Đón đầu sức mua tăng cao
Các Website khác - 16/01/2006
Bất chấp giá cả biến động, mức chi tiêu bình quân đầu người của Việt Nam năm 2005 vẫn đạt hơn 477 nghìn đồng/tháng, tăng khoảng 100 nghìn đồng/tháng so với năm 2004. Dự báo mức chi tiêu của người dân sẽ còn tăng hơn trong năm 2006.
Biết trước nhưng vẫn bất ngờ

Hiện nay không khí mua sắm chuẩn bị Tết Bính Tuất đang rất nhộn nhịp, từ siêu thị, trung tâm mua sắm cho đến các đường phố. Ở Citi Plaza (quận 1, TPHCM), lượng khách đến mua sắm tính từ Tết Dương lịch 2006 đến nay ước bình quân khoảng 10 nghìn lượt người/ngày, tăng hơn gấp đôi so với bình thường. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh của Citi Plaza, nói: “Dù đã dự đoán sức mua trước Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ vì sức tăng khá cao. Nhiều mặt hàng như bánh kẹo, thực phẩm chế biến đã dự trù nhiều hơn 30-70% so với năm ngoái nhưng hiện tại phải gấp rút đặt hàng bổ sung”.

Ở Trung tâm Thời trang Zen Plaza (quận 1, TPHCM), lượng khách đến mua sắm cũng làm bất ngờ những người quản lý ở đây. Bà Triệu Thị Hương Giang, Phó tổng giám đốc Zen Plaza, cho biết: “Phần lớn khách đến trung tâm này là khách du lịch, cả khách quốc tế lẫn khách từ các địa phương trong nước. Trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch vừa qua, ước tính có đến 18 nghìn lượt khách/ngày trong khi bình thường chỉ khoảng 6.000 lượt khách/ngày”.

Ngay cả với các mặt hàng điện tử, điện máy, tưởng chừng như sức mua sẽ chựng lại nhằm chờ việc giảm giá trong năm 2006 do Việt Nam phải giảm thuế để thực hiện AFTA. Thế nhưng sức mua vẫn tăng trong các tháng vừa qua. Theo Trung tâm Mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim, thị trường điện tử mùa mua sắm Tết đã khởi động từ giữa tháng 11 đến nay. Thực ra sức mua có chậm lại trong tháng 12 nhưng đang tăng dần trở lại. Nhiều mặt hàng đã giảm giá 20-40% và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Mức chi tiêu ngày càng cao

Sức mua tăng không chỉ vào dịp lễ, Tết mà tính chung cả năm 2005 mức chi tiêu của người dân cũng tăng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2005 đạt 475.380 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm trước. Nếu chia cho 83 triệu dân, tính ra mức chi tiêu bình quân đầu người khoảng 477.289 đồng/tháng, tăng khoảng 100 nghìn đồng/tháng so với năm 2004.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình rằng sức mua của người dân năm 2005 tăng mạnh. Bà Triệu Thị Hương Giang nhận xét: “Sức mua có tăng hay không rất dễ quan sát ở ngành hàng thời trang bởi thông thường những biến động về giá cả thị trường nói chung ít ảnh hưởng đến ngành này. Lý do là hàng thời trang liên tục thay đổi mẫu mã, không những không tăng theo biến động giá mà còn phải giảm giá theo sự “đề mốt” của sản phẩm. Do đó, khi doanh số tăng thì chủ yếu là do sức mua tăng chứ ít khi do giá bán tăng”.

Theo khảo sát của bà Giang, giá trị mua hàng trung bình tại Zen Plaza trong năm 2005 khoảng 400 nghìn đồng/hóa đơn, trong khi mức trung bình của năm ngoái là 300 nghìn đồng/hóa đơn. Số khách hàng mua sắm với hóa đơn vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng, cũng tăng mạnh so với năm 2004.

Ở Citi Plaza, theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, lượng khách bình quân trong năm đã tăng khoảng 50% so với năm trước, khoảng 3.000 lượt người mỗi ngày. Giá trị trung bình một hóa đơn mua hàng của khách năm 2005 vào khoảng 300 nghìn đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Số khách đi theo dạng gia đình mua sắm cuối tuần cũng phổ biến hơn và hóa đơn mua hàng trung bình khoảng 800 nghìn đồng.

Nếu loại trừ biến động giá, sức mua chỉ tăng 12%

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, nếu loại trừ yếu tố do giá cả tăng thì mức tăng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2005 chỉ còn tăng khoảng 12%, thay vì 20,5% như đề cập ở phần trên.

Quả thật, năm 2005 thị trường trong nước chịu tác động mạnh của việc tăng giá do hầu hết các loại vật tư, nguyên liệu sản xuất đều phải nhập khẩu với mức giá khá cao như xăng dầu, phân bón, chất dẻo, clinker... Thêm vào đó tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài, tiếp theo là bão lũ, lở đất cùng với dịch cúm gia cầm tái phát và diễn biến phức tạp đã khiến chi phí sản xuất tăng, tạo ra sức ép tăng giá bán.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Daso Group, cho biết mặt bằng giá chung của cả ngành hàng hóa mỹ phẩm hiện đã nhích lên từ 10-20% so với trước tùy theo sức chịu đựng của doanh nghiệp đối với chi phí đầu vào. Theo ông Hòa, chi phí nguyên liệu trong năm đã tăng 30-40%, bao bì nhựa tăng 50%... Doanh nghiệp không thể tăng giá bán tương ứng, đành chấp nhận doanh thu không tăng cao, khiến thu nhập của công nhân cũng không thể tăng nhiều. Vì vậy, sức mua của xã hội cũng bị ảnh hưởng. Bình quân thu nhập của người lao động tại Daso Group trong năm chỉ tăng khoảng 10% nhân đợt điều chỉnh lương của Nhà nước năm qua.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn thì với việc sức mua tăng 12% trong năm qua cho thấy vẫn có không ít cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết khai thác tốt nhu cầu thị trường.

Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist là một ví dụ. Doanh thu năm 2005 của công ty đạt 397 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2004. Mức tăng này, theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc công ty, chủ yếu là do lượng du khách tăng và loại hình dịch vụ cao cấp cũng được sử dụng nhiều hơn.

Với Công ty Thời trang Việt (nhãn hiệu Nino Maxx), ông Mai Khắc Tĩnh, Giám đốc điều hành, cho biết trong năm 2005 công ty đã mở thêm hàng loạt cửa hàng ở nhiều địa phương, mà qua thăm dò cho thấy mức sống của người dân ở đó đã khá lên và nhu cầu đối với sản phẩm thời trang cũng nhiều hơn.

Tương tự, ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô, cho biết năm qua công ty đầu tư nhiều hơn cho dòng sản phẩm bánh cao cấp. Thực tế kinh doanh trong năm, cụ thể như mùa bánh trung thu năm 2005, cho thấy người tiêu dùng ngày càng yêu cầu chất lượng và giá trị sản phẩm cao hơn trước.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn