Luật bảo hiểm mới làm doanh nghiệp khó cạnh tranh
Các Website khác - 07/11/2005

"Hiện doanh nghiệp phải đóng 23% tổng quỹ lương cho các loại bảo hiểm; nếu theo luật đến năm 2010 tỷ lệ đóng lên tới 31%. Doanh nghiệp ta đang yếu, giờ phải đóng thêm phí bảo hiểm chắc chắn sẽ giảm sức cạnh tranh", đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên thảo luận hôm nay về dự luật bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của dự thảo, từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần mức đóng bảo hiểm tăng 2% cho doanh nghiệp và 1% cho người lao động. Như vậy, tổng mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội sẽ tăng từ 15 lên 22% (đối với người sử dụng lao động) và từ 5 lên 8% (đối với người lao động). Ngoài ra, doanh nghiệp phải đóng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, quỹ ốm đau và thai sản. Theo ông Lợi, cần tính toán định mức và lộ trình tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp vẫn phát triển được. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, gây thiệt thòi cho người lao động.

Ông Tào Hữu Phùng phát biểu tại buổi thảo luận.

Ý kiến của ông Lợi nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu. Bà Nguyễn Thị Băng Thanh bổ sung, hiện giá cả tăng liên tục, chi phí sản xuất cũng theo đó tăng lên, doanh nghiệp đang khốn khó. "Vì thế, nên làm chậm lại lộ trình tăng, có thể 3 năm một lần mới tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp lên 2%", bà Thanh đề nghị. Đại biểu Đỗ Phương Thảo thì cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội để cho linh động và phù hợp với tình hình thực tế, chứ không quy định cứng nhắc như dự luật.

Một vấn đề được nhiều đại biểu lo lắng là an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội. Hiện tỷ lệ người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu giảm dần, năm 2000 là 34/1, năm 2002 là 23/1 và năm 2004 là 19/1. Đóng ít, hưởng chế độ thời gian dài dẫn đến quỹ bảo hiểm xã hội dài hạn (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) chỉ đủ khả năng cân đối thu chi đến năm 2019, từ 2020 trở đi quỹ sẽ phá sản vì chi nhiều hơn thu. Đại biểu Đỗ Phương Thảo cho rằng hằng năm Chính phủ phải công khai thu chi của quỹ để Quốc hội và nhân dân cùng biết, có tới 5,8 triệu người đang sống nhờ vào quỹ này.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách Tào Hữu Phùng rất ủng hộ việc công khai quỹ. Ông cũng cho rằng lấy mức lương 5 năm cuối để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay là không công bằng, làm cho quỹ đang chết dần. "Nguyên tắc là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nhưng đằng này anh đóng ít, lại hưởng cao thì ai bù cho anh?", ông Phùng nói. Ông ủng hộ cách tính đóng bảo hiểm xã hội chia làm 3 giai đoạn như dự luật (trước năm 1995, từ năm 1996 đến khi luật thực thi và sau khi luật có hiệu lực).

Luật bảo hiểm xã hội tiếp tục được lấy ý kiến và dự kiến thông qua trong kỳ họp sau.

Như Trang