Hời hợt đến khó hiểu
Các Website khác - 24/02/2006
Khắc phục sự cố sụt lún trụ cầu Quảng Hải (Quảng Bình):
Hời hợt đến khó hiểu
Nguyễn Quang Vinh

Như Báo Lao Động đã đưa tin, cầu Quảng Hải qua sông Gianh trong khi đang thi công theo phương pháp khoan cọc nhồi thì cọc C7 thuộc trụ T5 bị lún sụt. Chủ đầu tư cho rằng, do dưới đáy cọc có hang ngầm caxtơ (karst) đã không chịu được sức nặng của bêtông cọc khoan, sập hang, kéo theo lún sập toàn bộ móng cọc.

Được coi là nguyên nhân ngoài ý muốn, khách quan, không quy kết về trách nhiệm nên chủ đầu tư đã đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận thay đổi một phần thiết kế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Lao Động, vấn đề không đơn giản như vậy...

Toàn bộ các cọc nhồi đã đổ
xong bêtông thuộc trụ T5, cầu
Quảng Hải bị lún sụt mất hút
dưới lòng sông.

Xử lý sự cố bằng... họp
Công ty tư vấn xây dựng giao thông (TVXDGT) Quảng Bình - nay là Công ty cổ phần TVXDGT - được UBND tỉnh ra quyết định chỉ định thầu phần khảo sát thiết kế. Chỉ bằng 8 lỗ khoan, công ty tư vấn này kết luận: Địa tầng các lớp tương đối đồng nhất, tầng phủ dày từ 24 đến 46 mét... Riêng 2 lớp sỏi cạn cộng cát thô (lớp 6) và lớp đá vôi (lớp 7) có cường độ chịu tải tốt. Kiến nghị xử lý bằng phương án khoan cọc nhồi.

Với địa chất khu vực Quảng Bình, những người làm giao thông đều không lạ lẫm với sự ảnh hưởng của dãy núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, và tầm ảnh hưởng của nó trong bán kính 50km. Trên địa bàn tỉnh, một số cầu lớn như cầu Gianh, cầu Minh Cầm khi khoan đổ cọc trụ cầu, đều gặp phải hiện tượng địa chất yếu do ảnh hưởng của tầng ngầm đá vôi caxtơ.

Thêm nữa, với tầng địa chất mang dấu ấn caxtơ, mặt tầng đáy nhấp nhô, vì thế, buộc người ta phải khoan nhiều mũi để xác định chắc chắn cao độ của các cọc nhồi và xác định rõ độ dày mỏng của các tầng đất ngầm, khi đó mới có thể đưa ra được kết luận chính xác.

Điều khó hiểu là, mặc dù Công ty TVXDGT Quảng Bình chỉ thực hiện khoan 8 mũi cho 13 trụ, chưa có kết quả xác đáng về địa chất, nhưng chủ đầu tư vẫn không có ý kiến gì và chấp nhận ngay phương án khoan cọc nhồi làm trụ cầu. Để rồi, khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư là Sở GTVT Quảng Bình lại vội vã đề nghị thay thế việc khoan cọc nhồi bằng phương pháp đóng cọc.

Từ khi xảy ra sự cố đến nay, chủ đầu tư vẫn chỉ giải quyết bằng các cuộc họp. Cuộc họp thứ nhất vào ngày 5.1, là họp tại hiên trường, chỉ quan sát bằng mắt, hội đồng kiểm tra sự cố đã kết luận có hang ngầm dưới đáy cọc.

Ngày 11.1, có cuộc họp thứ hai đưa ra giải pháp thay đổi một phần thiết kế, thay phương án cọc nhồi sang đóng cọc, điều chỉnh hai nhịp cầu nơi xảy ra sự cố thành 3 nhịp cầu. Cuộc họp thứ ba vào ngày 13.1, làm văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị đồng ý xử lý sự cố như các cuộc họp đã thống nhất. Và tất nhiên, tin vào các cơ quan tham mưu, ngày 25.1, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận.

Liệu thật sự có hang ngầm?
Sau gần 2 tháng xảy ra sự cố, chủ đầu tư vẫn chưa trưng ra được chứng cớ cụ thể và xác thực về việc có hang ngầm gây sự cố. Chủ đầu tư cũng chưa hề có sự khảo sát lại bằng việc khoan thăm dò, bằng các giải pháp khoa học địa chất để kết luận hang ngầm có hay không, và nếu có thì hang ngầm dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, sâu bao nhiêu. Còn trong trường hợp nếu không có hang ngầm thì sự cố này được hiểu là gì?

Phải chăng có khả năng thi công ẩu, hoặc vi phạm thiết kế kỹ thuật? Khảo sát đã mò mẫm, hời hợt, khi xảy ra sự cố lại tiếp tục mò mẫm và hời hợt. Còn một nội dung quan trọng trong công văn số 31, ngày 11.1 của UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT Quảng Bình làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị có liên quan đến sự cố công trình..., thì đang được làm ngơ, né tránh.