Góp ý Luật Doanh nghiệp: Cú hích mới, nhưng...
Các Website khác - 11/11/2005

Góp ý Luật Doanh nghiệp
Cú hích mới, nhưng...

Dự án Luật Doanh nghiệp được soạn thảo với mục tiêu tạo ra cú hích mới cho môi trường pháp lý kinh doanh ở Việt Nam. Theo đánh giá của cộng đồng DN, dự thảo luật dường như đang tiến rất gần đến mục tiêu này. "Cú hích mới" đã sẵn sàng với ba trụ cột vững chắc.

Một sân chơi chung với luật chơi bình đẳng
Dự luật được thiết kế chung cho các chủ thể kinh doanh, không phân biệt DN, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, vốn tư nhân hay vốn nhà nước. Bên cạnh các quy định chung, các chế định cụ thể được áp dụng cho từng loại DN mà không phân biệt loại vốn và nguồn gốc vốn trong mỗi loại hình DN.

Tuy nhiên, việc đưa vào sân chung đối với các công ty nhà nước lại không đơn giản. Bởi vậy, dự luật đã dự liệu một khoảng thời gian quá độ là 4 năm.

Một cơ chế quản lý thông thoáng
Ở giai đoạn gia nhập thị trường, chế độ "xin-cho" để thành lập DN đã được thay thế hoàn toàn bởi cơ chế đăng ký kinh doanh tự động. Trong quá trình hoạt động, quyền tự chủ của DN được ghi nhận trong hầu hết các vấn đề quản trị, tổ chức cũng như hoạt động kinh doanh.

Có ý kiến cho rằng, cơ chế thành lập DN thông thoáng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng DN "ma" - thành lập để lừa đảo, mua bán hoá đơn... Về điểm này, cần nhấn mạnh rằng đây là những DN có thực, được thành lập hợp pháp và được Nhà nước thừa nhận. Vấn đề là sau khi được thành lập, họ có hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và xã hội.

Như vậy, giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này cần tập trung vào khâu thực thi, hậu kiểm để giám sát hoạt động và xử lý vi phạm kịp thời, chứ không phải là thắt chặt thủ tục thành lập.

Chế độ quản trị hiện đại, minh bạch
Dự luật đã thực hiện những bổ sung cơ bản, hoàn thiện các nguyên tắc quản trị tại Luật Doanh nghiệp 1999 trên cơ sở những thông lệ quản trị hiện đại và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Các chỉnh sửa tập trung vào việc minh bạch hoá và tăng cường kiểm soát nội bộ trong DN, bảo vệ tốt hơn quyền của nhóm thiểu số, nhấn mạnh một số nghĩa vụ của người quản lý DN.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng từ những nguyên tắc trong luật đến thực tế quản trị DN là một khoảng cách khá xa. Cho đến khi nào ảnh hưởng của chủ nghĩa gia đình, bạn bè không còn ngự trị trong quản trị kinh doanh ở nước ta thì mới có thể thực sự hy vọng ở tác động tích cực của các nguyên tắc quản trị này.

Với ba trụ cột này của dự luật, chúng ta có quyền hy vọng vào một cú hích mới trong môi trường kinh doanh nước ta. Mặc dù vậy, tương lai này sẽ không hoàn toàn chắc chắn nếu những vấn đề thực tiễn áp dụng không được giải quyết thấu đáo.

Thủ tục gia nhập thị trường dù đơn giản nhưng nếu cơ chế một cửa không được áp dụng, các trình tự không được thống nhất,... thì nguy cơ nhũng nhiễu, gây khó khăn làm nản lòng nhà đầu tư vẫn treo lơ lửng.

Cũng như vậy, nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về DN không được nhanh chóng thiết lập, nếu các mẫu kê khai tài chính phức tạp và thiếu hợp lý, nếu cơ chế giám sát việc nộp báo cáo của DN không hiệu quả... thì hiện tượng "mờ mờ nhân ảnh" trong hoạt động kinh doanh có thể sẽ không được cải thiện.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam