Công nghiệp mũi nhọn chưa biết hướng về đâu
Các Website khác - 09/09/2005

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo "Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2006-2010" trong hai ngày 7-8/9 vừa qua có chung một ý kiến rằng VN vẫn còn rất lúng túng trong việc xác định những ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung phát triển trong 5 năm tới.

VN vẫn còn lúng túng trong việc xác định ngành công nghiệp mũi nhọn.

Nội dung của bản dự thảo kế hoạch bao gồm hai phần chính: "Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005" và "Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010". Nội dung thứ hai thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các đại biểu cả trong nước và quốc tế. Các ý kiến phần lớn đều cho rằng, dự thảo còn quá chung chung và còn nhiều điểm mơ hồ về mục tiêu kinh tế xã hội trong 5 năm tới, đặc biệt là chưa nêu bật ra được những ngành mà VN muốn giành ưu tiên phát triển.

Bà Phạm Chi Lan, thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, 5 năm tới là thời điểm rất quan trọng của nền kinh tế VN, bởi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phải mở cửa thị trường và thực hiện các cam kết quốc tế. Từ năm 2006, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) sẽ hoàn thành cơ bản, các cam kết ASEAN với Trung Quốc, ASEAN với Nhật Bản cũng đã bắt đầu được thực hiện. Bà Lan cho rằng, bản kế hoạch phải phân tích rõ hơn bối cảnh đó để biết có những cơ cấu kinh tế nào đã hình thành trong khu vực. Từ đó, biết VN sẽ có vị trí như thế nào và xác định được ngành nào là then chốt để phát triển.

Quan điểm trên của bà Lan cũng được ông Kenichi Ohno, đại diện của Diễn đàn phát triển VN (VDF) chia sẻ. Ông cho rằng, dự thảo kế hoạch phát triển lần này nêu ra một số ngành công nghiệp cụ thể, song vẫn chưa xác định rõ được tầm quan trọng của những ngành đó. "Các ngành này có phải là "các ngành công nghiệp mũi nhọn" cần được thúc đẩy nhiều hơn hay không? Hay bản kế hoạch chỉ bàn đến các ngành công nghiệp một cách ngẫu nhiên mà không ngầm chỉ một sự thúc đẩy đặc biệt nào", ông Kenichi băn khoăn.

Kế hoạch 5 năm trước đưa ra 11 ngành, trong đó các ngành chế biến thực phẩm, may mặc và điện tử đứng đầu danh sách. Kế hoạch lần này đưa ra 14 ngành, bắt đầu là ngành điện, than, dầu khí, thép, khai khoáng, xi măng, giấy... Theo bà Lan, điều này cho thấy, trong 5 năm tới VN sẽ coi trọng công nghiệp nặng hơn công nghiệp nhẹ, mà đây lại không phải là lĩnh vực mà VN có lợi thế cạnh tranh so với khu vực. Hơn nữa, công nghiệp nặng lại là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài.

Theo bà Lan, nên xem xét tình hình thực tế trong khu vực trước, sau đó mới đặt chỉ tiêu cho mình. "Tôi cho rằng không phải cứ mặt hàng nào mà VN cần thì phải sản xuất cho đủ, chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu để bù đắp sự chênh lệch đấy. Chẳng hạn như xi măng, hiện nay mặt hàng này nhập khẩu từ Thái Lan rẻ hơn rất nhiều so với việc VN tự sản xuất trong nước".

Đồng tình với quan điểm này, ông Miura Yuji đến từ Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nhật Bản cũng cho rằng, VN cần xác định rõ lợi thế cạnh tranh để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. "Trong những năm tới, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở nên quyết liệt hơn, việc tăng cường năng lực cạnh tranh đang trở thành chính sách quan trọng. Tuy nhiên, tôi không nhìn thấy những chiến lược cụ thể của VN đối với vấn đề này trong bản kế hoạch. Thái Lan nhắm đến một Detroit (sản xuất xe hơi) của Đông Á, Singapore nhắm đến một trung tâm về ngân hàng, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Còn VN thì lại chưa tự đánh giá lợi thế so sánh của mình như thế nào và muốn hướng đến đâu", ông Miura nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, muốn biết được lợi thế so sánh của VN thì phải xác định đúng vị trí của VN. Tuy nhiên, vị trí này phải được xem xét trong tương quan không chỉ VN ngày nay so với trước đây mà còn với các nước trong khu vực, những quốc gia từng có xuất phát điểm và bối cảnh giống VN. Những tiêu chí để so sánh sẽ là năng lực cạnh tranh, độ mở của nền kinh tế, mức độ ổn định chính trị, tính bền vững của môi trường, chỉ số phát triển con người, mức độ tham nhũng...

Theo nhận định của ông Huỳnh, nền kinh tế của VN phát triển chưa hiệu quả và bền vững. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là sự lúng túng trong vấn đề xác định ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như xác định lợi thế cạnh tranh. Một số chuyên gia cho rằng, với số vốn và mức đầu tư như hiện nay, nền kinh tế VN phải tăng trưởng ở mức 10-11%/năm, và tốc độ này phải duy trì ít nhất 10-15 năm.

Hà Vy