Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của VN trong năm 2006 là 8%, trong khi nhiều đại biểu Quốc hội lại đề nghị phải tăng 8,5%. Xung quanh mức chỉ tiêu này có rất nhiều ý kiến tranh luận.
![]() |
Ông Nguyễn Phước Thanh. |
Ông Nguyễn Phước Thanh - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP HCM:
Chúng ta có thể đẩy GDP tăng thật mạnh bằng cách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… Nhưng sự gia tăng GDP theo cách ấy cũng chưa thể phản ánh được sự lớn mạnh, thịnh vượng của Việt Nam, dù nó có tạo đà cho tăng trưởng.
Thứ nhất, có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam chắc chắn GDP sẽ tăng nhanh, tạo ra nhiều hàng hóa và công ăn việc làm, đóng góp thuế… Nhưng lợi nhuận từ quá trình làm ăn đó không của Việt Nam mà thuộc về quốc gia có doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Thứ hai, GDP cũng sẽ tăng mạnh nếu Chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, song nguồn vốn đầu tư của Chính phủ có hạn, thiếu thì phải đi vay và phải trả.
Phần lớn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế là từ ngân hàng. Những năm gần đây ngân hàng không còn thỏa mãn nhu cầu này, nhất là vốn trung và dài hạn. Để lo vốn trung và dài hạn cho đầu tư, ngân hàng phải dùng vốn ngắn hạn để cho vay nhưng nay cũng đã chạm ngưỡng an toàn cho phép. Vì vậy nhiều tháng trước đây Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng và hạn chế đầu tư vào các dự án lớn, phải chuyển sang đầu tư cho các dự án nhỏ.
Chỉ đạo này là hợp lý vì việc gia tăng tín dụng quá nhanh, quá nóng có thể dẫn đến nợ xấu. Nhưng mới đây, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay các dự án trọng điểm phục vụ tăng trưởng GDP. Như vậy, vốn đầu tư cho nền kinh tế để tạo ra tốc độ tăng trưởng cao hơn vẫn trông vào ngân hàng. Giả sử chúng ta đẩy mục tiêu tăng trưởng GDP lên cao hơn sẽ đặt ra cho hệ thống ngân hàng nhiệm vụ nặng nề hơn.
Nguồn lực trong nước đủ để duy trì được mức tăng trưởng GDP 8% trở lên. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm tốt việc cần phải làm là huy động vốn trong dân. Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua mới chỉ hướng một phần vốn trong dân vào phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Người dân vẫn chưa mua trái phiếu, có gửi ngân hàng cũng chỉ là ngắn hạn vì họ chưa thật sự an tâm.
Tiền đã được đổ vào đất đai và tiếp tục được đổ vào hoạt động kinh doanh thương mại cho thấy xu hướng đầu tư trong dân là đầu tư đầu cơ và ăn ngay. Làm sao để dân tin, bỏ tiền mua trái phiếu xây dựng sân bay, mua cổ phần ở nhà máy điện..., khi đó mới tạo ra GDP chất lượng cao”.
![]() |
Ông Võ Đắc Khôi. |
Ông Võ Đắc Khôi - chuyên viên kinh tế:
Trong tăng trưởng kinh tế, tôi muốn nhấn mạnh đến so sánh hàng ngang với những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với VN, mà rõ nhất là với người láng giềng Trung Quốc. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mở cửa, hội nhập thì phải biết tận dụng các cơ hội của hội nhập.
Tháng 12/2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Kết quả là mức tăng trưởng GDP công nghiệp của nước này đã có bước nhảy ngoạn mục, từ 8,4% năm 2001 lên 12,7% năm 2004. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực cũng từ tháng 12/2001, nhưng tăng trưởng GDP công nghiệp của VN giảm từ 10,4% năm 2001 xuống 10,2% năm 2004. Mặc dù xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng gấp 5 lần (từ xấp xỉ 1 tỷ USD lên 5 tỷ USD), nhưng dường như chưa thấy sự thay đổi rõ rệt trong tăng trưởng GDP của VN.
