Liên doanh khách sạn Lake Side (Hà Nội): Đối tác Việt Nam bị thua đậm Khách sạn Lake Side nằm bên bờ hồ Giảng Võ - được coi là "bờ xôi ruộng mật". Vậy mà kinh doanh từ khách sạn, nhà hàng, vũ trường, đến mại dâm, sau 10 năm, khách sạn này vẫn thua lỗ gần 2 triệu USD, nợ thuế đất trên 300.000USD, chưa kể các vụ bê bối khác như tổng giám đốc xả nước tấn công phóng viên, sa thải người lao động trái pháp luật mà Lao Động đã từng phản ánh...
Đây là liên doanh theo hình thức "chung lưng mở một khách sạn" giữa một bên đối tác Đài Loan là Cty Khung Minh; đối tác về phía Việt Nam là Cty khách sạn và dịch vụ văn hoá, trụ sở tại 22A Hai Bà Trưng Hà Nội; từ tháng 9.2004 đối tác về phía VN đã chuyển qua TCty Sách VN, cả hai đều trực thuộc Bộ VHTT. Theo giấy phép đầu tư số 524 thì tổng vốn đầu tư của Cty liên doanh là 6.840.000USD; vốn pháp định là 6.840.000USD, trong đó phía Việt Nam góp 1.040.000USD chiếm 15,2% vốn pháp định - trong đó gồm quyền sử dụng đất 2.783m2 trong thời hạn 30 năm, trị giá 920.000USD và số nhà cửa hiện có trị giá 120.000USD. Phía Đài Loan góp vốn 5.800.000USD. Trong văn bản Điều lệ liên doanh mà hai bên đã ký kết và cam kết thực hiện gồm 30 điều, ngay điều 4 đã ghi rõ, xin trích nguyên văn: "Trách nhiệm của các bên về các khoản nợ nần của Cty liên doanh, kể cả rủi ro và thất thoát được hoạch định bởi tỉ lệ góp vốn của mình". Như vậy "cái bẫy" kinh doanh cho lỗ đã được các nhà đầu tư Đài Loan tính toán, sắp đặt từ đầu. Căn cứ vào vốn pháp định các bên đóng góp ban đầu, phía VN là 15,2% thì số nợ sẽ phải gánh khoảng 300.000USD. Cộng với tiền thuê đất 10 năm do liên doanh lỗ, phía VN không được chia một xu, do đó cũng nợ luôn Nhà nước tiền thuế thuê đất khoảng 300.000USD. Trong mười năm qua, số tiền thu được tính ra không nhỏ, doanh thu tính đến ngày 30.6.2004 là 16.531.941USD, nhưng liên doanh này đã chi tới 18.514.693USD, dẫn tới thua lỗ gần 2 triệu USD. Một khách sạn 80 phòng với mức thu bình quân là 35-50USD một tối/phòng, trong khi đó lại chi phí cho một phòng trên 1 triệu đồng/ngày thì lãi vào đâu? Vậy chi phí được kết toán cao như vậy có phải là do quản lý kém, hay là một con số nâng khống? Điển hình nhất là năm 1996 tổng chi phí lên tới 3.128.312USD; tính ra mỗi ngày chi trên 150 triệu đồng, mỗi phòng gần 2 triệu đồng, trong khi thu mỗi phòng tối đa không vượt quá 700.000 đồng. Đối tác VN ngây thơ sập bẫy Theo giấy phép xây dựng số 635.5.93/GP-KTST, do Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp ngày 11.5.1993 thì công trình có tổng mặt bằng xây dựng là 5.598,3m2. Vào thời điểm 1993, số tiền 5,8 triệu USD tương ứng với 60 tỉ đồng Việt Nam; vị chi mỗi mét vuông xây dựng khách sạn Lake Side có giá 11 triệu đồng. Vào thời điểm 1993, tại thị trường xây dựng Hà Nội, giá xây dựng một khách sạn 3 sao thường dao động ở mức 3,5 tới 4 triệu đồng/m2 cộng nội thất. Các nhà đầu tư Đài Loan đâu có chịu dừng ở con số 5,8 triệu USD. Năm 1997, đang trên đà thua lỗ nhưng vốn của liên doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận tăng lên là 8.759.031USD, tăng thêm gần 2 triệu USD. Với việc tăng vốn của các nhà đầu tư Đài Loan, đã đẩy phía đối tác VN vào thế yếu. Điều nghịch lý ở vụ liên doanh này là: Kinh doanh lỗ thì phía Việt Nam chịu sòng phẳng và đầy đủ với Đài Loan, trong khi đó thì tiền thuê đất phía Đài Loan đẩy cho đối tác Việt Nam gánh chịu. Chúng tôi xin trích nội dung của bản hợp đồng liên doanh: "Bên Việt Nam đảm bảo rằng Cty liên doanh và bên Đài Loan được hưởng các quyền lợi sau đây và đồng ý chỉ sau khi đảm bảo các quyền lợi đó thì nghĩa vụ thực hiện bản hợp đồng này mới có hiệu lực. 1/ Thời hạn sử dụng đất ít nhất là 30 năm kể từ ngày liên doanh nhận được giấy phép đầu tư. 2/ Tiền thuê đất hoàn toàn do bên Việt Nam trả. Điều 17 của hợp đồng liên doanh ghi rõ là mục phân chia lợi nhuận: "Hàng năm, sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, trích lập các quỹ của công ty liên doanh và trích nộp 1% lợi nhuận cho Bộ Văn hoá - Thông tin... Lợi nhuận còn lại được chia như sau: 1. Từ năm bắt đầu kinh doanh đến năm thứ 10: - Bên phía Việt Nam được hưởng 20% lợi nhuận; 2. Từ năm thứ 11 đến năm thứ 20: - Bên Việt Nam được hưởng 30% lợi nhuận; 3. Từ năm thứ 21 đến năm sau cùng: Bên Việt Nam được hưởng 35%...". Tóm lại trên hợp đồng, phía Việt Nam luôn ở cái thế đầu sai, không được quyền biết và quyết chuyện tiền nong lẫn thu chi. Trong khi đó hợp đồng liên doanh và điều lệ liên doanh hai bên ký cho phép tổng giám đốc được quyền ký chi dưới 200.000USD không cần xin phép Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị có 7 người, phía VN chỉ có 2, Đài Loan 5, nếu bỏ phiếu quyết định một điều gì, phía VN luôn là thiểu số. Ban thanh tra gồm 3 người thì Đài Loan 2, Việt Nam 1. Việc ký thoả thuận đóng thuế đất do phía Việt Nam trả là một thoả thuận vô lối, vì thuế đất dù là rất rẻ, như bèo (11USD/m2/năm) thì mỗi năm tối thiểu cũng phải 30.613USD, vậy lấy gì đảm bảo năm nào cũng được chia lãi trên số tiền đó để mà đóng(?). Phạm Tiên Sinh |
▪ Nghịch lý ôtô nội (26/09/2005)
▪ Nên thay đổi cách tính giá điện (26/09/2005)
▪ Bảo hiểm thân tàu (26/09/2005)
▪ Sốt cát, đá, nhà thầu chùn bước (26/09/2005)
▪ Giảm giá cách nào? (26/09/2005)
▪ Đường lậu tràn ngập thị trường (26/09/2005)
▪ VinaPhone và MobiFone lại rớt mạng (26/09/2005)
▪ Hà Nội 'kích' cầu đấu giá đất (26/09/2005)
▪ 100 triệu USD cho bể chứa xăng dầu lớn nhất nước (23/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 24.9 (24/09/2005)