Liên minh tôm toàn cầu nhóm họp ở TP HCM
Các Website khác - 22/10/2005

Thông tin từ Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (Vasep), Liên minh nuôi trồng tôm toàn cầu (GSOL) lần 5 sẽ nhóm họp tại khách sạn Sheraton, TP HCM ngày 24-27/10. Cuộc họp diễn ra đúng lúc các nhà xuất nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ đang đối mặt với kỳ đóng tiền ký quỹ (bond) thứ 2 cho năm tới.

Chế biến thủy sản xuất khẩu.

250 nhà nuôi trồng tôm đến từ 25 quốc gia trên thế giới sẽ tham dự Hội nghị. Theo Phó tổng thư ký Vasep Trương Đình Hòe, tại hội nghị, các nhà nuôi trồng tôm thế giới sẽ bàn về 4 chuyên đề chính là tiềm năng nuôi trồng của các quốc gia trong Liên minh; thị trường các nước xuất khẩu lớn; vấn đề những nhà nhập khẩu lớn gồm Mỹ, EU, Nhật và Trung Quốc; đồng thời dự báo giá tôm và diễn biến thị trường thế giới hằng năm. Song nhiều nhà xuất nhập khẩu thủy sản thế giới hy vọng vấn đề tiền ký quỹ theo quy định của Hải quan Mỹ sẽ được đề cập đến trong hội nghị.

Hội nghị nuôi trồng tôm toàn cầu của năm diễn ra đúng vào thời điểm các nhà xuất và nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ đang chuẩn bị để đóng tiền ký quỹ (bond) cho năm tới. Thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, có khả năng mức bảo hiểm ký quỹ của năm sau còn cao hơn cả năm nay. Nguồn tin từ Intrafish cũng cho rằng, mức ký quỹ này sẽ được chính phủ Mỹ nâng cao hơn so với trước nhằm đảm bảo rằng các công ty sẽ không thể trốn tránh việc thanh toán phần tiền thuế tăng thêm trong trường hợp thuế suất phá giá tăng.

Giám đốc công ty Red Chamber Rick Martin, một nhà phân phối tôm hàng đầu ở Mỹ cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ phải mất tới 3 đến 5 năm thì Hải quan Mỹ mới thanh khoản số tiền ký quỹ và trả lại cho các công ty. Vì thế, trong khi chờ đợi số tiền ký quỹ cũ được trả lại, các công ty lại phải xoay sở tìm nguồn tài chính để đóng ký quỹ cho các năm thứ 2 và thứ 3... Phí bảo hiểm ký quỹ cũng sẽ cao hơn, chưa kể tới mức phí trả cho ngân hàng để có được vốn thanh toán cho các chi phí đó.

Đây là điều mà các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo ngại từ khi bắt đầu có thông báo về mức bond từ Hải quan Mỹ hồi tháng 2 năm nay. Cho đến nay, Công ty Minh Phú là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chấp nhận đóng bond để được tiếp tục xuất hàng sang Mỹ. Song, trả lời VnExpress hồi tháng 7, Bộ trưởng thủy sản Tạ Quang Ngọc cho biết Bộ không khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đóng ký quỹ vì có nhiều rủi ro về vốn.

Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) Ngô Phước Hậu khẳng định, Agifish phải "sửa" lại thị trường Mỹ của công ty này bằng cách tăng cường nhập khẩu sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và tìm kiếm thêm các thị trường mới để bù vào "khoản thiếu hụt" Mỹ. Ông Trương Đình Hòe thì cho rằng có thể trông chờ vào kết quả xem xét lại mức thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ, song doanh nghiệp Việt Nam lại ở thế bị động vì phải phụ thuộc vào "nguyên đơn" Mỹ.

Trong khi chờ đợi, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã bắt đầu "thấm đòn" bởi khoản bond. Hầu hết các nhà xuất khẩu và nhập khẩu hoạt động với 3 loại hạn mức tín dụng: một dành cho thu mua nguyên liệu, một để hoạt động sản xuất và khoản còn lại dùng hoạt động thương mại. Theo ông Rick Martin, nhiều công ty đã phải rút ở tất cả các hạn mức tín dụng này để đóng tiền ký quỹ đợt 1 năm. Hiện tại, nhiều công ty đã bắt đầu cảm thấy bị “vắt kiệt” và đứng trước nguy cơ phá sản.

Ông này cũng cho rằng, với việc hầu hết các khoản ký quỹ sắp phải nộp tiếp vào tháng 2 và tháng 3 tới, những người nào từng hy vọng rằng vấn đề của bond sẽ “dần lùi xa” thì giờ đây đã nhận thức rõ hơn về nó. “Nếu chúng ta không thể làm gì đối với quy định đóng tiền ký quỹ, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ phải chứng kiến việc nguồn cung cấp tôm cho thị trường Mỹ bị tác động mạnh”, ông Rick Martin nói.

Ông Antonio Diaz, Tổng giám đốc công ty Mexican Shrimp Giant Ocean Garden, cho rằng trong khi chờ đợi chính phủ có hành động giải quyết tình hình này, thì những người trong ngành cũng phải ngồi lại và thảo luận những giải pháp riêng của mình. Một đề xuất mà ông Antonio đưa ra là củng cố và hợp nhất ngành kinh doanh tôm một cách có trật tự.

Phan Anh