Lâu nay, các doanh nghiệp liên tục đề nghị xem xét lại mức giới hạn trần 10% chi phí hợp lý cho quảng cáo, tiếp thị. Khi Bộ Tài chính dự định bỏ mức trần này thì các doanh nghiệp lại có nhiều ý kiến khác nhau. Người cho rằng nên bỏ hẳn, số khác thì yêu cầu nâng trần cao hơn cho phù hợp với từng dịch vụ.
![]() |
Biển quảng cáo khắp nơi. Ảnh: Thanh Niên. |
Giám đốc Thương hiệu Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Trebeco) Trần Văn Đức, tỏ rõ vui mừng khi hay tin Nhà nước đang xem xét bỏ quy định về hạn mức quảng cáo. Theo ông, việc giới hạn chi phí quảng cáo của Bộ Tài chính ở mức 10% đang "trói chân, trói tay" doanh nghiệp, trong khi các nước đã bỏ quy định này từ lâu.
Ông Đức cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đều coi khoản tiền dành cho quảng cáo là mức đầu tư dài hạn. Họ sử dụng tiền vào mục đích xây dựng thương hiệu chứ không đơn thuần là chi phí cho các chương trình khuyến mãi một sản phẩm nhất định. Nếu tính giá trị cổ phiếu của một công ty khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, có thể thấy yếu tố chính làm lên giá trị cổ phiếu là thương hiệu. Để xây dựng thương hiệu tốt, có uy tín, phụ thuộc rất nhiều vào khoản tiền mà họ bỏ ra cho chiến dịch quảng cáo. Theo ông Đức, khoản tiền này chính là chi phí đầu tư ban đầu. "Bộ Tài chính nên bỏ hẳn mức trần chi phí quảng cáo vì chẳng cần phải quản lý, bản thân các doanh nghiệp họ phải tự tính toán chi phí thế nào cho hợp lý", ông Đức nói.
Một doanh nghiệp viễn thông tính toán, bỏ mức trần chi phí quảng cáo, doanh nghiệp chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh của mình mà Nhà nước lại tăng thu ngân sách. Số tiền mà các doanh nghiệp chi cho quảng cáo sẽ vào túi các công ty quảng cáo, Nhà nước căn cứ vào lợi nhuận của doanh nghiệp để thu thuế.
Theo thống kê của một số công ty nghiên cứu thị trường, tính đến tháng 11, các doanh nghiệp viễn thông đã chi khoảng 9,7 triệu USD cho quảng cáo. Trong đó 4 doanh nghiệp lớn như MobiFone, Viettel, VinaPhone và S-Fone chiếm 79% chi phí quảng cáo toàn ngành. Khoản chi phí mà các doanh nghiệp dành cho quảng cáo vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mức trần 10% không đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Do giới hạn bởi mức trần 10% nên hầu hết các doanh nghiệp đều căn cứ vào các hoạt động của năm nay sau đó đề ra kế hoạch chi tiêu cho năm sau. "Năm nào, các khoản chi tiêu đều ở mức kịch trần. Thậm chí có năm, VinaPhone tính toán chi phí ở mức 200 tỷ đồng, nhưng khi cân đối trên toàn VNPT để phân bổ cho đầu doanh nghiệp thì chúng tôi chỉ có còn khoảng 120 tỷ", đại diện công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng Vinaphone - nói.
Không chỉ mức giới hạn trần quảng cáo tiếp thị, cả quy định không cho phép doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hợp lý những khoản chi để làm công tác xã hội, mục đích từ thiện... cũng bị các doanh nghiệp cho là bất hợp lý.
Bỏ trần là bỏ bảo hộ
Trong khi nhiều doanh nghiệp hỉ hả với các thông tin liên quan đến chuyện sẽ bỏ mức trần chi phí quảng cáo, thì Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty sữa Hancofood Lê Viết Hà lại cho rằng, Nhà nước chỉ nên nâng mức trần chi phí cho quảng cáo tiếp thị lên 15-20% là hợp lý. Bên cạnh việc nâng trần, vẫn cần có các biện pháp chế tài cụ thể những trường hợp vượt khung.
