Nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường TP HCM hiện đắt đỏ chưa từng thấy. Giá rau củ, quả đều tăng trên 3.000 đồng/kg. Cà chua 11.000 đồng/kg, khoai tây 13.000 đồng... Trong khi đó, giá thịt gà giảm 10.000 đồng/kg.
Chưa bao giờ giá rau quả trên địa bàn thành phố tăng cao như hiện nay. |
Khảo sát của VnExpress cho thấy, tại các chợ sỉ và lẻ trên địa bàn trong mấy ngày qua, giá rau quả tăng rất mạnh. Trong khi đó, nguồn hàng về các chợ đầu mối không giảm, thậm chí tổng sản lượng còn tăng trên 150 tấn/đêm.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM) cho biết, lượng hàng nông sản về chợ đầu mối Thủ Đức hiện nay là 1.600 tấn/đêm, trong khi tháng trước chỉ trên dưới 1.400 tấn. Nhưng giá hàng hóa bắt đầu nhích lên do tác động bởi dịch cúm gia cầm tái phát cộng với chi phí vận chuyển tăng vào mùa cuối năm. Cụ thể, giá bán sỉ đối với các mặt hàng tại chợ đầu mối đều tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg. "Giá tại chợ đầu mối tăng như vậy thì chắc chắn giá bán ra tại các chợ lẻ còn cao hơn. Hàng hóa được phân bổ xuống chợ lẻ là những nơi nằm ở trung tâm thành phố nên giá càng đắt đỏ hơn, vì chi phí xăng dầu...", bà Hà nhấn mạnh.
Tại chợ Hòa Bình, quận 5, cà chua loại ngon nhất, giá trên 10.000 đồng/kg so với tuần trước chỉ ở tầm 7.000-8.000 đồng/kg. Đậu que, cải xanh, cải ngọt... giá đều tăng từ 2.000 đồng đến 3.500 đồng/kg, thậm chí mặt hàng rau muống được xem là rẻ nhất trong tất cả các loại rau tươi nay lên đến 2.500 đồng/bó. Bắp cải từ Đà Lạt, các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ chuyển về cũng đội giá, tăng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng đậu Hà Lan mức giá bán ra trong tuần trước là 78.000 đồng/kg nay lên 85.000 đồng. Tuy nhiên, theo Ban quản lý các chợ sỉ, lẻ giá bán của những mặt hàng trên sẽ tiếp tục đội tăng cho đến khi nào dịch cúm gia cầm tạm lắng.
Theo các tiểu thương, giá rau quả tăng mạnh là do thời tiết đang chuyển đổi từ mùa mưa sang mùa nắng. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm tái phát, trứng, thịt gà, vịt đều được các bà nội trợ tẩy chay nhưng ngược lại mức tiêu thụ nông sản tăng mạnh. Bà Nguyễn Thị Phương An, một tiểu thương kinh doanh hàng rau cải ở chợ Nancy, quận 5 giải thích, những tháng giáp tết Nguyên Đán, sức tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố bao giờ cũng cao hơn so với những tháng trước đó. Họ thường dùng rau quả để thay thế nguồn thực phẩm nhiều chất dầu mỡ. Mặt khác, khi dịch cúm gia cầm tái phát, người dân không ăn thịt, trứng gà. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá rau, củ, quả tăng mạnh.
Trong khi đó, giá các nguồn thực phẩm khác (thịt lợn, cá) chỉ tăng nhẹ. Đại diện Ban quản lý chợ Hòa Bình cho biết: "Không như trước đây khi thịt gà giảm giá người tiêu dùng chuyển sang mua thịt lợn, cá biển, cá đồng thay thế thịt gà. Mặt hàng rau, quả tươi có tăng giá nhưng không cao như hiện nay. So đi tính lại mua thịt, cá còn dễ hơn khi chọn rau quả".
Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết, sức mua thịt lợn tại chợ đầu mối Phạm Văn Hai tăng hơn so với những tháng trước đây. Lượng hàng về chợ khoảng 150 tấn/đêm. Giá thu vào tại các trang trại cũng nhích lên khoảng 500-1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán ra (kể cả sỉ và lẻ) đều giữ nguyên. Cụ thể, thịt lợn sỉ loại ngon nhất hiện nay là 25.500 đồng/kg và 18.000 đồng/kg đối với thịt loại thường. Thịt lợn nạc bán lẻ là 40.000 đồng/kg, thịt đùi 37.000 đồng/kg và 35.000 đồng/kg đối với thịt ba rọi. Các loại cá biển, cá đồng bán ra ở chợ Hòa Bình, chợ Thị Nghè vẫn giữ mức cũ. Cá rô 38.000-40.000 đồng/kg, điêu hồng 25.000 đồng/kg...
Giá rau củ, quả tươi tăng, thịt lợn, cá đồng, cá biển đứng giá thì đáng chú ý nhất trong thời gian này là thịt gà giảm mạnh. "Không những mức tiêu thụ thịt gà giảm mà giá bán cũng tụt xuống rất nhanh trong những ngày qua khi nạn dịch cúm gia cầm tái phát. Hiện mức tiêu thụ thịt gà tại chợ Phạm Văn Hai trung bình chỉ 40-50 con/ngày so với tháng trước là 1.500 con/ngày. Giá bán giảm trên 10.000 đồng/kg. Trứng gà, vịt giảm 500-1.000 đồng/quả", ông Trang nói. Theo ông, trong thời gian tới, chắc chắn các tiểu thương kinh doanh thịt, trứng gà, vịt phải tạm ngưng hoạt động, vì không tiêu thụ được. Người tiêu dùng luôn phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Trao đổi với VnExpress, Phó phòng kinh doanh Citimart (Nguyễn Trãi - TP HCM) Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, sức tiêu thụ thịt gà trong mấy ngày nay giảm trên dưới 50% so với trước khi dịch cúm tái phát. Số hàng siêu thị nhập kho trước khi dịch cúm xảy ra vẫn còn nguyên trên kệ. "Citimart sẽ không nhập thêm thịt, trứng gà, vịt cho đến khi bán hết hàng. Số hàng tồn kho và không tiêu thụ được sẽ trả về cho nhà cung cấp trước khi hết hạn dùng. Tuy khách hàng vẫn biết, thịt gà, vịt đưa vào hệ thống các siêu thị là đã được kiểm tra rất chặt chẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn không mấy ai mua", ông Tuấn nói.
Nguyễn Thùy
▪ Huỷ bỏ một số khoản chi khỏi mục lục ngân sách nhà nước (25/10/2005)
▪ Tháng 11: Xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kế hoạch cả năm (25/10/2005)
▪ MobiFone cần tôn trọng khách hàng (25/10/2005)
▪ Ba thách thức lớn với con tôm Việt Nam (25/10/2005)
▪ Phú Yên: Giảm giá 10 - 20% đất bán cho cán bộ công nhân viên (26/10/2005)
▪ Tổ chức Diễn đàn năng suất chất lượng lần thứ 10 (26/10/2005)
▪ Tin "vịt" thắng thế! (25/10/2005)
▪ Lỗi từ đâu? (26/10/2005)
▪ Lỗi từ đâu? (26/10/2005)
▪ DN có quyền tự xây dựng thang, bảng lương? (26/10/2005)