Giày da VN lo lắng nếu bị áp thuế chống bán phá giá
Các Website khác - 23/02/2006

Theo một nguồn tin có thẩm quyền của VnExpress, mức thuế chống bán phá giá mà Ủy ban châu Âu (EC) dự tính áp đối với giày da của Việt Nam là 16,8% chứ không phải là 20% như tin đã đưa. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện như ngồi trên đống lửa dù mức thuế trên vẫn chưa chính thức được thông qua.

Việc áp dụng sẽ được tiến hành theo lộ trình 4 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 7/4 với 4,2% và kết thúc vào khoảng tháng 9 với mức 16,8%. Đây sẽ là mức thuế tạm thời áp dụng trong thời gian 6 tháng, và sau đó có thể sẽ được duy trì trong vòng 5 năm nếu không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mức thuế mà EC đưa ra và sẽ phải chờ để được 25 nước thành viên EU thông qua. Cho đến thời điểm này, ít nhất đã có 3 nước đồng ý với mức thuế dự tính trên.

Nguồn tin trên cũng cho biết, từ ngày 14 đến 16/3 tới, đại diện của phía Việt Nam và EC sẽ gặp nhau để thảo luận về mức thuế trên.

Cho tới thời điểm này, các quan chức của Bộ Thương mại Việt Nam vẫn chưa có bình luận nào chính thức. Tuy nhiên, trước những thông tin trên, nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra rất hoang mang và lo lắng.

Đại diện một doanh nghiệp bị điều tra bán phá giá ở miền Bắc cho biết, mặc dù chưa nhận được thông tin chính thức nhưng doanh nghiệp rất lo bởi nếu bị áp thuế, việc thâm nhập vào EU sẽ rất khó khăn. Thời gian qua, tuy vụ kiện chưa kết thúc các doanh nghiệp Việt Nam đã mất rất nhiều đơn hàng từ châu Âu. Hiện tại, có doanh nghiệp đã bị sụt giảm tới 50% đơn hàng.

Nếu EC áp thuế 16,8%, giày dép VN sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường EU. Ảnh: T.V.

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Chánh văn phòng Hiệp hội Da giày TP HCM (SLA) cho biết, 16,8% là quá cao so với mức thuế hiện nay chỉ có 4%. Với mức thuế này da giày VN không thể cạnh tranh được với hàng của nhiều nước khác trên thị trường EU chứ không riêng gì sản phẩm giày da Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý là hàng của Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan. Hiện mức thuế nhập khẩu da giày VN vào EU đều ngang bằng với các quốc gia này. Tuy nhiên, nếu EU áp dụng mức thuế chống bán phá giá như trên, chắc chắn sản phẩm của VN không thể cạnh tranh được bởi các nước trên có lợi thế là nguyên liệu chất lượng cao hơn và giá rẻ hơn.

Theo ông Khánh, nếu EC áp thuế chống bán phá giá cho da giày VN là 16,8% thì mức thuế của Trung Quốc phải gần 40% bởi biên độ bán phá giá của giày da Trung Quốc cao gần gấp đôi so với VN. Như vậy, hàng VN sẽ phần nào loại bỏ được áp lực cạnh tranh của một đối thủ lớn là Trung Quốc. Lúc đó, các đối tác nhập hàng của EU sẽ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN, nhằm hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn. "Trên thực tế hiện nay điều đó đã xảy ra. Nhưng do thông thường đến tháng 2, 3 hàng năm đơn hàng của doanh nghiệp ít hơn so với các mùa khác trong năm. Vì thế, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngành giày đang rơi vào thế bị động, không đơn hàng nhưng phải trang trải chi phí và thu nhập của công nhân", ông Khánh cho biết.

Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giày Liên Anh - Trương Thị Thúy Liên cũng cho biết, hiện các đối tác vẫn chưa quyết định ký đơn hàng. Họ cho rằng, phải đến lúc nào chính thức có kết quả vụ kiện mới bắt đầu tính đến phương án ký hợp đồng. Liên Anh đã phải chuyển sang làm hàng giả da để xuất vào thị trường EU, tuy nhiên, điều này đã làm giảm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp.

Chiều qua Hiệp hội da giày TP HCM (SLA) đã họp với các doanh nghiệp thành viên để bàn về các biện pháp để tìm ra hướng đi mới cho ngành da giày VN. Theo SLA, sắp tới sẽ phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) để mở showroom trưng bày hàng mẫu, nhằm giới thiệu đến khác hàng ở các nước khác ngoài EU. Qua đó, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, đồng thời làm những đơn hàng giày giả da vào EU. Bởi hiện tại, EU chỉ kiện bán phá giá đối với những sản phẩm giày da của VN.

Tuy nhiên, SLA cũng đưa ra khuyến cáo nếu doanh nghiệp xuất các mặt hàng giả da vào EU một cách ồ ạt và không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng thì hậu quả sẽ khó lường.

Hà Vy - Nguyễn Thùy

Theo dòng sự kiện:
Giày da (08/09/2005)
Ngành giày dép VN điêu đứng vì vụ kiện giày mũ da (09/12/2005)
Da giày gặp khó khi quay về thị trường nội địa (17/10/2005)
Da giày lo thiếu đơn hàng cho năm 2006 (07/10/2005)
8 doanh nghiệp da giày hoàn tất hồ sơ cho vụ kiện (12/09/2005)
EC chọn 8 doanh nghiệp giày lấy mẫu kiểm tra (13/08/2005)