Sẽ in thêm tiền polymer mệnh giá nhỏ
Các Website khác - 16/12/2005

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Thị Kim Phụng hôm qua cho biết, căn cứ vào nhu cầu sử dụng của nền kinh tế, sẽ tiếp tục nghiên cứu phát hành những mẫu tiền phù hợp, trong đó có thể có tiền polymer mệnh giá nhỏ 10.000-20.000 đồng.

Tiền polymer dễ bị nhoè khi dính hoá chất. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, bà Phụng từ chối tiết lộ kế hoạch và lộ trình cụ thể bởi bà cho biết, mọi việc còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải cài đặt phần mềm rút tiền tự động để đảm bảo mỗi máy ATM cung cấp đủ 4 loại mệnh giá trong một máy, trong đó có tiền mệnh giá nhỏ 10.000 và 20.000 đồng. Trao đổi với VnExpress, các ngân hàng cho biết họ đang nghiên cứu để cài đặt chương trình kỹ thuật nhằm thực hiện đúng chỉ đạo trên. Tuy nhiên theo các ngân hàng, trong thực tế triển khai, lượng tiền cotton mệnh giá 10.000 và 20.000 rất ít và cũ, hoặc nhàu nát, phần lớn được chuyển từ các điểm giao dịch về. Vì thế, sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc kiểm đếm và lựa chọn tiền để đảm bảo kỹ thuật. Thêm vào đó, nếu chi trả qua ATM những đồng tiền mệnh giá nhỏ cũng khiến tần suất hoạt động của máy cao hơn.

Trước mắt, Ngân hàng Ngoại thương (VCB) dự tính sẽ chi trả tiền cotton 10.000 và 20.000 đồng qua máy ATM vào đúng dịp Tết Bính Tuất năm nay. Tuy nhiên, VCB cũng như các ngân hàng khác hy vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng xem xét in tiền polymer mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng để tạo thuận lợi hơn cho việc chi trả qua ATM.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, thông thường, để hạn chế hiện tượng kẹt tiền, trước khi tiếp quỹ tiền cotton vào máy ATM, các ngân hàng phải đầu tư nguồn nhân lực rất lớn cho việc sàng lọc cẩn thận, phân loại tiền cũ, bẩn bằng phương pháp thủ công. Trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao và lưu thông đặc thù của VN, đồng tiền cotton nhanh bị bẩn, nhàu nát và hấp thụ nhiều loại tạp chất khác nhau. Do đó, tuổi thọ bình quân của tiền giấy chỉ vào khoảng 1,5-3 năm, tùy theo từng loại mệnh giá.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc VCB, Chủ tịch Hiệp hội thẻ VN, tiền polymer trơn, nhẵn, không tạo ra bụi tiền như tiền cotton (do bột giấy mòn ra) nên đã hạn chế đáng kể hiện tượng bị bẩn các bộ phận dẫn động và các rãnh trượt của hệ thống đưa tiền ra trong máy ATM. Tuổi thọ của các máy ATM vì thế cũng sẽ được tăng lên.

Người dân khi sử dụng tiền polymer gần đây thường phàn nàn về chuyện dễ bị kẹp díp, khó gấp, hoặc khi gấp lại được rồi thì rất khó duỗi thẳng ra và tạo thành một lằn rất xấu ở giữa tờ tiền. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng thừa nhận tình trạng này và cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã biết những nhược điểm này trước khi phát hành tiền. Ông Briant Lang, Vụ trưởng Tiền tệ Ngân hàng dự trữ New Zealand cho biết, sau hơn 6 năm phát hành tiền polymer tại New Zealand, họ cũng gặp phải một số tình trạng tương tự. Theo bà Phụng, không chỉ riêng VN, chắc chắn các nhà sản xuất và các nước còn phải tiếp tục nghiên cứu để dần hạn chế những nhược điểm của loại tiền này.

Hà Vy