Đổi mới không chỉ là chuyển đổi kinh tế
Các Website khác - 16/12/2005

“VN cần khuyến khích sự tham gia của công chúng trong quá trình ra quyết định và chuyển từ khái niệm Nhà nước pháp trị sang Nhà nước pháp quyền” - đây là thông điệp mà ông Jordan Ryan, đại diện thường trú UNDP, gửi tới Chính phủ VN trước khi tạm biệt sang nhận công tác mới tại Liberia.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Ninh Bình.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Báo Ninh Bình.

Hôm qua 15/12, tại Hà Nội, ông Ryan và bà đại sứ Thụy Điển Anna Lindstedt đã khai mạc hội thảo bàn tròn cao cấp lần thứ ba trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tổng kết 20 năm đổi mới ở VN” do UNDP, Viện Khoa học xã hội VN và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức.

Theo ông Ryan, VN đã thực hiện ba giai đoạn chuyển đổi trong khoảng thời gian 30 năm qua. Đó là chuyển từ thời chiến sang thời bình, chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường và nay đang chuyển từ nước có mức thu nhập thấp sang nước có mức thu nhập trung bình trong giai đoạn 5 năm tới.

Tuy nhiên, ông Jordan Ryan cùng nhiều học giả tại hội thảo khẳng định đổi mới không bao giờ chỉ đơn thuần là quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mà quan trọng hơn là “tiến hành thay đổi dần dần từng bước về vai trò của chính phủ và mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội”.

Tiến sỹ Joern Dosch, chuyên gia Đông Nam Á của Đại học Leeds (Anh), cũng nhận định, hơn bao giờ hết người dân tại VN đang trông chờ Chính phủ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi giới, mọi cấp. Theo ông, việc cải thiện năng lực quản trị của Chính phủ sẽ là thách thức lớn của VN, tuy nhiên VN có thể làm được điều này mà không cần viện tới những thay đổi lớn trong hệ thống chính trị hoặc các cuộc “cải tổ sau một đêm”.

“Theo tôi, nhiệm vụ trọng yếu của chính phủ tại VN hiện nay là chống tham nhũng bằng hành động. Nếu giảm được tham nhũng, VN sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều trong mắt các nhà đầu tư và sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn”, ông Dosch nói.

Bình luận về tốc độ của cải cách, ông nhấn mạnh, không nên quá sốt ruột khi so sánh đổi mới của VN với tốc độ cải cách của các nước láng giềng. Bài học thực tế có thể rút ra từ cuộc cải cách ở Trung Quốc: Cải cách diễn ra nhanh và nóng, kết quả là những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải phát triển vượt bậc trong khi vùng thôn quê vẫn nghèo đói, lạc hậu.

“Tôi tin cuộc cải cách tiến hành dần dần từng bước tốt hơn cho VN. Mặc dù bình đẳng tuyệt đối là điều không thể, VN cần đảm bảo 80 triệu dân đều được hưởng lợi từ công cuộc đổi mới của mình”, ông Dosch chia sẻ.

Ông Hà Huy Thành, Phó giám đốc Viện Kinh tế cho biết, nhiều công trình nghiên cứu lý luận đã được triển khai thời gian qua và có tác động lớn đối với các nhà thiết kế chính sách. Các nghiên cứu lý luận cơ bản về thể chế kinh tế thị trường và các thành phần kinh tế tại VN đã giúp ra đời các nghị quyết về thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Theo ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, có nhiều vấn đề liên quan tới tiến trình đổi mới cần thảo luận sâu rộng thêm, chẳng hạn việc thừa nhận sức lao động là hàng hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

“Các học giả trong và ngoài nước không nhất thiết phải có chung quan điểm. Theo tôi, điều cần thiết là có cuộc tranh luận thẳng thắn và cởi mở. Việc chia sẻ các quan điểm khác nhau có vai trò quan trọng trong con đường phát triển của VN”, ông Pincus nhấn mạnh.

Tiến sỹ Dosch cũng cho rằng VN đang đi trên con đường riêng với mô hình phát triển hiện tại. “Đây là một cuộc thử nghiệm lớn lao. Nhưng những kết quả đạt được đến bây giờ là tích cực. Mười năm trước tôi chắc là không ai nói thoải mái và rộng rãi về các vấn đề dân chủ, thể chế chính trị như hiện giờ. Tôi đọc trên báo chí quốc tế hằng ngày nhiều bài viết khen ngợi VN, rằng VN đang có những cải cách nhanh chóng với nhịp độ thích hợp”, ông nói.

(Theo Tuổi Trẻ)