Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng không nên quá lo ngại về vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay. Theo ông, thực ra vị trí đó chỉ không cải thiện chứ không phải tiếp tục thụt lùi.
- Ý kiến của ông về vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của việt Nam năm nay?Ông Lê Đăng Doanh.
- Theo tôi thì không nên quá lo ngại vì nói chính xác là vị trí xếp hạng của ta "không được cải thiện" so với năm ngoái chứ không phải tiếp tục thụt lùi quá lớn. Vì năm nay, WEF đưa thêm vào danh sách xếp hạng thêm 15 nước mới, trong đó có 3 nước vị trí hơn hẳn Việt Nam. Riêng Philippines đã vượt hạng lên trên Việt Nam. Do vậy trên bảng xếp hạng năm nay, ta bị tụt đi 4 bậc, nhưng thực tế chỉ là 1 bậc so với năm ngoái.
- "Không được cải thiện" nghĩa là ta đã tụt hậu, bởi thực tế là thế giới đã tiến khá xa và ta không nên tự so với ta?
- So với thế giới và so ngay với các nước láng giềng, ta cũng còn khoảng cách khá xa, ví như Trung Quốc đã vươn lên hàng 49, còn trong ASEAN, ta chỉ đứng trên Campuchia (Lào và Myanmar chưa được xếp hạng). Nhưng cái lo nhất theo tôi là trong 3 nhóm vấn đề lớn được đem đánh giá thì sự yếu kém của nền hành chính công bị xếp thứ 97/117, trong đó riêng tham nhũng bị xếp thứ 111/117, nhóm ứng dụng công nghệ cũng xếp rất thấp 92/117.
- Tuy vậy, WEF cũng đánh giá cao sự tiến bộ một số lĩnh vực có tính quyết định của Việt Nam?
- Rất mừng là họ xếp môi trường ổn định về kinh tế vĩ mô ở hạng 60/117, thực hiện luật pháp ở vị trí 64/117. Đặc biệt, khi tham khảo ý kiến 11.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới, chỉ có 2% phàn nàn về tiêu chí ổn định chính trị và ổn định chính sách, 3% phàn nàn về tiêu chí lạm phát và trật tự xã hội. Đây là sự ghi nhận của WEF về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực rất quan trọng này.
- Không ít người hoài nghi về tính xác thực và khách quan của việc WEF đưa ra bảng xếp hạng. Ý kiến ông ra sao?
- Theo tôi là không có chuyện lệch lạc trong các báo cáo này vì WEF là tổ chức phi chính phủ, rất có uy tín về tính khách quan và độ xác thực. Họ có phương pháp luận tính toán rất tốt. Nếu họ đánh giá không công bằng chỉ thiệt cho họ, vì sẽ mất uy tín và ảnh hưởng tới kinh doanh của chính họ.
Các nhà đầu tư hàng đầu thế giới đều dựa vào báo cáo này để quyết định chính sách đầu tư. Dĩ nhiên mọi đánh giá của họ không phải là "khuôn vàng thước ngọc", nhưng chúng ta cũng nên xem xét trên tinh thần cầu thị. Vả lại, nhiều tổ chức thế giới khác cũng có những đánh giá tương tự và quan trọng hơn, những đánh giá của họ đều khá phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
- Để cải thiện vị trí xếp hạng, theo ông Việt Nam cần phải làm gì?
- Những gì họ nói ta yếu, ta không tiến bộ trong những năm qua ta phải tập trung làm quyết liệt. Và rất mừng là Chính phủ đã và đang tập trung làm quyết liệt những điểm yếu này như chống tham nhũng, cải thiện kết cấu hạ tầng, cải thiện và chấn chỉnh bộ máy hành chính công, nâng cao trình độ lao động...
Bên cạnh đó, cần cải thiện mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Chỉ có làm quyết liệt và làm thực sự thì mới hy vọng những năm sau, vị trí xếp hạng của ta mới được cải thiện - và quan trọng hơn mới được cải thiện một cách thực chất.
(Theo Lao Động)
▪ Xây đô thị cho nông dân (02/10/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 3.10 (03/10/2005)
▪ Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ mở cơ hội cho DN VN hút đầu tư (03/10/2005)
▪ Thêm tem taxi, có hiệu quả? (03/10/2005)
▪ Doanh nghiệp giải thể có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? (03/10/2005)
▪ Có thật tiết kiệm? (03/10/2005)
▪ Xây dựng ngân hàng dữ liệu xuất khẩu (03/10/2005)
▪ Mía đường diễn lại kịch bản thua lỗ (03/10/2005)
▪ Xuất khẩu đồ gỗ tăng nhanh nhưng lợi nhuận thấp (30/09/2005)
▪ Gian thương rình rập tăng giá (01/10/2005)