Doanh nghiệp điện tử nhắm đến thị trường LCD
Các Website khác - 10/03/2006

Ngay khi quyết định giảm thuế suất nhập khẩu linh kiện điện tử được công bố, nhiều đại gia lớn trong lĩnh vực này đã đánh tiếng sẽ rót thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt là sản phẩm màn hình LCD. 3 ngày sau khi văn bản mới chính thức có hiệu lực (kể từ 7/3), hàng loạt tivi loại này tụt giá rất mạnh.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng kinh doanh Công ty LG - MECA ElectronicsMegaz cho biết, sau lần giảm thuế đầu tiên từ cuối năm ngoái, thị trường điện tử nói chung vẫn khá trầm lắng. Theo ông Kiên, các nhà sản xuất điện tử đang phải chịu nhiều áp lực như giá nguyên liệu tiếp tục tăng trong khi giá bán lại không thể tăng theo. Duy chỉ có các mặt hàng chất lượng cao như LCD, Plasma... giá cả các nhãn hiệu đang theo chân nhau giảm từng ngày.

Tivi ngày càng giảm giá, vừa túi tiền của người tiêu dùng. Ảnh: P.A.

Tại các trung tâm kinh doanh điện máy TP HCM, giá tivi LCD của tất cả hãng sản xuất đều đang giảm đến hơn một nửa so với 4 tháng trước đây. Đơn cử như chiếc LCD 37 inchs của hãng Sharp năm ngoái có giá hơn 140 triệu đồng/chiếc thì nay đã rớt xuống mức 65 triệu đồng, tương đương với giá giữa năm 2005 của chiếc LCD 29 inchs cũng của Sharp. Chiếc LCD DLP 56 inchs của Samsung được xem là tivi màn hình phẳng lớn nhất hiện nay, đã tụt từ gần 90 triệu đồng/chiếc xuống còn 49 triệu đồng, cộng thêm khuyến mãi một đầu máy DVD.

Theo giới kinh doanh điện tử, giá LCD rớt mạnh là do các nhà sản xuất cạnh tranh nhau, nhất là sau khi tivi LCD Bravia do Sony sản xuất được tung ra thị trường. Đại diện các trung tâm điện máy cho rằng, giá cả màn hình LCD đã đến gần hơn với tầm tay người tiêu dùng và sẽ ngày càng có xu hướng giảm giá hơn nữa.

Sản xuất LCD tại Việt Nam

Đánh giá những động thái thị trường trong nước, giới kinh doanh cho rằng, LCD đang ngày càng lấn lướt các loại hình tivi truyền thống CRT, nhất là ở những kích cỡ dưới 40 inchs nhờ các ưu điểm nổi bật về chất lượng như độ sáng, rõ nét, trung thực màu, tương phản cao... Theo dự báo của Hiệp hội tin học điện tử Việt Nam, có khả năng thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 30.000-40.000 chiếc tivi LCD trong năm 2006, tức gấp 20 lần so với năm trước. Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường năm 2005 cho thấy, cả nước mới tiêu thụ được khoảng 2.000 chiếc tivi LCD các nhãn hiệu.

Sự phát triển của thị trường LCD cũng chính là lý do để các nhà sản xuất điện tử tính đến việc sản xuất màn hình phẳng trong nước nhằm làm giảm hơn nữa giá thành sản phẩm. Sự kiện biểu thuế nhập khẩu linh kiện điện tử mới đang ra mức thuế giảm còn 5% cho các loại bóng đèn hình LCD, đã giúp nhà sản xuất mạnh dạn hơn trong quyết định lắp ráp LCD tại Việt Nam.

Các trung tâm kinh doanh hàng điện máy vẫn tăng cường chương trình khuyến mãi mua sắm hàng. Ảnh: P.A.

Khi chiếc Bravia được tung ra thị trường Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, Công ty Sony chỉ mới lắp ráp loại màn hình 20 inchs ở trong nước, những kích cỡ lớn hơn phải nhập nguyên chiếc từ Malaysia và Nhật Bản. Nhưng dự kiến tháng 6 năm nay, hãng này sẽ lắp ráp luôn tại chỗ cho các kích cỡ Bravia đến 40 inchs. Đại diện công ty này thừa nhận rằng, nếu không có quy định giảm thuế nhập khẩu linh kiện kịp thời thì chắc chắc hãng sẽ ngưng việc lắp ráp Bravia trong nước, do chi phí nhập linh kiện quá cao.

Hãng Samsung cũng đang dự tính xây dựng một nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Việt Nam, bởi lý do giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tập đoàn này cũng vừa ra mắt chiếc tivi LCD SyncMaster 204B, được giới điện tử xem là chưa có đối thủ về tỷ lệ tương phản, độ sáng màn hình, độ phân giải hình ảnh...

Các công ty trong nước cũng không đứng ngoài cuộc chơi LCD. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Công ty điện tử Tân Bình (VTB) cho biết, công ty này đang tập trung vào việc sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD. Các công ty Minh Việt, Mitsustar đưa ra những sản phẩm chất lượng cao như MVision, bộ Tam tấu dòng H... có góc nhìn rộng, độ phân giải cao, cho phép tiếp nhận các kênh truyền hình HDTV 720p...

Song, theo ông Kỳ, dù các nhà sản xuất nội địa đã cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng ngày càng hiện đại và nhiều tiện ích, cuộc chơi thị trường vẫn thuộc về các thương hiệu đa quốc gia như Sony, Samsung, LG, Panasonic, Sharp... là chính, nhờ lợi thế về vốn, công nghệ, uy tín thương hiệu và cả sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ.

Xu hướng giá sắp tới chưa rõ ràng

Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm điện máy Lộc Lê tại TP HCM Đinh Văn Lăng cho biết, đến giờ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào về biểu giá mới cho quý 2 của các nhà sản xuất điện tử, song với thông tin ngoài luồng về việc chuẩn bị giảm giá đã xuất hiện. Có tin hầu hết các nhà sản xuất điện tử sẽ giảm giá 5-10% cho một số sản phẩm, bắt đầu từ tháng 4.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ cũng cho biết, VTB đang cân nhắc việc áp dụng giá bán mới giảm 10-15% mức giá hiện tại. "Việc tăng giá trong bối cảnh hiện tại là không có cơ sở do đang vào mùa kinh doanh thấp điểm, nhiều hãng sản xuất cầm chừng hoặc phải cắt giảm nhân viên do lượng hàng tồn kho lớn", ông Kỳ nói.

Trong khi đó, LG tuyên bố sẽ niêm yết giá bán mới bắt đầu từ ngày 25/3, tăng cao hơn 10-15% so với giá đang áp dụng. Lý do của quyết định tăng giá này được ông Nguyễn Trung Kiên giải thích là do giá nguyên liệu đầu vào như nhôm, đồng đến nay đã tăng trên 30%. Giới kinh doanh điện máy cho rằng, LG chuẩn bị tăng giá bán để đón đầu sự kiện Worldcup.

Phan Anh - Hồng Anh