Rõ ràng vấn đề không nằm ở con số chỉ tiêu bao nhiêu mỗi năm mà là chúng ta có những chính sách gì để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Từng doanh nghiệp và các bộ, ngành, Chính phủ phải nỗ lực tối đa để cải tiến thiết bị công nghệ và phương pháp quản lý để nâng hiệu suất của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng phải lo đủ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, khai thác triệt để những thế mạnh của VN trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ... Nếu giải quyết được những điều này, tôi tin rằng chỉ tiêu tăng trưởng 8% mà Chính phủ đưa ra cho năm 2006 hay những đòi hỏi “cao hơn năm ngoái” từ các đại biểu Quốc hội đều có thể thực hiện được.
![]() |
Ông Dominic Scriven. |
Ông Dominic Scriven - Giám đốc Công ty tài chính Dragon Capital:
Trung Quốc đã từng thay đổi một chữ, từ “kế hoạch” sang “quy hoạch”, từ đó đã thay đổi cả tư duy trong thực hiện mục tiêu phát triển. Nên chăng ở VN cũng có một sự thay đổi cách nhìn về con số GDP, đó là đưa ra những con số về mức độ tăng trưởng và xem đó là mục tiêu hơn là một mệnh lệnh phải thực hiện. VN đang tăng trưởng “nóng”. Những năm qua tăng trưởng tín dụng luôn ở mức 20-30%/năm.
Lạm phát đang có chiều hướng tăng dần qua các năm và ở mức cao. Giả sử tới đây chúng ta nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên mức cao hơn thì liệu cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng được sức “nóng”? Thông tin trên báo chí đã trả lời câu hỏi này. Tới đây VN phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Điện thoại luôn bị nghẽn mạch, đô thị thì kẹt xe, quốc lộ thì quá tải. Vì vậy duy trì mức tăng như hiện nay là quá tốt rồi. Nếu thúc đẩy tăng trưởng quá “nóng” nhưng cơ sở hạ tầng không theo kịp sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho kinh tế, xã hội.
Không chỉ ở VN mà ngay cả Mỹ cũng thế, tín dụng sẽ tăng nhanh theo tốc độ của tăng trưởng GDP. Tín dụng tăng quá nhanh sẽ xảy ra tình trạng quyết định cấp tín dụng vội vã, chất lượng tín dụng xấu, cho vay nhưng không thu được nợ. Hệ quả là lãi suất sẽ tăng, kéo theo đó là lạm phát gia tăng. Một khi lạm phát tăng nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng tăng trưởng. Giá cả hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn, chi phí sinh hoạt của người dân phải cao hơn, chi phí sản xuất kinh doanh cũng từ đó mà bị đẩy lên ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp...
Việt Nam đã và đang quyết tâm giải phóng các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng. Có thể kể đến các chính sách về xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực, về cổ phần hóa... Nhưng kể cả khi Việt Nam quyết tâm hơn nữa, kết quả của những cuộc cải cách mạnh mẽ này cũng chỉ giúp tăng trưởng cao hơn cho 3-5 năm tới. Muốn GDP tăng mức từ 8,5% trở lên ngay trong năm 2006, phải giải quyết hàng loạt vấn đề rất cụ thể: vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, cơ sở hạ tầng bao gồm cả phần cứng (đường, điện, viễn thông...) và phần mềm (chất xám, chính sách...). Khó có mức tăng trưởng cao hơn nếu trước đây chưa có sự chuẩn bị đầy đủ các yếu tố này.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Vụ Nguyễn Đức Chi: Bộ trưởng Bộ KHĐT có phần trách nhiệm (24/10/2005)
▪ Vụ tiêu cực quota dệt may: Bộ trưởng nhận lỗi, nhưng... (24/10/2005)
▪ Vụ côngtơ điện tử: Lãnh đạo EVN vẫn chưa làm xong giải trình (24/10/2005)
▪ Vụ nợ đọng vốn ở Hà Giang: Lãnh đạo tỉnh can thiệp quá sâu (24/10/2005)
▪ Xuất khẩu dịch vụ đạt 8 tỉ USD vào năm 2010? (24/10/2005)
▪ Mía "nóng", mía "nhạt" (24/10/2005)
▪ Doanh nghiệp kiến nghị tái xuất khẩu vàng (24/10/2005)
▪ Mua hàng qua mạng coi chừng bị lừa (24/10/2005)
▪ Thêm liều thuốc 'cứu' thiếu điện (24/10/2005)
▪ Nhiều doanh nghiệp kêu cứu (20/10/2005)