Người chuyên tìm cách “chiếm đoạt” các công ty
Các Website khác - 10/05/2008

TP - Ronald Perelman nổi tiếng không phải nhờ việc lập nên những công ty, mà chính bởi tài “chiết xuất” lợi nhuận cao nhất có thể từ những công ty đang đổ vỡ.

Ông làm nên gia tài nhiều tỉ đô từ hai bàn tay trắng, bằng cách đi vay tiền để mua lại những công ty sắp phá sản.

Tỷ phú Ronald Perlman

Ngày 24/9/1987, văn phòng công ty Salomon Brothers, một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất nước Mỹ, bỗng trở nên hỗn loạn như tổ kiến trước cơn giông.

Lý do đơn giản là vì “kẻ chuyên chiếm đoạt công ty” Ronald Perelman tuyên bố sẽ mua lại Salomon Brothers. Trong khi nhân viên của công ty đang hoài hơi thuyết phục khách hàng qua điện thoại rằng mọi chuyện sẽ ổn, thì ban lãnh đạo công ty vò đầu bứt tai nghĩ cách “chống trả” Ronald Perelman.

Đến buổi chiều ngày hôm ấy, nhân viên truyền tai nhau một chuyện cười thế này: “Sắp tới đây, cứ mỗi người bỏ tiền ra mua trái phiếu trị giá một triệu đô sẽ được nhận một phần thưởng là… một hộp son môi”, ám chỉ việc Ronald Perelman đã là chủ nhân của Revlon, một trong những hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới, cũng bị Perelman “thôn tính”.

Ronald Perelman sinh năm 1943 tại Philadelphia (Mỹ), trong một gia đình thương gia. Bố ông, Raimond Perelman là chủ sở hữu Công ty Belmont Industries, chuyên về gia công kim loại, đồng thời kiểm soát khoảng gần chục các xí nghiệp lớn nhỏ tại Philadelphia.

Bố Ronald Perelman đã nhắm thấy con trai mình không chỉ xứng đáng là người thừa kế gia tài, mà còn là nhà quản lý công việc kinh doanh thay mình mai sau. Vì thế từ khi còn là cậu bé 11 tuổi, Ronald đã phải có mặt trong các buổi họp hội đồng quản trị công ty, và bố ông không ngại ngần đề nghị con trai phát biểu ý kiến, hệt như những vị lãnh đạo khác.

Khi Ronald vào học ở trường Đại học Pennsylvania, tương lai của cậu Perelman con dường như đã được vạch nét rõ ràng. Nhưng chàng Ronald cao lêu đêu những 1,96 m thì lại chỉ thích chơi đánh trống và hình dung mình sẽ là thành viên của ban nhạc rock, chứ chẳng phải là thương gia nào cả. Đầu tiên, Ronald nhận bằng cử nhân nghệ thuật, sau đó mới là bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Niềm say mê âm nhạc của con trai làm ông bố chẳng hài lòng chút nào. Và cuối cùng ông quyết định trao lại công việc kinh doanh cho cậu con trai khác - Jeffery. Và thế là sau 35 năm tham gia công việc làm ăn của gia đình, Ronald “ra đường” - không thành nhạc công, cũng chẳng có túi tiền dày để đầu tư kinh doanh, tiếng tăm cũng không ai biết đến. Nghĩ ngợi một hồi, Ronald quyết chí tới New York để làm lại từ đầu.

Khác hẳn với bố mình, Ronald không có ý định kiếm tiền theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Anh vay hẳn một khoản tiền 1,9 triệu đô và mua lại hệ thống cửa hàng bán đồ trang sức ở New York. Ronald tính rằng, giá trị của các cửa hàng này đang bị đánh giá thấp hơn thực tế. Và quả đúng như vậy, một thời gian sau ông bán lại chúng với giá 15 triệu đô. Sau khi chi trả những khoản vay lãi với phần trăm cao cho ngân hàng, ông vẫn còn bỏ túi được hơn 10 triệu đô.

