Không dùng Internet vẫn bị tính 114 triệu đồng cước
Các Website khác - 22/10/2005

Cuối tháng 9, bà Lê Thị Anh Đào (quận 1, TP HCM) tá hỏa khi nhận được giấy báo nợ tiền cước truy cập dịch vụ Internet 1260 của Trung tâm Tin học bưu điện (Netsoft, Bưu điện TP HCM) với số tiền gần 114 triệu đồng, nhưng gia đình bà không sử dụng dịch vụ này.

Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet tại Netsoft.

Đầu tháng 9, Trung tâm Hỗ trợ khách hàng và Quản lý cước (Bưu điện TP HCM) gửi bảng yêu cầu thanh toán cước Internet 1260 từ số điện thoại mà người thuê bao là bà Lê Thị Anh Đào. Theo bảng cước chi tiết, suốt 24 giờ đồng hồ trong ngày và suốt 30 ngày trong tháng 7 và 8/2002 (40 ngày), tài khoản này đều có sử dụng.

Xem chi tiết thấy người sử dụng tài khoản này gọi điện thoại qua Internet hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày. Đầu tháng 7/2002 (khi tài khoản mới sử dụng) những cuộc gọi còn thưa, càng về sau số cuộc gọi càng tăng lên, ngày 11/7 số cuộc gọi được kết nối lên đến 131 cuộc. Thời gian cuộc gọi cũng được tăng lên, kéo theo giá cước cao... chót vót.

Cũng trong ngày 11/7 có một cuộc gọi kéo dài hàng giờ đồng hồ với số tiền cước trên 340.000 đồng. Ngày 6/8/2002, giá cước cho một cuộc gọi lên đến 480.000 đồng cũng đã được ghi nhận.

Từ tài khoản đăng ký của số điện thoại nhà bà Đào, có người đã thực hiện trên 3.300 cuộc gọi trong tháng 7/2002 và số tiền cước hơn 82 triệu đồng. Trong tháng 8/2002, tài khoản này cũng đã ngốn hết hơn 31 triệu đồng trong vòng chín ngày.

Tính ra cho đến khi bộ phận kỹ thuật của Netsoft ngưng cung cấp dịch vụ (vì nhận thấy dấu hiệu bất thường), chỉ trong 40 ngày tài khoản này đã "ngốn" gần 114 triệu đồng do những cuộc gọi điện thoại Internet không mời mà đến. Số tiền cước này được Netsoft quy vào dạng “nợ khó đòi”, vì tài khoản đã được mở trên ba năm.

Đại diện Netsoft cho biết, chỉ cần người đi đăng ký có giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu bản sao (có công chứng) là có thể đăng ký được dịch vụ. Theo yêu cầu này, người đi đăng ký có thể là người khác mà không phải là người đứng tên trong các giấy tờ. Dịch vụ sẽ được lắp đặt tại nơi người đăng ký yêu cầu và quá trình thu cước sẽ được thực hiện theo địa chỉ khác nếu khách hàng yêu cầu. Trong trường hợp của bà Đào, mặc dù địa chỉ đứng tên thuê bao là bà Đào nhưng địa chỉ lắp đặt dịch vụ lại một nơi khác.

Theo hợp đồng của Netsoft, số điện thoại trong hợp đồng là của bà Đào, địa chỉ nhà cũng đúng (quận 1), nhưng địa chỉ cung cấp dịch vụ lại là một nơi khác ở quận 12. Trong đơn khiếu nại đến Netsoft, bà Đào khẳng định bà và gia đình không hề sử dụng dịch vụ này và bà cũng cam đoan rằng chữ ký trong hợp đồng với Netsoft không phải của bà. Đến nay, sau khi nhận định đây là trường hợp ăn cắp giấy tờ tùy thân đi đăng ký, Netsoft mới nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp.

Theo đại diện của Netsoft, tình trạng ăn cắp mật khẩu, tài khoản (account) của khách hàng là có thật và một khi Netsoft bán (cung cấp) dịch vụ cho khách hàng, khách hàng phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản (tài khoản sử dụng) của mình.

Để hỗ trợ khách hàng, Netsoft có một số khuyến cáo cũng như những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng ăn cắp tài khoản, mật khẩu. Nếu vì lý do nào đó khách hàng không cần đến những khuyến cáo này, thì khi xảy ra chuyện Netsoft không thể chịu trách nhiệm.

(Theo Tuổi Trẻ)