo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (VUSTA), đặt mục tiêu 5 năm tới thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD/năm cũng chỉ bằng Trung Quốc hiện nay. Nếu lấy Trung Quốc, Thái Lan làm mục tiêu thì VN mãi chỉ đi sau những quốc gia này.
Các chuyên gia cho rằng, việc lập kế hoạch còn chưa đưa ra được những cảnh báo cần thiết cho nền kinh tế thị trường trong xu thế nhiều biến động và cách xử lý ra sao. Ông Nguyễn Trần Dương, người từng công tác lâu năm trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cho rằng, các chuyên gia lập kế hoạch vẫn chưa cập nhật được những dự báo về nền kinh tế mới. Trong khi các nền kinh tế mới của thế giới đang phát triển hướng mạnh sang phân đoạn thị trường, đầu tư ưu tiên chỉ một vài lĩnh vực, thì VN vẫn lập kế hoạch đầu tư tất cả các lĩnh vực.
Theo ông Phạm Bích San, Phó tổng thư ký VUSTA, định hướng thị trường cũng là vấn đề chưa được thể hiện rõ ràng trong bản kế hoạch. "Nhìn vào bản kế hoạch, các hướng phát triển thị trường được thể hiện hoàn toàn không rõ đã có căn cứ nào về thị trường hay chưa, từ phát triển hệ thống sân bay, cảng biển cho đến các lĩnh vực khác", ông San nhận xét. Quan điểm này đã được nhiều nhà khoa học đồng tình khi nhận xét về cách thức xây dựng kế hoạch, vẫn mang dánh dấp tịnh tiến những mục tiêu và chỉ tiêu đã có trước kia sang một thời kỳ mới với một mức gia tăng nhất định về tỷ lệ phần trăm.
(Theo Tiền Phong, Tuổi Trẻ)
▪ Tin kinh tế ngày 12.10 (12/10/2005)
▪ DN FDI được tự xây dựng thang lương, bảng lương (12/10/2005)
▪ Rừng tăng, chất lượng giảm (12/10/2005)
▪ "Ăn vạ" Chính phủ (12/10/2005)
▪ Quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp phá sản (12/10/2005)
▪ TP HCM tìm được vốn cho cơ sở hạ tầng (12/10/2005)
▪ Tiếp tục ưu đãi cho doanh nghiệp xăng dầu (12/10/2005)
▪ Việt Nam cần thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia (11/10/2005)
▪ Sản lượng càphê chỉ đạt từ 600.000- 650.000 tấn (11/10/2005)
▪ Hội thảo tiếp thị điểm đến du lịch - kinh nghiệm từ Hoa Kỳ (11/10/2005)