Ronald Perelman biết cách sử dụng một công cụ tài chính đầy lợi thế, đó là trái phiếu xô (junk bond). Trái phiếu xô có đặc điểm là độ rủi ro cao nhưng thường mang lại lợi tức hấp dẫn, có khi tới 20% lãi suất mỗi năm. Ronald tung ra những trái phiếu xô kiểu đó với tổng số giá trị lên tới 35 triệu đô vào năm 1980, và dùng số tiền thu được mua lại MacAndrew&Forbes, nhà sản xuất tinh dầu cam thảo nổi tiếng trên thế giới.

Trả tiền xong, ông lập tức thay đổi cơ cấu của công ty này và biến nó thành hạt nhân của đế chế kinh doanh tương lai. Đến tận bây giờ trên giấy tờ Ronald Perelman vẫn mang chức vụ tổng giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị của MacAndrew&Forbes.

Trong vòng 5 năm sau đó, Ronald Perelman bỏ tới 360 triệu đô ra mua lại những công ty bị đánh sụt giá, trong đó 140 triệu đô ông chi trả bằng trái phiếu xô. Cho tới năm 1985, trong tay của Ronald đã có những công ty như Consolidated Cirgars, Movie Labs, Technicolor Inc., Video Corporation of America and Pantry Pride.

Sau khi đã tinh thông nghề “thu mua” các công ty cỡ nhỏ, Ronald Perelman quyết định mạnh tay “thôn tính” Revlon. Thực chất của “cuộc tấn công” rất đơn giản và dễ hiểu: ai trả nhiều tiền nhất, người đó sẽ thành ông chủ của hãng mỹ phẩm này. Nắm trong tay một lượng tiền cực lớn nhờ phát hành trái phiếu xô, Ronald Perelman tuyên bố với ban lãnh đạo của Revlon một câu xanh rờn: “Tôi sẽ trả hơn 25 xu cho bất kỳ giá nào người ta đồng ý mua mỗi cổ phiếu của Revlon. Bất kỳ giá nào”.

Và thế là Revlon “thất thủ”, Ronald Perelman trở thành cổ đông có quyền quyết định trong công ty, khi ông chấp nhận trả gấp đôi trị giá cổ phiếu ban đầu, lúc này là: 56,23 đô la. Để chiếm được Revlon, Ronald Perelman phải móc hầu bao ra ngay lập tức 2 tỉ đô, còn 1 tỉ nữa ông phải thanh toán sau một thời gian ngắn. Mua xong Revlon, Ronald lập tức bán lại tất cả các chi nhánh y tế của tập đoàn này với giá 1,4 tỉ đô, còn phần sản xuất mỹ phẩm thì ông đang “để dành”.

Ngay cả khi Ronald thất bại trong cuộc “xâm chiếm” một công ty nào đó, các đối thủ của ông cũng phải “mướt mồ hôi” để giành lại công ty và tốn kém không biết bao nhiêu tiền của.

Ví dụ năm 1985, khi Ronald Perelman nhòm ngó Salomon Brothers, ban lãnh đạo của tập đoàn phải bỏ ra 809 triệu đô để phá giá mà Ronald đưa ra, mua lại 14% cổ phiếu, nhưng rồi cuối cùng họ cũng chỉ kiếm được ra có 109 triệu đô, số còn lại Salomon phải cầu cứu tới Warrant Buffet (người giàu nhất thế giới hiện nay).

Warrant Buffet “kéo” Salomon ra ngoài “cơn lốc” Ronald Perelman, còn công ty thì lỗ mất gần 126 triệu đô vì vụ “chết hụt” này.

Ronald Perelman còn chú tâm vào các dự án đầu tư công nghệ sinh học. Ông đầu tư vào công ty Siga Techonogies - Công ty đang nghiên cứu cách đương đầu với khủng bố sinh học. Gần đây Ronald Perelman vừa quyên góp 50 triệu đô la cho dự án phòng chống bệnh tim thuộc các trung tâm và bệnh viện ở New York.

Tổng tài sản của Ronald Perelman trị giá 9,5 tỉ đô và ông xếp thứ 87 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn.

Mai Hồng