Theo ông Hà, nhiều doanh nghiệp, vì chiến lược phát triển thương hiệu trong môi trường cạnh tranh, đã chấp nhận chi tiêu cho quảng cáo, tiếp thị đến 20% chi phí hợp lý. 10% nằm trong khung chi phí cho phép, doanh nghiệp phải treo 10% còn lại để hạch toán vào kế hoạch năm tài chính tiếp theo. "Doanh nghiệp không lách được nhưng phải treo chi phí, tạo ra nhiều khó khăn khi sử dụng vốn và hoạch định chiến lược phát triển cho những năm kế tiếp", ông nói.
Ông Hà e ngại, nếu hủy bỏ hẳn mức giới hạn trần mà không có thêm các hình thức chế tài, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ khó chống cự trước sức tấn công của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hàng ngoại nhập. "Doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn ít, chi phí đầu tư cho quảng cáo tiếp thị vừa phải nên khó có thể phát triển thương hiệu nếu doanh nghiệp vốn lớn được phép dội bom quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị", ông Hà giải thích.
Đồng ý rằng mức trần 10% chi phí có nhiều bất cập, nhưng Giám đốc Công ty quảng cáo An Tiêm Đỗ Kim Dũng phân tích, khi bỏ mức trần phải tính thêm những quy định tiếp theo để tránh tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" khi mở cửa quảng cáo.
Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP HCM Nguyễn Quý Cáp đề nghị Bộ tài chính nên có những nghiên cứu hợp lý khi xem xét quy định 10% mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị. "Bộ cần tính đến những giải pháp đồng bộ khác nhằm mục tiêu kích thích sản phẩm trong nước để phát triển thương hiệu, cũng như đưa ra những tỷ lệ giới hạn hợp lý, có thể cho từng ngành dịch vụ hoặc dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Cáp nói.
Chưa thể quyết định ngay
Trước những ý kiến trái ngược của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, việc bỏ mức trần đối với chi phí quảng cáo tiếp khách vẫn sẽ được xem xét một cách cặn kẽ theo hướng vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sức ép của các đối tác nước ngoài vừa thực hiện theo đúng cam kết quốc tế. Theo ông, khi đưa ra quyết định cuối cùng, các bộ ngành và các bên liên quan sẽ phải có nhiều buổi ngồi với nhau để bàn kỹ.
Tuy nhiên, bản thân hiệp hội quảng cáo và hiệp hội các doanh nghiệp cũng cần thống nhất ý kiến, không thể có chuyện khi Bộ Tài chính áp dụng mức trần 10% thì doanh nghiệp liên tục đòi bỏ, khi có ý định bỏ thì lại phản đối.
Ông Trung nhấn mạnh, việc đề ra mức trần cho quảng cáo là nhằm mục đích bảo hộ các doanh nghiệp. "Rõ ràng, thời gian qua, nếu không có chính sách "bảo hộ" thì các doanh nghiệp Việt Nam khó có sức cạnh tranh, chen chân vào thị trường quảng cáo", ông nói. Theo ông, trước xu thế hội nhập không còn cách nào khác là phải tính toán thực hiện theo cam kết và nới dần lá chắn bảo hộ. Việc dỡ bỏ quy định này sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp mở rộng thị phần thông qua các hoạt động khuyếch trương, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.
Hồng Anh - Phan Anh
▪ Công bố kết quả điều tra người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao (28/12/2005)
▪ Đầu tư nước ngoài vào du lịch đạt 4,46 tỉ USD (28/12/2005)
▪ Sẽ có 225 hội chợ triển lãm thương mại VN trong năm 2006 (28/12/2005)
▪ Sẽ phục vụ tất cả mọi yêu cầu của DN bất kể thời gian nào (28/12/2005)
▪ Các tuyến đường bộ ảnh hưởng đến tiến độ thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất (28/12/2005)
▪ Chỉ có 8/32 giám đốc các ban quản lý dự án đủ năng lực điều hành (28/12/2005)
▪ TPHCM: Nhiều siêu thị, cửa hàng không còn đường để bán (28/12/2005)
▪ Quy định về thanh toán tiền nhà đất Nhà nước đã trưng mua (28/12/2005)
▪ Thị trường CNTT 2005: Chất lượng sa sút, cạnh tranh quyết liệt (28/12/2005)
▪ Thương hiệu "bong bóng"! (28/12/2005)