Sốt cát, đá, nhà thầu chùn bước
Các Website khác - 26/09/2005
Đồng bằng sông Cửu Long:
Sốt cát, đá, nhà thầu chùn bước
Bích Liên

Cienco8 đang đổ cát xử lý nền
đường cao tốc Sài Gòn -
Trung Lương.
Chỉ tính sơ sơ vào thời điểm này tại ĐBSCL đã có hàng chục công trình xây dựng hạ tầng GTVT với số vốn từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng đang được triển khai đồng loạt. Chính sự đầu tư đột phá này làm nhu cầu cát, đá, sỏi tăng đột biến vượt quá sức cung, đẩy giá lên cao chưa từng thấy, khiến các nhà thầu lúng túng như gà mắc tóc.

Ông Dương Tuấn Minh - TGĐ Ban quản lý các dự án Mỹ Thuận, đơn vị hiện đang triển khai 2 dự án là đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương với tổng mức đầu tư 6.555 tỉ đồng và cầu Cần Thơ 4.138 tỉ đồng - bức xúc: Tháng 7.2005, báo giá của Sở Xây dựng Cần Thơ, cát mới là 33.000 đồng/m3 nhưng đến 15.9 loại cát để đổ bêtông cọc nhồi cho cầu Cần Thơ đã lên tới 110.000 - 130.000 đồng/m3.

Chỉ tính sơ sơ khoảng 4-5 dự án do ban chúng tôi quản lý cũng "xơi" hết khoảng 17 triệu mét khối cát. Khổ cho nhà thầu cứ nghĩ cát đá là chuyện vặt, mà không lường nổi cơn sốt này.

Giá cát, đá tăng đột biến đang làm các nhà thầu lúng túng như gà mắc tóc. Không làm thì chậm tiến độ, kéo dài thời gian vay vốn, chịu lãi ngân hàng, chịu phạt, công nhân chờ việc... Mà làm thì rõ ràng lỗ lớn. Liên danh 3 TCtyXD: Thăng Long, TCty XDCTGT 6 và 8 trúng thầu gói 1 cầu Cần Thơ chỉ mới làm được 1,6% khối lượng so với tiến độ kế hoạch là 4,79%...

Các công trình trúng thầu nghĩa là giá đã được chốt chặt khiến các nhà thầu sống dở chết dở, tiến độ chậm là lẽ đương nhiên. Song, với các công trình được chỉ định thầu - nghĩa là các nhà thầu được tính giá vật liệu theo giá thị trường tại thời điểm thi công cũng chậm tiến độ, do cát đá ngày càng khan hiếm và cầu vượt cao so với cung. Hiện tại, vùng ĐBSCL chỉ có duy nhất một mỏ đá Hoà An ở Biên Hoà là đủ tiêu chuẩn. Ngay cả cát xử lý nền là loại dễ kiếm hơn ở vùng ĐBSCL cũng đang trong tình trạng sốt.

Anh Trần Tuấn Anh - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật của TCty XDCTGT 8 tham gia thi công đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - cho biết, cát đổ nền đường lấy từ Tiền Giang về tăng từng ngày, trong khi riêng gói thầu 1km đường đã ngốn 25.000m3 cát xử lý nền. Theo dự toán ban đầu, cát chỉ khoảng 45.000 đồng một khối, nhưng ngày 16.9, nhà thầu đã phải mua cát giá 55.000 - 65.000 đồng một khối cát rời, mà khâu cung ứng rất chậm.

Tình cảnh này đã khiến các nhà thầu chùn bước trước các công trình XDGT tại ĐBSCL. Điều này có thể thấy rõ qua so sánh khi mở thầu dự án đường N2 Đức Hoà -Thạch Hoá (Long An) gồm 12 gói thầu thì có gói đến 60 nhà thầu tham dự. Trong khi đó, mới đây một gói thầu đường Nam Sông Hậu Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ.